VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Người dân Nam Bộ mong muốn đàn ca tài tử sớm được vinh danh
(Ngày đăng: 21/07/2012   Lượt xem: 669)

Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu âm nhạc ĐẶNG HOÀNH LOAN trong cuộc trao đổi với PV Báo ĐBND sau hội nghị tập huấn kiểm kê đàn ca tài tử do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức mới đây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bình Thuận - một hoạt động thường niên khi đã gửi hồ sơ di sản tới UNESCO để xét công nhận là di sản văn hóa của nhân loại...

- Vừa qua, Viện Âm nhạc Việt Nam đã mở lớp tập huấn về kiểm kê di sản đàn ca tài tử tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bình Thuận. Ông có thể cho biết một  số nội dung quan trọng tại đợt tập huấn này là gì?

- Theo tôi, tại lớp tập huấn lần này đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng. Đó là thống nhất được tiêu chí về kiểm kê di sản trong đó có tiêu chí về nghệ nhân, những người biết chơi đàn ca tài tử và tiêu chí để thành lập CLB, những nhóm người chơi đàn ca tài tử… Thực tế, từ xưa đến nay, với riêng đàn ca tài tử, người đàn - hát không gọi là nghệ nhân. Trong khi theo quy định chung của quốc tế phải là nghệ nhân.  Hội thảo đã thảo luận khá sôi vấn đề này, cuối cùng đã đi đến thống nhất về tiêu chí trong việc lựa chọn nghệ nhân phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. 

Bên cạnh đó, đối tượng sau nghệ nhân, lớp được nghệ nhân truyền dạy gọi là gì cũng được đưa ra bàn thảo. Cụ thể những người biết chơi đàn ca tài tử, dù chưa lành nghề, chưa chơi được nhiều bài bản, nhưng cũng hát được, ca được một số bài bản, người ta cũng tham gia trong cuộc chơi. Như thế tức là lớp người thứ hai, đặc biệt là lớp trẻ người ta chơi ít, tham gia ít nhưng cũng biết chơi đàn ca tài tử.



Tiếp theo, tiêu chí về câu lạc bộ cũng được thống nhất, các vấn đề được tính đến như số người tham gia CLB tối thiểu và tối đa là bao nhiêu cũng được thống nhất. Theo đó, đối với loại hình nghệ thuật này, quy định chung khi thành lập CLB là 3 người trở lên trong đó có 1 ca và hai đàn. CLB sẽ được địa phương cấp giấy chứng nhận, thẻ hành nghề. Song song với mô hình này, hội nghị cũng thống nhất sẽ có những nhóm không phải là CLB mà vẫn được công nhận. Vì đàn ca tài tử có đặc điểm, đặc trưng là những người hiểu nhau, thân nhau có thể tổ chức một nhóm biểu diễn. Họ sẽ chơi đàn ca tài tử khi nào rảnh rỗi, các buổi biểu diễn không tổ chức theo định kỳ. Tồn tại các mô hình này sẽ giúp đàn ca tài tử có nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn.

- Đàn ca tài tử còn có đối tượng quan trọng là các nhà soạn giả, các tài liệu cổ… Điều này có được tính đến trong lớp tập này không thưa ông?

- Các tác giả chơi đàn ca tài tử, các nhà soạn giả đóng một vai trò quan trọng cho đàn ca tài tử phát triển. Đàn ca tài tử ra đời cùng với chữ quốc ngữ và các hoạt động xã hội nên các soạn giả đóng vai trò trong việc truyền bá. Hội nghị thống nhất đưa soạn giả vào hệ thống các tài liệu, các soạn giả có vị trí, vai trò đóng góp trong đời sống cộng đồng.

Và cuối cùng là các di tích, tài liệu cổ vật liên quan đến các nghệ sĩ, nghệ nhân tài ba đã khuất bóng. Thực tế, các nhạc sư khi truyền dạy thường viết lại nội dung hoặc soạn sách dạy các học trò. Các quyển sách ấy được học trò lưu lại nên rất nhiều nhạc sư hiện nay còn có sách, bài dạy. Do đó, trong lớp tập huấn này, quan trọng nhất là đã thống nhất được cách làm, cách ghi biểu mẫu theo tiêu chí để việc thu gom, tìm kiếm tài liệu này được chuẩn xác. Và nội dung này đã được chính các học viên đề xuất, đồng thời họ là người đưa ra các hướng giải quyết. Điều tốt hơn nữa, những học viên tham gia lớp học này chủ yếu là cán bộ lãnh đạo khi họ chuyên tâm sẽ chỉ đạo địa phương mình tốt hơn.

 - Một trong những thành công của hội nghị lần này là đưa ra được tiêu chí về nghệ nhân đàn ca tài tử. Tiêu chí này có giống với tiêu chí về nghệ nhân mà Ngành Văn hóa đã đưa ra?

- Thực ra, đây là tiêu chí để xếp loại người chơi đàn ca tài tử là nghệ nhân chứ không phải loại tiêu chí để vinh danh, để phong danh hiệu. Để có thể được xếp loại là nghệ nhân đàn ca tài tử, người chơi phải có được ba điều. Thứ nhất, phải truyền dạy được nghệ thuật trong cộng đồng. Điều này khác với danh hiệu nghệ nhân dân gian, chỉ quan tâm tới trình diễn thế nào. Thứ hai, là nghệ nhân phải tham gia được nhiều cuộc trình diễn trong cộng đồng. Thứ ba, nghệ nhân phải thuộc từ 15 đến 20 bản tổ. Đây là những bản nhạc do các bậc thầy sáng tạo ra, được các tài tử bậc thầy ở hai miền thống nhất chọn làm bản gốc để dạy đàn ca tài tử. Trong giới đàn ca tài tử, khi thuộc 20 bản tổ và trình diễn hay thì nghệ thuật của nghệ nhân được cả cộng đồng công nhận và tôn vinh rất cao. Một tài tử đã có nhiều năm biểu diễn và truyền dạy, lúc ấy mới được gọi là nhạc sư. Nhưng hiện nay, số người thuộc được đến 20 bản tổ không nhiều. Vì vậy, nếu xét theo tiêu chí này, số nghệ nhân sẽ không có nhiều như người ta tưởng song số người chơi đàn ca tài tử sẽ nhiều.

- Qua buổi tập huấn lần này, ông có nhận xét gì về đội ngũ làm công tác di sản ở địa phương?

- Chúng ta chưa có một thống kê nào để nắm bắt tình hình xây dựng các di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, để làm được một hồ sơ di sản theo đúng yêu cầu của UNESCO thì đội ngũ làm di sản và thực hiện hồ sơ phải được tập huấn, đào tạo vì nó liên quan đến các vấn đề khoa học văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và cả chính trị. Nếu những cán bộ địa phương chưa tham gia hoặc chưa hiểu sâu thì khi tiến hành làm hồ sơ di sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hồ sơ di sản quy định hàm lượng khoa học rất cao nhưng số từ ngữ, thời lượng lại phải rất ít. Hơn nữa, hồ sơ yêu cầu phải theo công nghệ đạt chuẩn quốc tế. Vì thế muốn xây dựng hồ sơ quốc gia, để các tỉnh tự làm thì phải có tập huấn về nội dung, về công nghệ. Để làm được điều đó thì Bộ chủ quản phải có các lớp tập huấn, xây dựng hồ sơ. Hiện chưa có tỉnh nào tự làm được mà đều phải kết hợp với các Viện khoa học xây dựng hồ sơ. Nếu sự kết hợp nhuần nhuyễn thì hồ sơ càng nhanh và chuẩn, tạo sức thuyết phục cao...

- Xin cám ơn ông!

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.516.017
Tổng truy cập: