VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Không thể ép duyên!
(Ngày đăng: 17/07/2012   Lượt xem: 677)
Với thời gian và sự sàng lọc khách quan, nhìn lại những tiết mục chèo đề tài hiện đại, dư luận và bản thân giới chèo tỉnh táo nhận ra những thiếu hụt bất ổn ở đa số tác phẩm chèo này, bộc lộ từ diện mạo tổng thể cho đến các thành phần sáng tạo, dẫn đến làm giảm sút chất lượng nghệ thuật, hiệu quả truyền cảm…

PGS,TS Phạm Duy Khuê: Chèo không kham nổi những xung đột khốc liệt

Chèo vốn là sân khấu tự sự - ước lệ, lấy đối tượng phản ánh chủ yếu là đời sống trữ tình nơi con người, khác với kịch nói vốn là sân khấu kịch tính - tả thật, nên chèo không thể nhập cuộc và phản ánh những vấn đề hiện thực hiện đại có “nồng độ” kịch tính ở cấp độ ba - xung đột gay cấn quyết liệt, va chạm bạo liệt, căng thẳng và phức tạp, rất tương thích với sở trường của kịch nói. Bởi vậy, chèo đi vào đề tài hiện đại, cần tìm đến những vấn đề mà kịch tính ở cấp độ ba (xung đột) chỉ là chất xúc tác, mang tính động cơ như những “nguyên cớ” để bộc lộ các trạng thái nội tâm sâu sắc, đa dạng và một số nét tính cách cá biệt, độc đáo của nhân vật; chứ chèo không thể kham nổi những vấn đề có xung đột căng thẳng, điển hình và khốc liệt của hiện thực hiện đại như xung đột trong các lĩnh vực: cạnh tranh trong kinh tế thị trường, khủng bố và chống khủng bố, những vấn đề phân biệt sắc tộc, áp đặt văn hóa và những vấn đề chính trường hiện đại... Có lẽ những vấn đề tâm lý, đạo đức đời thường, những biểu mẫu nhân cách hiện thân thành những quan hệ ứng xử của lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” và chủ nghĩa yêu nước trong hoàn cảnh mới... là những lĩnh vực phù hợp với bản chất thi pháp, phong cách của nghệ thuật chèo, đồng thời không quá xa lạ với hiện thực mà chèo vẫn phản ánh xưa nay.



Trước giờ biểu diễn                                                                    

Nhạc sỹ, NSƯT Bùi Đức Hạnh: Không thể ép duyên

Chèo hiện đại hoặc chèo sáng tác về đề tài hiện đại thực chất là một hình thức ép duyên giữa chèo cổ với loại hình kịch tuyên truyền có hát một số điệu chèo nhằm thể hiện những nhân vật cuộc sống mới, con người mới với mục đích tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ca ngợi người tốt, việc tốt, động viên toàn dân tham gia đánh giặc, đả kích phong kiến đế quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội... Một số lượng lớn những vở chèo đề tài hiện đại xuất hiện trong nửa thế kỷ qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đó, nhưng cuộc hôn nhân giữa chèo cổ với chèo mới vẫn không mang lại hạnh phúc thực sự, luôn xảy ra chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt báo hiệu sự đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Có một điều tôi vẫn băn khoăn tự hỏi vì lý do gì mà giới chèo đã phải tốn công tốn sức, vắt óc tạo ra những vở diễn theo kiểu “bình cũ rượu mới”? Nghĩa là nội dung xã hội mới được chứa trong một hình thức cũ và mọi sự xộc xệch, không ăn khớp đều được những người thợ chèo lành nghề đẽo gọt, mài giũa cho thích hợp như kiểu “đẽo chân cho vừa giày” và cuối cùng thì công việc của người thợ đã hoàn thành và sản phẩm ra đời giống nhau như đúc, kích cỡ và dáng dấp riêng biệt của đôi chân từng người đã được cắt gọt, chỉnh sửa cho vừa đôi giày của nhà sản xuất. Có lẽ khán giả hôm nay không thích thú những vở diễn theo kiểu ép duyên như vậy.

Kinh nghiệm cho thấy, chèo diễn đề tài hiện đại nếu sử dụng nhiều miếng diễn chèo cổ thì dễ trở thành nhại chèo, dịch chèo, không ăn nhập với tâm tư tình cảm của con người đương đại, trái lại, bỏ bớt những yếu tố chèo, thêm nhiều yếu tố kịch, vở diễn sẽ phù hợp và hấp dẫn hơn (chèo cải lương của cụ Nguyễn Đình Nghị thực chất vấn là hài kịch cải lương). Đó là công việc hết sức khó khăn và không mấy người đã thành công trong quá trình tìm tòi sáng tạo. Vậy thì tại sao cứ phải biến cái “ngược” thành cái “xuôi” để rồi hát mãi hết cả hơi, trong khi đó những đề tài khác như truyền thống, lịch sử, cổ tích, dân gian... rất thích hợp với chèo sao ta không khai thác để “hiện đại” chèo mà không sợ đánh mất hoặc hủy hoại chèo? Ta nên dành đề tài hiện đại cho những bộ môn nghệ thuật hiện đại như kịch nói, phim truyền hình, điện ảnh, chắc chắn sẽ thích hợp hơn. Nói tóm lại, chèo không nên tốn công tốn sức chạy theo những đề tài hiện đại mà chỉ nên “hiện đại” bằng những đề tài gần gũi với môi trường sống mà ở đó chính nghệ thuật chèo đã sinh ra.

Đạo diễn Lê Huệ: Đừng gieo vừng ra ngô

Khi tôi ở tuổi đôi mươi, mới chập chững bước vào ngưỡng cửa sân khấu chèo thì đã được nghe các nhà lão thành sân khấu lúc đó nói rằng: khi nói về vấn đề phát triển chèo, Bác Hồ căn dặn: “Đừng gieo vừng ra ngô”. Câu nói ví von mà vĩ đại ấy cứ ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời làm sân khấu. Ám ảnh vì Bác đã nhìn thấy trước cái khó. Mà khó thật.

Tôi còn nhớ cuối thập kỷ 1980 tại thủ đô Hà Nội đã nổ ra vụ Nàng Sita, rồi Đoàn Chèo Hà Tây tiếp sức làm cho ngành chèo rối tung cả lên. Tuy nhiên, tôi và số đông anh em Đoàn Chèo Hà Nam Ninh đồng tình: “đói thì đói chứ nhất định không chịu đánh mất mình”. Bước vào Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, chúng tôi đồng lòng chuẩn bị rất kỹ cho vở Những người nói thật. Các cộng tác viên ở Trung ương mỗi khi về chỉ đôi ba ngày lại vội về Hà Nội. Ấy thế mà chúng tôi đã giữ chân được nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh, cố họa sỹ Bùi Huy Hiếu 21 ngày đêm liền ở khách sạn Vị Hoàng. Tôi dẫn chứng sự việc trên đây không phải để nói rằng hễ vở chèo nào làm lâu, làm nhiều thời gian là thành chèo, mà ý nói rằng để làm được một vở chèo với đề tài hiện đại là phải đồng bộ. Muốn đồng bộ thì phải đồng thuận ngay từ khâu tác giả viết kịch bản đã phải tuân thủ lối cấu trúc câu chuyện kể, văn phong, rồi đạo diễn khi dàn dựng, xử lý các thủ pháp mảng miếng tuy được quyền sáng tạo, thay đổi nhưng phải tôn trọng tác giả; họa sỹ, nhạc sỹ tôn trọng ý đồ của đạo diễn, gắn bó bên nhau cảm thụ không khí của vở mà sáng tác nhạc nền, không nên mặc ai nấy làm.

Để làm được một vở chèo với đề tài hiện đại mà vẫn chèo rất khó, đòi hỏi từ khâu viết kịch bản đến cách dàn dựng và toàn bộ êkíp phải đồng tâm, đồng lòng, cùng chí hướng, công phu, mọi thành viên theo đuổi đến cùng chứ không đơn giản như cách làm thông thường, tác giả viết kịch bản xong chuyển cho đạo diễn muốn làm thế nào thì làm, các khâu khác cứ nộp bài cho đạo diễn là xong, nhất là lối làm “chạy sô” của các đạo diễn thì chắc chắn sẽ “gieo vừng ra ngô”.

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.500.770
Tổng truy cập: