VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Thăm “Bảo tàng tượng Phật của Việt Nam”
(Ngày đăng: 07/03/2015   Lượt xem: 472)
Không chỉ được mệnh danh là “Bảo tàng tượng Phật của Việt Nam”, với khối kiến trúc chữ Tam có một không hai ở miền Bắc, chùa Tây Phương là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của xứ Đoài.
Ở ngôi chùa cổ này, du khách sẽ chạm được vào những xúc cảm chân thật nhất trong tâm mỗi người.    Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) tọa lạc ở độ cao 100m trên núi Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội), là một trong những ngôi chùa có niên đại cổ nhất Việt Nam, chỉ sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Theo cuốn Sơn Tây địa chí (1939), chùa được xây từ đời Cao Biền (865 - 875).
 
Các tượng La Hán tại chùa Tây Phương.
Các tượng La Hán tại chùa Tây Phương.
Đến năm 1794, chùa được đại tu hoàn toàn với tên gọi “Tây Phương Cổ Tự”, hình dáng kiến trúc còn giữ lại đến ngày nay. Dựa vào thế núi từ thấp lên cao, kiến trúc chùa Tây Phương được xây dựng theo kiểu chữ Tam, tòa giữa hẹp nhưng cao hơn tòa thượng và hạ, cách nhau 1,6m. Các tòa nhà gạch trần theo hình cong và được chạm trổ theo kiểu “bán âm, bán dương” hoặc “sắc sắc không không” theo triết lý nhà Phật. Phía trong chùa dựng theo lớp chồng giường thống nhất , chồng cột có xà đỡ. Mỗi ngôi chùa mang một kiến trúc riêng biệt, nhưng lại tạo nên một chỉnh thể hài hòa, thống nhất giữa không gian núi rừng trầm tịch và thoáng đãng. 
Để lên đến cổng chùa, du khách phải vượt qua 239 bậc lát đá ong. Nhìn bề ngoài, mỗi tòa có 2 tầng mái kiểu chồng diêm. Mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông đều đặn. Mái chùa có những góc đao cong vút được làm bằng gỗ và đất nung, với những đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng sống động, vươn cao tới 2,2m. Xung quanh diềm mái của 3 tòa nhà đều được chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn rất công phu. Tường chùa xây toàn bằng gạch Bát Tràng, các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh, khắc hình cánh sen. Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Hầu hết các đầu bẩy, bức cổn, xà nách, ván long... làm bằng gỗ trong chùa đều được các nghệ nhân làng mộc truyền thống Chàng Sơn nổi tiếng nhất xứ Đoài thời bấy giờ thực hiện.
Nhưng tiêu biểu nhất ở chùa Tây Phương phải kể đến các bộ tượng. Trong chùa có hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng. Nhiều pho tượng được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m. Đặc biệt, tượng 18 vị La Hán được thờ ở chùa Thượng đã nhiều lần đi vào thi ca. 18 pho tượng, mỗi người một dáng vẻ, một tư thế, ai nấy đều có nét riêng biệt với phong cách điêu khắc lạ lùng, khi đặt cạnh nhau tạo nên một khung cảnh đầy ấn tượng. Hội chùa Tây Phương được tổ chức vào ngày 6 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp du khách vừa đi lễ chùa cổ, vừa khám phá những nét kiến trúc Phật giáo độc đáo của đất Hà thành.
                                                                         Theo : ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.469.385
Tổng truy cập: