VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Du lịch biển Việt Nam: Cần một chiến lược phát triển bền vững
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 642)

Những năm gần đây, ngành du lịch biển nước ta ngày càng khởi sắc và tạo dựng được uy tín với khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Với những lợi thế về bãi biển dài và đẹp, khí hậu thuận lợi cho nghỉ dưỡng cùng cảnh quan thiên nhiên phong phú, nét văn hóa vùng miền đặc sắc và nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa… khiến lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch biển Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và đang phải đối mặt với không ít rào cản…

Những "chướng ngại vật"

 
Bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng luôn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Nước ta có bờ biển dài trên 3.200km với 125 bãi biển cùng hàng ngàn đảo lớn nhỏ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Mặt khác, Việt Nam có nhiều vịnh biển được thế giới biết đến như Đà Nẵng, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) Hạ Long (Quảng Ninh) và Nha Trang (Khánh Hòa).

Tuy có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng để xây dựng thương hiệu quốc tế cho những bãi biển này, chúng ta lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vấn đề cản trở sức hấp dẫn của du lịch biển Việt Nam, theo một chuyên gia của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), chính là ở chỗ, dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch còn quá ít ỏi và nghèo nàn. Các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch thường tăng giá vào giai đoạn cao điểm.

Du lịch biển Việt Nam phát triển manh mún, "mạnh ai nấy làm", đúng hơn là chưa có "nhạc trưởng" để xây dựng chiến lược dài hơi. Ô nhiễm môi trường cũng là yếu tố gây ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch biển Việt Nam. Bức tranh du lịch biển trong những năm qua đã khởi sắc, tuy nhiên, "điểm mặt" các bãi tắm, thắng cảnh nổi tiếng ở nước ta như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đồ Sơn (Hải Phòng), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An)... thì công tác vệ sinh môi trường dường như bị bỏ quên.

Giá cả dịch vụ cũng là điều khiến du khách phiền lòng. Anh Phạm Hoàng Nam, nhân viên khách sạn Biển Xanh, bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng nhận xét: Giá dịch vụ du lịch, đặc biệt với du lịch biển như hiện nay là quá cao. Giá phòng ngủ, ăn uống, chụp ảnh, hàng lưu niệm... tại các khu du lịch biển vào dịp nghỉ lễ 30-4 đều tăng từ 30 đến 40% so với bình thường.

Còn du khách đi nghỉ dưỡng vào những tháng "cao điểm" như tháng 6, tháng 7, thường phải "bấm bụng" trả tiền dịch vụ với giá "cắt cổ". Hiện tượng chèo kéo khách, ăn xin, móc túi tuy đã bị nghiêm cấm nhưng vẫn còn xảy ra tại nhiều bãi tắm. Mặt khác, các công ty du lịch dường như chỉ chú trọng tới lợi nhuận mà "bỏ qua" việc giữ gìn và quảng bá hình ảnh du lịch. Tất cả những "khiếm khuyết" trên đã tạo nên một áp lực, rào cản trong chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam.

Làm gì để xoay chuyển tình thế?

Ông Nguyễn Huyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đánh giá: Loại hình du lịch biển tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và chủ yếu dựa trên sự kết hợp của 2 yếu tố - du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta còn thiếu các chiến lược phát triển xuyên suốt, đồng bộ để xoay chuyển tình thế. Chúng ta chủ yếu khai thác "mỏ vàng" thiên nhiên ban tặng, chứ đầu tư ngược lại không đáng kể. Vì thế, muốn khai thác du lịch biển Việt Nam theo hướng bền vững, chúng ta phải khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới tìm hiểu, khảo sát và áp dụng chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, ưu đãi tín dụng cho những doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ để phục vụ khách du lịch biển, đảo.

Cũng theo ông Nguyễn Huyên, cần phải chuyên nghiệp trong xây dựng thương hiệu du lịch. Việc xây dựng sản phẩm biển, đảo phải gắn với văn hóa địa phương đặc thù và các di sản nổi tiếng trong khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên du lịch biển vừa có sức khoẻ, có nghiệp vụ, kỹ năng, vừa thông thạo ngoại ngữ, yêu nghề để phục vụ khách du lịch.

Ông Hermawan Katajaya, Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới cho rằng: Các du khách đến các nước ASEAN luôn bị cuốn hút bởi những giá trị hoang sơ và lịch sử. Các nước trong khu vực đều nỗ lực biến đất nước mình trở thành một điểm hấp dẫn của du lịch thế giới. Điều đó tạo nên sự cạnh tranh "khốc liệt" trong khu vực. Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam cần phải có thương hiệu chủ đạo ở tầm quốc gia và nếu thương hiệu du lịch quốc gia trở nên hùng mạnh, ắt sẽ được chấp nhận trên thị trường thế giới.

Theo bienphong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.496.092
Tổng truy cập: