VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Hàng lưu niệm đặc trưng Hải Phòng- “Xắn tay” cùng lo
(Ngày đăng: 11/07/2012   Lượt xem: 952)

“Dẫn du khách tham quan Hải Phòng, thật khó giới thiệu với khách sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của đất Cảng”- Một hướng dẫn viên Công ty du lịch Discovery than phiền. Thực trạng mặt hàng lưu niệm nghèo nàn, thiếu bản sắc địa phương là  phản ánh của nhiều du khách, khiến các nghệ nhân, những người làm công tác quản lý du lịch Hải Phòng luôn trăn trở.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Bin tạc rồng thời Lý
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bin tạc rồng thời Lý

                                            

Mỏi mắt tìm hàng lưu niệm đặc trưng

Chiều cuối tuần, nhân mấy người bạn học ở xa đến thăm thành phố Cảng muốn mua quà lưu niệm, chúng tôi đến một số khu phố trung tâm, nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn như Minh Khai, Điện Biên Phủ, Trần Phú…để tìm mua. Các cửa hàng lác đác vài người khách, nhưng ít người mua được món đồ ưng ý. Sau khi ngắm nghía, lựa chọn, cuối cùng chúng tôi quyết định mua mấy pho tượng nhỏ và tranh tre. Khi hỏi nhân viên bán hàng về nguồn gốc những sản phẩm này, được biết xuất xứ của chúng từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội…

Tại các khu du lịch trọng điểm của Hải Phòng như Đồ Sơn, Cát Bà, khá nhiều mặt hàng lưu niệm bằng vỏ ốc, sò… được bày bán. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm cho biết, phần lớn hàng nhập về từ một số tỉnh có du lịch biển phát triển như Nha Trang, Thanh Hóa, Vũng Tàu… Một số sản phẩm được chế tác công phu, cầu kỳ, ấn tượng, nhưng nhiều du khách vẫn không thích bởi chúng quá “quen”, không thấy nét đặc trưng nào của thành phố Cảng. Anh Nguyễn Văn Dương, ở phường Đằng Hải (quận Hải An) cho biết: “Bạn  bè đến thăm Hải Phòng, chẳng lẽ lại tặng bức tranh thêu chùa Một Cột hay bức tranh sơn mài phong cảnh Hạ Long. Cũng bỏ công dạo khắp các cửa hàng đồ lưu niệm, nhưng khó tìm thấy món ưng ý nhất mang đặc trưng của thành phố để tặng bạn…”

Theo khảo sát của Hội Nghệ nhân Hải Phòng, 90% lượng hàng lưu niệm phục vụ du khách đến thành phố Cảng hiện này nhập từ các địa phương bạn  và Trung Quốc. Một số mặt hàng được sản xuất từ các cơ sở thủ công mỹ nghệ của thành phố, nhưng số lượng không đáng kể, mẫu mã, kiểu dáng cũ. Nhìn chung sản phẩm lưu niệm của du lịch Hải Phòng yếu cả về chất lượng, chủng loại, hình thức, tem nhãn, khó đáp ứng yêu cầu thị hiếu khách du lịch. Ngay tại những khu du lịch lớn, cũng khó tìm được mặt hàng lưu niệm mang đặc trưng của thành phố.

 

 

Đồ lưu niệm của làng gốm Minh Tân (Thủy Nguyên) khó cạnh tranh với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và các địa phương khác. 										         Ảnh: Duy Trần

Đồ lưu niệm của làng gốm Minh Tân (Thủy Nguyên) khó cạnh tranh với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và các địa phương khác


Không thiếu nghệ nhân, chỉ thiếu cơ chế phối hợp

Hải Phòng từng có 60 làng nghề với 20 loại hình nghề khác nhau, phần lớn là nghề thủ công mỹ nghệ. Trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng được hình thành hàng trăm năm nay như: sơn mài điêu khắc Bảo Hà, con giống Nhân Mục (huyện Vĩnh Bảo), chiếu cói Lật Dương (huyện Tiên Lãng), mây tre đan Chính Mỹ, đúc đồng Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên), mây tre đan Xuân La (xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy)…Cùng với sự phát triển của các làng nghề, Hải Phòng đã và hiện có một số nghệ nhân, thợ giỏi nổi tiếng với các sản phẩm “để đời”, như nghệ nhân Đặng Trần Tâm với bộ ấm chén đất nung;  Đặng Văn Lạc với bộ tranh tre ghép; Lại Văn Đê với các sản phẩm mây, tre đan…

Tiềm năng rất lớn, tuy nhiên sản phẩm hàng lưu niệm “made in Hai Phong” hiện chưa khẳng định được thương hiệu, vị trí trên thị trường. Lý giải điều này, nghệ nhân gốm da chu Đặng Trần Hiền tâm sự: “Hầu hết nghệ nhân, thợ giỏi đều có tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du lịch, nhưng hầu hết không có vốn tích lũy nên thường phải duy trì làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thông dụng để mưu sinh hàng ngày. Chuyển sang làm hàng lưu niệm du lịch phải đầu tư kinh  phí, nghiên cứu thị trường, ảnh hưởng đến đời sống thực tại. Trong khi đó, sự đóng góp của các nghệ nhân chưa được nhiều cấp, ngành thực sự quan tâm, khiến chúng tôi thiếu tự tin, kém mặn mà sản xuất hàng lưu niệm”. Một số nghệ nhân khác cho biết, tìm được thị trường cho hàng lưu niệm phục vụ du lịch khá khó khăn, do sự kết nối giữa nghệ nhân và những người làm dịch vụ du lịch chưa chặt chẽ. Nếu chỉ trưng bày, ký gửi sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, lâu thu được vốn để đầu tư tiếp.

Cơ hội mới để phát triển mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch:

+ Trung tâm xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, Hội Nghệ nhân Hải Phòng vừa ký kết thỏa thuận phối hợp xúc tiến chế tác, sản xuất, tiêu thụ hàng lưu niệm

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi thiết kế mẫu và sản xuất hàng lưu niệm – quà lưu niệm với nhiều giải thưởng; trong đó cá nhân giành giải đặc biệt ngoài phần thưởng trị giá 10 triệu đồng còn được thành phố đặc cách xét tặng danh hiệu nghệ nhân.

 

Cùng hợp tác mới thành công

Để có những sản phẩm lưu niệm đa dạng, hấp dẫn du khách, ông Bùi Quốc Việt, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Hải Phòng cho rằng: “Các nghệ nhân khi thiết kế sản phẩm du lịch nên quan tâm đến tính độc đáo, hấp dẫn, phong phú, đa dạng, gọn, nhẹ giá cả hợp lý . Để sản phẩm đến được với du khách, vai trò của các công ty du lịch, hướng dẫn viên rất quan trọng; đồng thời  cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và bán hàng. Các nhà hàng, khách sạn nên có quầy hàng bán và giới thiệu hàng lưu niệm”. Trưởng phòng quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch Hải Phòng khẳng định: “Nghệ nhân và người làm du lịch phải gặp nhau, có sự hợp tác, giúp đỡ để phát triển mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó cần sự quan tâm của thành phố và các ngành chức năng”.

Ông Vũ Tiến Bảy, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cát Hải cho rằng hàng lưu niệm mang đặc trưng Hải Phòng có thể là những bức tranh sơn mài, tranh thêu, thảm treo có hình tượng nữ tướng Lê Chân trên nền những bông phượng đỏ; con giống voọc Cát Bà làm từ ốc; đôi đũa làm từ gỗ Kim Giao ở Vườn quốc gia Cát Bà…

Theo ông Đỗ Trung Minh (Trường Cao đẳng nghề Bắc Nam), thành phố nên quan tâm, dành nguồn đầu tư cho lĩnh vực thiết kế, chế tác và sản xuất hàng lưu niệm du lịch, hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nghệ nhân, thợ giỏi, hỗ trợ vốn để họ mua sắm thiết bị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Ông Cao Văn Tuyến, Giám đốc Công ty Cá sấu Việt Nam, gợi ý các nghệ nhân quan tâm thiết kế và sản xuất một số sản phẩm như trâu chọi được chạm, khắc tinh xảo trên các chất liệu gỗ, đá; thuyền, chuông gió làm bằng đá, ốc, vỏ sò; một số mặt hàng lưu niệm làm từ da cá sấu…

Ông Đinh Công Hường, Chủ tịch Hội nghệ nhân Hải Phòng đề nghị thành phố quan tâm, động viên nghệ nhân sản xuất hàng lưu niệm, thực hiện xã hội hóa việc lập các ki- ốt giới thiệu hàng lưu niệm ở một số điểm du lịch công cộng của thành phố…

Theo baohaiphong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.496.036
Tổng truy cập: