VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Sáng tác bằng chất liệu sơn mài cần kỹ thuật và kỹ năng cơ bản
(Ngày đăng: 11/07/2012   Lượt xem: 815)
Chọn học sơn mài, rồi chọn sơn mài làm đối tượng nghiên cứu, thể nghiệm và sáng tác trong hơn 30 năm nay, HỌA SỸ CÔNG QUỐC HÀ đã biến chất liệu sơn mài thành phong cách cá nhân trong hội họa. Ông không ngại người Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ lấn át chúng ta về sơn mài, bởi “nghệ thuật chỉ thành công khi sự khác biệt mang dấu ấn cá nhân nghệ sỹ và hơi thở của thời đại mà tác phẩm đem lại”.
- Ông nhận xét thế nào về tranh sơn mài và họa sỹ vẽ tranh sơn mài hiện nay, cả về chất lượng và số lượng?

- Tại các triển lãm mỹ thuật trong mươi năm trở lại đây, số lượng tranh sơn mài chiếm khoảng 10 - 15%, trong khi trước những năm 2000 chỉ khoảng 3 - 5%. Điều đó chứng tỏ chất liệu này đang ‘’được lòng” các họa sỹ trẻ và họ coi đây là mảnh đất màu mỡ, có thể khai hoang những sáng tác của mình. Đặc biệt, các họa sỹ càng ngày xu hướng càng vẽ tác phẩm với kích thước “khủng”. Về chất lượng tranh sơn mài những năm gần đây, các họa sỹ trẻ đưa vào tác phẩm nhiều tìm tòi về kỹ thuật, làm phong phú thêm ngôn ngữ tạo hình, có phần thiên về trường phái Pop Art, do ảnh hưởng tất yếu từ đời sống hiện đại thời @. Điều này theo tôi không xấu. Bởi ảnh hưởng - kế thừa - phát triển là quy luật của xã hội và phần nào nó cũng đã được khẳng định qua các tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và cả quốc tế, như tranh sơn mài của họa sỹ Đinh Hạnh giành giải Nhất triển lãm 19th Korea Art International Open Exhibition - 2012 tại Dongzhu.

- Theo thống kê, số họa sỹ chuyên sáng tác tranh sơn mài hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, các trường có chuyên ngành đào tạo sáng tác tranh sơn mài mỗi năm cũng chỉ cho ra lò hơn chục sinh viên. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

- Thực tế hiện nay tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chương trình đào tạo mới rất cởi mở để sinh viên có nhiều cơ hội bộc lộ sở trường và khả năng của mình. Những năm đầu các em đều được học tất cả các chất liệu cho sáng tác, tới năm cuối mới đăng ký thể hiện bài tốt nghiệp bằng chất liệu mình mong muốn. Điều đó chứng tỏ rằng không có sự ràng buộc khiên cưỡng nào về chất liệu sáng tác của các họa sỹ trẻ. Và quy luật cung - cầu cũng chi phối nhiều tới sự lựa chọn của sinh viên, chẳng hạn những năm gần đây các em thích chọn ngành thiết kế thời trang hơn.



Hong tóc                                                     Sơn mài của Công Quốc Hà

- Nhưng thực tế cũng không ít họa sỹ trẻ hiện nay không mặn mà với tranh sơn mài, bởi chất liệu này đòi hỏi nhiều công sức, tiền bạc, nhưng tác phẩm làm ra đôi khi khó bán hoặc bán không được giá cao?

- Đúng là khi sáng tác bằng chất liệu sơn mài, họa sỹ cần phải có những kỹ thuật và kỹ năng thể hiện cơ bản bắt buộc thì tác phẩm mới đạt được kết quả như mong muốn và mới có thể chuyển tải cảm xúc của họa sỹ tới người xem. Chất liệu sơn mài có nhiều hạn chế về tả thực, do vậy nó phù hợp với lối tư duy và tạo hình ước lệ của nghệ sỹ sáng tác. Còn giá của một tác phẩm, theo tôi nó không phụ thuộc nhiều vào chất liệu, mà phụ thuộc vào tác phẩm và tác giả cụ thể.

- Gần đây, họa sỹ nhiều nước châu Á và châu Âu quan tâm tìm hiểu nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Ông có lo ngại đến lúc nào đó, sơn mài Việt Nam sẽ lấn át?

- Chúng ta không cần lo ngại, hay nói cách khác không thể lo được là tranh sơn mài Việt Nam sẽ mất đi. Bởi lẽ quy luật sẽ tự đào thải nếu nó không còn đáp ứng những yêu cầu thẩm mỹ mà nghệ sỹ cần. Còn rõ ràng như trên tôi đã nói, tranh sơn mài đang ngày càng phát triển.

- Vậy theo ông, Nhà nước hay các cơ quan quản lý văn hóa có cần có chính sách để hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho các họa sỹ theo đuổi chất liệu sơn mài không?

- Bộ VH, TT và DL hoặc Hội Mỹ thuật Việt Nam nên tổ chức triển lãm định kỳ về tranh sơn mài có quy mô quốc tế để giới thiệu quảng bá và khuyến khích các họa sỹ sáng tác bằng chất liệu này. Thí dụ, sau Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc đã đã biến một khu nhà thi đấu lớn thành Bảo tàng Nghệ thuật sơn mài và là nơi diễn ra triển lãm tranh sơn mài định kỳ 2 năm 1 lần.

Thực ra, sơn mài chỉ là một trong nhiều chất liệu sáng tác của họa sỹ, chúng ta không sợ là người Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ lấn át chúng ta về sơn mài. Nghệ thuật chỉ thành công khi sự khác biệt mang dấu ấn cá nhân nghệ sỹ và hơi thở của thời đại mà tác phẩm đem lại. Tôi có dịp gặp gỡ các họa sỹ quốc tế, họ cho biết ngoài việc vẽ tranh họ đều đang làm một việc khác để sinh nhai, thí dụ vẽ minh họa sách báo, sơn ôtô, thiết kế đồ họa thương nghiệp... Rất hiếm họa sỹ trẻ và nổi tiếng thu nhập bằng vẽ tranh thuần túy. Ngay như bản thân tôi, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi về công tác tại một đơn vị ngoại thương và làm công việc của họa sỹ đồ họa, phục vụ cho công tác quảng cáo hàng hóa của cơ quan gần 20 năm, để có lương hàng tháng sống như bao người lao động chân chính trong xã hội.

- Xin cám ơn họa sỹ!

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.500.159
Tổng truy cập: