VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Hát then trăn trở trước lúc vinh danh
(Ngày đăng: 10/07/2012   Lượt xem: 634)

Hát then đang được chuẩn bị lập hồ sơ để được công nhận di sản văn hoá thế giới. Đây thực sự là cơ hội lớn để di sản của dân tộc Tày nói chung và ở Tuyên Quang nói riêng được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn di sản này trong thời gian tới.

Di sản đặc sắc

Hát then là văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái vùng Tây Bắc. Hát then đi liền với đàn tính, là nghệ thuật diễn xướng mang yếu tố tâm linh. Then có thể hiểu là thiên, vì thế người hát, múa then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Then có nhiều hình thức biểu đạt như: kỳ yên với ý nghĩa là cầu mong cho mưa thuận gió hòa; giải hạn là cầu mong tránh khỏi tai họa; Lẩn ẻn là xem duyên phận của các đôi trai gái; mừng thọ là chúc cho người cao tuổi sống lâu...


Việc bảo tồn, phát huy giá trị của hát then đang gặp nhiều khó khăn

Đặc trưng của then là giai điệu mượt mà, đằm thắm, âm hưởng đầm ấm tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng. Nhờ đó, hát then vốn là văn hóa gốc của dân tộc Tày nhưng người Nùng, người Thái cũng hát then; hiện nay hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái còn hát then để ca ngợi quê hương, đất nước, con người.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, tâm sự rằng Sở VHTTDL Tuyên Quang cũng như cá nhân ông rất lo lắng vì chứng kiến cảnh hát then đang dần bị quên lãng ngay trên quê hương mình. Để cứu vãn, hàng năm tỉnh đã tổ chức rất nhiều lớp học dành cho con em dân tộc Tày, Nùng ở địa phương, cũng mất công mời các nghệ nhân đến để dạy, nhưng cũng chả được mấy người theo, nhất là những người trẻ. Các nghệ nhân già thì ngày càng rơi rụng, lớp trẻ thì hát nhạc trẻ. Hát then giờ cũng bị trẻ hóa rất nhiều. Lời then giờ đa phần được đặt lại. Lời cổ không còn mấy người giữ. Trong khi đó, nếu làm hồ sơ di sản trình UNESCO thì đấy mới là những thứ tinh túy, cái hồn của then cần trưng ra với thế giới.

Thách thức trong bảo tồn

Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đứng trước nguy cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận.

Ông Nguyễn Vũ Phan cũng thừa nhận: Riêng tỉnh Tuyên Quang có tất cả 4 nghệ nhân nắm giữ làn điệu then cổ thì đã mất đi 2 người. 40 hạt nhân văn hóa là người dân tộc Tày có nhiệm vụ phổ biến, duy trì làn điệu hát then ở cơ sở cũng chỉ có một số người biết hát then cổ. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Thực trạng này là thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát then.

Ở Lạng Sơn, theo ông Hoàng Thành Khởi, Trưởng phòng VH - TT huyện Văn Quan (Lạng Sơn), cho biết đã mấy lần làm đề án bảo tồn hát then nhưng rồi phải bỏ ngang vì thiếu kinh phí, nhưng nếu có tiền cũng không có người truyền dạy. Xã Bình Phú, nơi hiếm hoi của tỉnh còn duy trì được đội hát then truyền thống thì mỗi năm đội văn nghệ xã cũng chỉ biểu diễn được 3 - 4 buổi.

Không riêng gì Lạng Sơn, Tuyên Quang mà các tỉnh khác có nghệ thuật hát then như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đắk Lắk… đều có chung số phận. TS. Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho biết: Trong năm nay, Viện sẽ cùng với 14 tỉnh có làn điệu hát then lên kế hoạch kiểm kê, đánh giá di sản hát then, xem thực chất hát then đang được lưu giữ và bảo tồn thế nào. Rồi từ đó mới tiến hành xây dựng hồ sơ di sản để trình UNESCO.

Ông Toàn cũng cho biết, nếu xét về làn điệu âm nhạc và tính đặc trưng, sức lan tỏa thì hát then xứng đáng được vinh danh không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.

Con đường để trở thành di sản của thế giới của nghệ thuật hát then còn dài, tuy nhiên, thiết nghĩ, bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu then không phải chỉ là việc lập hồ sơ để được phong tặng danh hiệu mà trước hết là việc giữ gìn phát huy giá trị di sản trong đời sống văn hóa của cộng đồng.

Theo nongnghiep

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.499.779
Tổng truy cập: