VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mỹ thuật chưa lan tỏa trong cộng đồng
(Ngày đăng: 07/07/2012   Lượt xem: 738)
Dù có những bước chuyển góp phần làm phong phú nền văn hóa của dân tộc qua các tác phẩm điêu khắc, hội họa..., nhưng những gì ngành mỹ thuật tạo ra chỉ mới tác động đến giới làm nghề chứ chưa thật sự lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Thiếu sáng tạo

Những năm gần đây, nhà nước đầu tư rất nhiều cho mỹ thuật từ tổ chức các trại sáng tác, xây dựng các trung tâm triển lãm, tạo điều kiện cho đội ngũ sáng tác mỹ thuật có sân chơi… Kinh phí cho các công trình điêu khắc, nghệ thuật lên đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có tác phẩm nào thực sự tạo được tiếng vang về chất lượng, tương xứng với kinh phí và công sức bỏ ra và được người dân công nhận. Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, sở dĩ như vậy vì hầu hết các tác phẩm vẫn đi theo một lối mòn, khuôn cũ thiếu sự sáng tạo nhất là trong nghệ thuật điêu khắc. Từ năm 1975 đến nay, cả nước đã xây dựng nhiều công trình tượng đài, chủ yếu là các tượng đài chiến thắng và danh nhân, lãnh tụ, các công trình đều có giá trị về nội dung tư tưởng, ca ngợi truyền thống cách mạng. Song do chỉ sử dụng một hình thức ngôn ngữ, vì thế gây cảm giác giống nhau về tạo hình, ngôn ngữ điêu khắc chưa phong phú. Một số công trình giá trị thẩm mỹ còn thấp, không có tính sáng tạo.

Việc tổ chức các hội trại như hiện nay cũng là nguyên nhân hạn chế sự sáng tạo của họa sỹ, nhà điêu khắc. Tuy số lượng trại sáng tác mở nhiều nhưng chất lượng nghệ thuật chưa cao, còn mang tính phong trào hoặc chỉ là điểm nhấn cho một lễ hội của địa phương… Các tác giả không chủ động làm việc được với tác phẩm của mình mà hầu hết phải lệ thuộc vào thợ đá, nhà thầu chuyển tượng ra chất liệu đá. Điều này có thể dẫn tới việc tác phẩm khi hoàn thành khác xa ý tưởng ban đầu của tác giả nếu thợ đá không chuyên nghiệp. Cũng có trường hợp, tác giả phải làm theo ý tưởng của chủ thầu dù những ý tưởng đó thiếu tính sáng tạo.

Hướng dẫn cách cảm thụ trong trường học 

Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết, để tránh gây nhàm chán cho người dân, riêng về đề tài chiến tranh, đội ngũ sáng tác mỹ thuật cần tìm tòi các hình thức tưởng niệm, tuyên công mới phù hợp với truyền thống, tân tiến và có hiệu quả tuyên truyền hơn. Muốn đội ngũ họa sỹ, nhà điêu khắc biết cách nâng cao chất lượng tác phẩm, thoát ra được các hình thức cũ hay không thì cần phải khuyến khích họ tìm tòi sáng tạo ngay từ khi đang còn học ở trường. Thực tế, đến tận bây giờ, các trường đào tạo ngành mỹ thuật vẫn lấy mục tiêu rèn kỹ năng, truyền nghề làm trọng tâm. Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, cần chuyển sang đào tạo trí thức thực thụ, lấy nền tảng trí thức và năng lực sáng tạo làm mục tiêu chính trong đào tạo. Có như vậy, các tác phẩm nghệ thuật của đội ngũ sáng tác sau này mới thoát khỏi được cái bóng của thế hệ trước, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của cộng đồng.

Để đưa công chúng đến với nghệ thuật hội họa, điêu khắc thì chỉ với sự cố gắng của đội ngũ sáng tác là chưa đủ. Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VH, TT và DL tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Tấn chia sẻ: nhiều lần ra nước ngoài công tác, chúng tôi gặp đúng dịp các nước có buổi triển lãm nghệ thuật. Khi hỏi thăm người dân, người nào cũng có thể giải thích rõ về nội dung buổi triển lãm do tác giả nào thực hiện… và còn dặn dò chúng tôi không nên bỏ qua buổi triển lãm. Trong khi đó, các họa sỹ, nhà điêu khắc của chúng ta tổ chức thành công khá nhiều buổi triển lãm tranh, điêu khắc ở nước ngoài. Nhưng khi họ tổ chức trong nước chỉ có giới chuyên môn biết đến chứ chưa thu hút được sự quan tâm của người dân và thậm chí sinh viên ngành mỹ thuật. Từ đó cho thấy, cách thức tổ chức, công tác tuyên truyền một buổi triển lãm nghệ thuật của các cơ quan quản lý ở các nước rất được chú trọng nhờ vậy, đã tạo nên sức lan tỏa rộng rãi cho người dân.

Ngoài ra, vấn đề mấu chốt còn nằm ở chỗ, khả năng cảm thụ nghệ thuật của người dân trong nước chưa được nâng cao. Theo Giảng viên ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Ts, Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, muốn nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật cho người dân không thể bằng con đường nào khác ngoài giáo dục. Ông cho rằng, cần thiết phải đưa được môn giáo dục nghệ thuật và di sản vào trường phổ thông. Tại các trung tâm văn hóa dạy các môn nghệ thuật cho trẻ em, không nên quá chú trọng đến việc rèn các kỹ năng để các em biết vẽ, biết hát mà nên hướng dẫn các em cách thức hưởng thụ, cảm nhận các tác phẩm hội họa, âm nhạc...

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.496.532
Tổng truy cập: