VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Cần bắt tay chặt hơn!
(Ngày đăng: 21/10/2014   Lượt xem: 508)
Đã và đang có những hoạt động tự thân hoặc hợp tác đáng ghi nhận của giới sưu tập cổ vật tư nhân. Những hoạt động này cần nhận được sự hưởng ứng, đón nhận và gợi mở chủ động hơn từ các cơ quan quản lý bảo tồn, bảo tàng văn hóa.

Cổ vật đến gần công chúng hơn

Một sự kiện liên quan đến cổ vật mới diễn ra, không quy mô, không ồn ào nhưng khá gây chú ý. Đó là trưng bày “Văn hóa cổ vật và tranh mỹ thuật đương đại-Niềm tự hào dân tộc” đang diễn ra tại Hội quán cổ vật Việt Phương, số 628 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, do Hội quán phối hợp với "CLB những người yêu Cổ ngoạn Hà Nội" tổ chức. Hơn 300 hiện vật gốm, đồng, đá, gỗ, ngà… thuộc nhiều đời cùng hơn 50 bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng đã thu hút mối quan tâm của nhiều nhà sưu tập tại Hà Nội, Nam Định cùng đông đảo công chúng. Đặc biệt là có nhiều hiện vật quý hiếm, độc đáo và có một số hiện vật lần đầu được giới thiệu đến người xem.

Theo chủ Hội quán-nhà sưu tập Phạm Việt Phương, cũng là thành viên CLB, những người tổ chức và tham gia trưng bày đã rất nhiệt tình vì đây là hoạt động xã hội hóa, hoàn toàn tự túc về kinh phí. Đây đã là lần thứ ba, Hội quán đứng ra tổ chức trưng bày. Còn theo Chủ nhiệm CLB-nhà sưu tập Nguyễn Trường thì 5 năm qua, CLB gồm 40 thành viên này đều tổ chức trưng bày thường niên tại Hà Nội, mời được thành viên một số hội địa phương khác tham dự, tạo điều kiện cho nhiều người dân được chiêm ngưỡng những vật dụng, phương tiện mà người đời xưa từng sử dụng.

Trưng bày tại Hội quán cổ vật Việt Phương-Hà Nội.

Cũng vào cuối tháng 10 tới đây, trưng bày chuyên đề “Cổ vật tỉnh Đông và các sưu tập cổ vật tư nhân tiêu biểu” sẽ diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, dự kiến giới thiệu khoảng 300 hiện vật của hơn 50 nhà sưu tập trong tỉnh và một số nhà sưu tập từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… Tham gia tổ chức sự kiện này, nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành, quê ở Hải Dương, hiện sống tại Hà Nội, cho biết: Chúng tôi muốn mọi người được biết về những cổ vật quý hiếm mang nét đặc trưng địa phương như đồ gốm Chu Đậu-Hải Dương, đồ ngự dụng triều Huế… Nếu các nhà sưu tập tư nhân không đứng ra vận động, tổ chức thì người dân cũng hiếm có dịp được xem.

Nhìn lại những năm qua, khá nhiều cuộc triển lãm, trưng bày cổ vật dân tộc gây chú ý đã được tổ chức tại Trung tâm VHNT triển lãm Vân Hồ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam… tại Hà Nội và nhiều bảo tàng địa phương khác. Phối hợp tổ chức, cho mượn hiện vật, tặng một số cho các bảo tàng công lập, phải kể đến những tổ chức, hội, CLB, nhà sưu tập tư nhân như Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, Hội cổ vật Thăng Long, Hội cổ vật Thiên Trường-Nam Định... Những hoạt động này đã góp phần thay đổi dần cái nhìn của xã hội đối với người sưu tập cổ vật và công việc của họ.

Hãy làm để tốt cho nhiều bên

Đương nhiên, hoạt động giới thiệu, trao đổi, mua, bán cổ vật có những yếu tố thương mại, thậm chí với một số nhà sưu tập, đó là công việc chính. Nhưng để vận động họ đem những tài sản riêng có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao, mang ra giới thiệu rộng rãi cho mọi người xem cũng không phải muốn hay yêu cầu là được. Bởi khi đã sở hữu hiện vật, nhà sưu tập có quyền giữ cho riêng mình.

Khi hoạt động sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn cổ vật phát triển rộng rãi, càng xuất hiện nhu cầu của các nhà sưu tập, mong được trao đổi tri thức, kinh nghiệm, giới thiệu hiện vật. Đây là một cơ hội tốt để vận dụng các điều kiện nhằm phục vụ xã hội. Giá trị mỹ thuật, văn hóa của dân tộc thể hiện rất đa dạng và sinh động qua các hiện vật của cha ông ngày nay còn lưu giữ được. Vì vậy, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân thuộc nhiều ngành nghề, ở nhiều địa phương được tiếp cận, tìm hiểu là việc chính đáng và rất cần đẩy mạnh. Có khi người dân chưa hiểu hết, chưa có nhu cầu thực sự về việc này, thì chính các cơ quan văn hóa, các bảo tàng, lại là nơi cần chủ động tổ chức các hoạt động, sự kiện để mời gọi, khuyến khích. Và các tổ chức, hội, CLB, cá nhân nhà sưu tập là lực lượng đáng kể nhằm phối hợp thực hiện các hoạt động này.

TSKH Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, phát huy tinh thần sưu tập, bảo tồn cổ vật trong nhân dân là cánh tay nối dài của ngành di sản văn hóa Việt Nam. Nhân Bảo tàng Hà Nội đang triển khai chương trình sưu tầm để trưng bày cổ vật, ông Phạm Quốc Quân hy vọng bảo tàng sẽ tiếp cận các nhà sưu tập để có thể đưa được nhiều hiện vật quý về trưng bày, phát huy hơn nữa giá trị tại diện tích lớn hơn của bảo tàng. Các nhà sưu tập sẽ sẵn sàng hợp tác.

Các bảo tàng, các trung tâm văn hóa cần thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ và trọng thị hơn đối với các tổ chức, hội, CLB, nhà sưu tập tư nhân để tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của họ trong các hoạt động triển lãm, trưng bày. Sự gắn kết này còn có thể phục vụ hoạt động nghiên cứu, in ấn, xuất bản của cơ quan văn hóa khi nghiên cứu, phổ biến các giá trị mỹ thuật, văn hóa, điêu khắc… của dân tộc. Thêm nữa, chính các cơ quan quản lý và tổ chức hoạt động quảng bá, bảo tồn văn hóa cũng có thể coi giới sưu tập cổ vật là đối tượng quan trọng để tuyên truyền, bảo đảm thực hiện đúng chính sách pháp luật trong việc sưu tầm, giữ gìn, trao đổi, mua bán cổ vật. Mối quan hệ cộng sinh giữa ngành văn hóa với giới sưu tập sẽ dẫn đến nhiều cái lợi cho cả hai bên, cho công chúng và cho những cổ vật quý của dân tộc.

                                                                    Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
72.471.339
Tổng truy cập: