VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Lênh đênh con chữ, kiếp người
(Ngày đăng: 26/06/2012   Lượt xem: 706)

Cứ tối tối ở bãi nổi Phúc Xá (Long Biên, Hà Nội) trên những "ngôi nhà không móng” lại có những tiếng trẻ con lảnh lót nói cười, tiếng bi bô đọc chữ, làm tính. Gần một năm nay, có một nhóm gia sư tình nguyện cõng từng con chữ xuống thuyền, mang theo bao ước mơ về tương lai tươi sáng cho những trẻ em nơi đây.



Lớp học ở bãi nổi Phúc Xá

Lớp học nơi bãi nổi

18h tối, chúng tôi đi theo sự chỉ dẫn của một tình nguyện viên đến bãi nổi Phúc Xá. Trời nhá nhem tối, những ánh điện cao áp khuất dần sau những ngôi nhà cao tầng của khu chợ đầu mối Long Biên làm con đường đi của chúng tôi dần hẹp lại, đường đi ra bãi nổi nhỏ và tối nên mọi người phải đi thật khéo để không đâm vào nhau và ngã vào những bãi rác chồng chéo ven đường.

Vũ Thị Thảo - cô sinh viên tình nguyện ngồi sau xe tôi, cười và nói: "Ban đầu chúng em mới xuống đây cũng chật vật lắm, có bạn còn bị lao cả xe xuống bãi rác dưới kia. Giờ thì quen đường nên tay lái "lụa” lắm. Bọn em xuống đây thường xuyên, ngoài hai buổi dạy học vào thứ 3 và thứ 6 thì cuối tuần còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi cho các em nhỏ hay phụ giúp bố mẹ các em trồng rau”.

Những con thuyền chập chờn đung đưa theo làn nước mỏng, muốn vào được thuyền phải leo qua đến 3, 4 chiếc cầu dài buộc nối bằng những sợi dây thừng lỏng lẻo. Gọi là lớp học dã chiến vì chẳng có địa điểm cố định, các em chỉ có một chiếc bàn gập và sách vở, cứ đến giờ nghe thấy tiếng chó sủa vọng từ xa là biết "thầy cô giáo” đến, đứa nào đứa nấy ăn vội vàng bữa cơm rồi mang sách vở đến một nhà nào đó mà phụ huynh đã cơm nước xong xuôi. Hôm nay, lớp học được chuyển từ nhà Hiếu sang nhà Cò nên chúng tôi phải đi xa hơn thường lệ. Nối đuôi nhau mò mẫm dưới ánh đèn từ điện thoại, chúng tôi phải lom khom từ nhà thuyền nọ sang nhà thuyền kia.

Trong ngôi nhà thuyền khoảng chừng 10m2 là nơi sinh hoạt của gia đình Cò và lớp học, bên những chiếc bàn gập gọn nhẹ, những đứa trẻ chụm đầu vào ánh đèn để làm toán, đứa khác lại cùng cô giáo tập phát âm môn tiếng Anh... Lớp học có đến 11 em nhỏ đang theo học chương trình tiểu học, và có duy nhất một em đang học lớp 7. Thảo chia sẻ: "Những đứa trẻ này đặc biệt lắm, có đứa rất ham học và học rất giỏi, nhưng không được bố mẹ quan tâm thôi. Như em Hiếu 4 năm liền là học sinh giỏi trường Tiểu học Nghĩa Dũng đấy, có em đã thoát được bậc tiểu học và học lên lớp 7…”.

Lặng nhìn những đứa trẻ ê a học chữ, đôi mắt đen tròn lòng tôi như mềm lại rồi chìm sâu vào dòng suy nghĩ miên man. Không hiểu sao đám trẻ tại bãi giữa này lại ám ảnh chúng tôi đến vậy. Phải chăng là sự đối lập quá lớn khi chỉ cách đó vài trăm mét thôi là một thế giới xa hoa hoàn toàn khác. Ở bên kia phía bờ sông thôi, không ít những cậu ấm, cô chiêu tuổi còn hơi sữa đã sớm ngập mình trong sàn nhảy, quán bar với ánh đèn màu xanh đỏ, trong tiếng khui chai lốp bốp của rượu bia đắt tiền…



 
Những thầy cô giáo nhân ái

Bỏ qua những lời dặn dò của người nhà rằng khu bãi nổi là nơi phức tạp và nguy hiểm, những bạn trẻ đầy tình yêu thương và lòng nhân ái này vẫn cố gắng duy trì lớp học đều đặn. Đỗ Đình Sơn - sinh viên năm 2 trường Đại học Nông Nghiệp I chia sẻ: "Ban đầu để thành lập lớp chúng em gặp rất nhiều khó khăn, những đứa trẻ ở đây phải dùng một từ rất chuẩn đó là "hoang dại”. Chúng rất láo và ngỗ ngược, và không muốn tiếp xúc với người lạ, nói gì đến dạy và học. Và để tiếp cận với mỗi gia đình ở đây, tuần nào chúng em cũng tổ chức các buổi dã ngoại, cùng thăm hỏi phụ giúp các cô chú. Còn những đứa trẻ, chúng em tổ chức các trò chơi, những phần thưởng nhỏ chỉ là cái bánh, cái kẹo, bút và vở…”.

Để giữ được chân bọn trẻ bên bàn học là điều không phải dễ. Bọn trẻ ở đây không có khái niệm học cái chữ. Sơn thành thật: "Như em Vũ Văn Mạnh, năm nay 14 tuổi nhưng bọn em vẫn phải dạy chương trình lớp 2. Trước kia Mạnh có theo học tại mái ấm 19-5 nhưng do đánh nhau quá nhiều nên đã nghỉ học. Nhiều gia đình có đến 3 người con, nhưng chúng em dù có vận động, năn nỉ như thế nào thì cũng chỉ có 2 đứa chịu học, đứa còn lại nhất định nói không và giở đủ trò cho chúng em chán nản… Chúng em cũng phải có những chiêu để thu hút các em học”.

Cô bé Thảo nhỏ nhắn đã là gia sư cho lũ trẻ nhỏ ở đây được gần một năm, và chưa một buổi học nào mà cô nghỉ dạy, vì yêu lũ trẻ, nghĩ đến tương lai cho chúng. Thảo bộc bạch: "Có rất nhiều chiêu mà các em học sinh muốn trốn học bày ra với chúng em, chúng cố tình không chịu nghe giảng bài, bỏ chạy khỏi lớp, không làm bài tập về nhà… Có bạn trong nhóm đã xin nghỉ không dạy nữa, nhưng được vài ngày lại mò đến lớp vì nhớ lũ trẻ…”. Hiểu được sự không may mắn của bọn trẻ, các bạn sinh viên này đều cố vẽ lên một tương lai sáng hơn cho lũ trẻ nơi đây để cuộc đời của chúng không phải nối nghiệp bố mẹ. "Mọi sự vất vả, mệt nhọc đều tan biến hết khi nhìn thấy những nụ cười, những khuôn mặt rạng ngời của lũ trẻ. Đến lớp với sự tiến bộ dần của học sinh thân yêu lại là động lực để chúng em tiếp tục công việc không lương, không thưởng này”- Thảo chia sẻ.

Chỉ trong hai tiếng tham quan lớp học của các thầy cô gia sư dưới bãi nổi Phúc Xá, chúng tôi đã nhận ra một điều vì sao các bạn trẻ lại kiên trì với công việc của mình đến vậy. Không chỉ là đem những con chữ đến với các em, mà các thầy cô gia sư đã dần hình thành được nhân cách cho các em. Có lẽ cũng từ những lớp học giản đơn nhưng đầy ắp yêu thương như thế này, sẽ là nơi ươm mầm cho những nhân cách lớn. Cũng sẽ là sự kết thúc của những quãng đời nổi trôi, phiêu dạt của đám trẻ đang vươn mình từ lớp nước đen ngòm đầy rác, như những khóm sen vươn mình từ lớp bùn đen kịt, để ngày mai cho nở rộ những đóa hoa thơm.

Kết thúc buổi học, chúng tôi đi về nơi có những ánh đèn điện sáng rực của thủ đô, nhưng đâu đây vẫn nghe lanh lảnh những tiếng ê a nơi bãi nổi Phúc Xá tối tăm…
Theo daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.498.589
Tổng truy cập: