VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Hơi thở làng nghề
(Ngày đăng: 25/07/2014   Lượt xem: 693)
Môi trường ô nhiễm tại làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Làng thì tất phải có cổng, người đi xa, người lạ tới là nhận ra ngay. Xưa vốn thế, nay đã khác nhiều. Có nhiều ngôi làng mở mang, cơi nới thênh thang, vượt khỏi lũy tre làng, tràn ra cả ngoài đồng. Ruộng lúa, thửa ngô, khoai, vạt rau xanh co hẹp dần, lọt thỏm như cây cảnh, cho dịu bớt cái vẻ khô khốc, trơ trụi của những ngôi nhà hai, ba tầng mái bằng, mái lợp tôn. Ao chuôm, mương máng, rãnh nước cũng lấp cho bằng hết, tìm không ra dấu vết. Lấy đất để xây cất nhà xưởng, mở rộng cơ sở chế biến, gia công.

Nếp làng mất dần, cổng làng không còn. Nhưng vẫn nhận ngay ra làng nghề, ngay từ xa. Chưa đặt chân tới đầu làng, hương đồng gió nội có thấy đâu. Xộc vào mũi là "mùi vị" đặc biệt của mỗi làng nghề. Trăm làng là cả trăm "hương vị", tuyệt nhiên không thể trộn lẫn, pha loãng được...

Một năm, không ghé về thăm quê cha, đất Tổ một đôi lần, thì nhớ đến nao lòng. Lại bị họ hàng gần xa trách móc rằng mất gốc, chẳng đoái hoài gì tới phần mộ tổ tiên, ông bà. Mà có về, thì một năm hai bận, có cũng như không. Mùa đông lạnh giá, mưa phùn gió bấc, còn đỡ khổ và dễ thở, bởi không khí ẩm ướt, rét mướt trùm kín như bao bọc cả làng, khiến mọi thứ mùi nặng đều chìm xuống dưới mặt đất, ẩn sâu vào xóm ngõ, ngóc ngách. Nên về quê vào mùa rét, còn có thể nấn ná ở lại qua đêm.

Khi bóng tối đổ xuống, cả làng nghỉ tay sau một ngày hì hục làm lụng, thủng thẳng bước ra sân đình ngắm trăng suông. Khuya hơn, rủ nhau ra bờ ao còn sót lại đầu làng, nghe cá đêm quẫy dưới đám bèo tấm, rập rờn ánh trăng tàn...

Những ngày đông, tháng giá ghé về làng, bao giờ cũng cảm thấy níu kéo, chẳng muốn rời. Riêng những ngày hè, mỗi lần về là mỗi lần ngao ngán, chán chường. Mới ngấp nghé rẽ vào đường làng, đã vội vàng đeo khẩu trang, trùm kín mặt mũi, chỉ lộ ra đôi mắt để nhìn đường hoặc gặp họ hàng, láng giềng còn chào hỏi. Thực ra, "lối cũ ta về" quá quen thuộc, đi đêm cũng khó nhầm đường, nhầm ngõ.

Bê-tông hóa khắp mọi xóm ngõ.

Những con đường lát gạch nghiêng, những đoạn sình lầy, vũng nước ngày xưa, giờ đã "cứng hóa" đến mức không thấy vệ cỏ ven đường xanh mướt. Rặng xoan, hàng rào duối già bao quanh nhà bị đốn chặt chẳng thương tiếc.

Làng quê mà trơ trụi cây cối có hơn gì thành phố? Ngay cả tiếng chim thưa thớt trên tán cây nhãn nhỏ nhoi, nghe buồn tênh. Nghĩ thầm, có dịp được thoát khỏi bê-tông hóa, khung nhôm kính kín bưng với điều hòa nhiệt độ để được thả lỏng, buông mình giữa mênh mông đất trời, được căng ngực hít thở những làn gió trong lành, tươi mát... hóa ra...

Qua cây gạo già cỗi, khẳng khiu, giơ những cành khô kiệt nhựa, ngỡ như cánh tay người già quờ quạng tìm nơi bấu víu, đã nhận ra ngay "mùi" làng nghề, dù đã bịt kín khẩu trang. May mà người làng sống bằng nghề đóng đồ gỗ gia dụng, cho nên chỉ xộc lên mùi mùn cưa ngai ngái, đặc sệt trong những rãnh nước đen kịt. Nắng xế chiều đang tắt dần, mà hơi nóng vẫn trùm kín khắp làng, trong màn bụi gỗ li ti bốc lên, thoáng trông tưởng là sương mù hay khói lam bảng lảng. Đường làng tấp nập xe tải nhỏ, xe công nông ngược xuôi, luồn lách hơn cả một phố kinh doanh trong nội thành. Cửa hàng, xưởng cưa, xưởng mộc liền kề, ken chặt, chẳng chừa một chỗ trống. Luồn lách, né tránh, vòng vèo mãi, cuối cùng cũng chui được vào trong xóm ngõ, sâu hun hút. Mùi bụi mạt cưa, tiếng máy cưa xẻ gỗ, tiếng búa chí chát còn bám theo. Thì ra, trong ngóc ngách, trong những ngôi nhà, lại là nơi lắng đọng rõ nhất tiếng ồn, mùi ô nhiễm nặng nề. Cả khi làng đã chìm sâu vào giấc ngủ đầy mộng mị, sau một ngày mệt nhoài làm lụng, vẫn nghe những tiếng ho khan của người già, hơi thở khò khè của trẻ nhỏ, lan từ nhà này sang nhà khác. Chẳng nhẽ, đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang mới ngăn được không khí đậm đặc, sặc mùi. Người già lại càng khó chợp mắt, đành phải thức dậy pha ấm trà, uống qua đêm. Bó gối nhìn vào đêm tối. Than thở có vợi đi được ít nhiều nỗi lòng nặng trĩu. Người thì kêu rằng, cả làng giờ mới được mở mày, mở mặt, giàu lên trông thấy. Khỏi phải tối mặt, tối mũi lo giống má, phân tro, mất mùa, được mùa. Nhưng giàu mà làm gì, khi mà đến già nửa làng mang bệnh khó thở từ người già đến trẻ nhỏ. Ấy là còn may phúc đấy! Quá bộ bước sang những làng bên làm bánh tráng, miến, bún, đậu phụ hay tương..., đố mà chịu nổi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngỡ như nó bám vào cả ngọn cỏ, lá cây, nhà cửa, ám chặt vào người. Nước thải đen kịt, kết váng chảy chung quanh làng. Nói thật, mỗi khi có đám giỗ, cưới xin hay ma chay, con cháu có đèo sang, bần cùng bất đắc dĩ phải ngồi vào mâm, mà không làm sao nuốt trôi miếng nào. Món nào động đũa vào, rồi đưa lên miệng, lại thấy lợm giọng, y như đưa cái mùi khó chịu bám khắp chung quanh vào miệng.

Cái cảm giác này thì người từ Hà Nội về nhận thấy rõ ràng hơn. Biết vậy, nhưng ai dám hé miệng nói ra nửa lời. Đành bấm bụng chịu, mong nhanh chóng tàn cuộc, hết ngày để quay về nhà. Lạ một điều là, không hiểu sao người ta vẫn có thể thản nhiên chè chén, "nâng lên, đặt xuống", cứ như không. Có gì đâu, đã quen hít thở không khí nặng mùi ấy, từ khi lọt lòng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta cảm thấy bình thường như tự nhiên thế. Nhưng dẫu có muốn thoát khỏi, khó tìm lối ra giữa san sát vùng đất "trăm làng trăm nghề" truyền thống. Chẳng đi đâu xa, trở về cát bụi, vùi sâu dưới ba thước đất vẫn đầy chất thải. Sâu dưới đó, là những kim loại nặng như chì, như kẽm, như đồng chìm xuống, hòa lẫn. Nhiều làng nghề đang "nuốt" dần đất nông nghiệp, ngay cả những tấc đất dành cho người đã khuất yên giấc, ngày mỗi ngày trở nên chật chội, chen chúc...

Hết một tuần chè mạn, cạn một phích nước đầy, người già làng nghề lại kể lể, giãi bày. Cả đến chén chè nhâm nhi cũng chẳng được ngon như ngày xưa. Ao hồ, kênh mương thủy lợi, cho đến nước ngầm, nước mạch... nặng mùi không chịu nổi. Nước chưa nấu chín khi rửa mặt, tắm táp rặt mùi nước thải. Làng cơ khí thì mùi mạ kim loại, làng dệt nhuộm thì sặc vị thuốc, làng bún, bánh tráng hay bánh kẹo đều bốc lên mùi riêng biệt. Nghe bảo, một vài làng rục rịch xây dựng nhà máy xử lý nước thải tốn kém cả ngàn tỷ đồng.

Nhưng mà, chưa ai thấy hình dáng những nhà máy ấy ra sao. Lại nghe nói, chẳng chạy đâu ra cả đống tiền to vật đó, trong khi những đống rác thải, mỗi ngày mỗi chất lên có ngọn, ở khắp mọi làng nghề. Trong khi những dòng nước thải đen đặc, sặc mùi xú khí vẫn lặng lẽ, âm thầm tuôn chảy, thấm ngấm vào từng tấc đất, từng người làng, chẳng chừa một ai... Lẩn tránh khói bụi, khí thải trong lòng thành phố, tìm về làng quê những mong tìm lại một ngọn gió trong lành, mà thật hiếm hoi. Thức trắng đêm trong một mái nhà xa khuất tận cuối làng, lắng nghe "hơi thở" làng nghề, trong nhịp thở trằn trọc của những đứa bé trên giường cùng với tiếng thở dài của những ông bà già, sao mà thấy đêm dài đến thế...

Sớm mai trở về thành phố, không có quà quê, tấm mía, dăm cân khoai lang hay mấy bắp ngô đồng cho trẻ, nhưng lòng lại mang nặng câu nói của ông bác: "Chẳng thà, nghèo như hồi xưa, mà dễ thở, dễ sống. Khi nhắm mắt, xuôi tay, tiền bạc, của nả có mang theo được đâu".

                                                                                        Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.469.207
Tổng truy cập: