VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Hương ước cũng cần cập nhật
(Ngày đăng: 23/06/2012   Lượt xem: 1218)
Không chỉ trong xã hội phong kiến, ngày nay, hương ước vẫn được xem như công cụ không thể thiếu trong quản lý, tổ chức làng xã. Làm thế nào để hương ước phát huy được những giá trị tốt đẹp là vấn đề được đặt ra trong tọa đàm Một số vấn đề về hương ước làng xã người Việt, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội ngày 20.6.

Hương ước: xây xong cất tủ

Thời xã hội phong kiến, dù truyền khẩu hay thành văn thì hương ước cũng không thể thiếu trong mỗi làng xã ở nước ta. Cho đến nay, khi nếp làng đã có nhiều biến động, hương ước vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của làng xã. Theo các diễn giả tại tọa đàm Một số vấn đề về hương ước làng xã người Việt, kho tàng văn bản hương ước của người Việt vô cùng phong phú, tồn tại với các dạng thức: Hương ước cổ (soạn trước cuộc Cải lương hương chính năm 1921); Hương ước cải lương (gắn với cuộc Cải lương hương chính năm 1921); Hương ước mới (hiện nay).

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu hương ước, hiện có một thực tế, ở nhiều nơi, hương ước được xây dựng xong chỉ đem cất trong tủ. Nguyên nhân đầu tiên là do tính rập khuôn, sao chép của một số bản hương ước. Mặc dù, về nguyên tắc, hương ước luôn có tính kế thừa, nhưng khi cuộc sống có nhiều thay đổi, một số quy định cũ trong hương ước không còn giá trị. Hơn thế, nó sẽ không giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong giai đoạn mới. Ví dụ, có nơi hương ước quy định: đi đêm phải có đèn, trong khi tại đây, đèn điện giăng khắp nơi thì điều này không có ý nghĩa. Hay quy định phụ nữ 20 tuổi, nam giới 22 tuổi mới được kết hôn, lại trái với Luật Hôn nhân và Gia đình…

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, hương ước thời xưa được ghi chép kỳ công, xử dụng lối văn biền ngẫu rất hay, dễ thuộc, dễ hiểu, do quan lại nghỉ hưu, ông đồ, thầy thuốc, các vị bô lão… đứng ra soạn thảo và kiểm duyệt. Đây là đội ngũ có tri thức, kinh nghiệm, sống lâu ở làng, hiểu được phong tục tập quán. Đặc biệt, mỗi dòng tộc trong làng đều cử người đại diện tham gia góp ý kiến. Họ lập thành hội đồng sưu tầm, tìm hiểu kỹ về làng trước khi đưa ra những quy định. Không ít điều lệ trước khi thống nhất, hội đồng còn tranh luận. Bản cuối cùng có con dấu và chữ ký của các thành phần trong làng, cá biệt, có bản hương ước có đến 60 chữ ký. Hương ước trong xã hội xưa thường thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mọi tầng lớp trong làng nên dễ tìm được sự đồng thuận của người dân. Ngày nay, hương ước được thể hiện như lối văn bản hành chính, thiếu sự linh hoạt, uyển chuyển, không thể hiện được bản sắc và thiếu tính gắn kết giữa cộng đồng.

Cập nhật hương ước

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng, hương ước mang tính tự quản của làng xã nên cần sát với yêu cầu của thực tế cuộc sống, đan xen giữa nếp làng, phong tục với các vấn đề hiện tại. Ông dẫn chứng một câu chuyện. Theo luật tục của người Ê Đê ở khu vực Tây Nguyên, đàn ông khi lấy vợ phải ở nhà vợ, vợ mất phải lấy em vợ, nếu không có ai để lấy thì phải về nhà mẹ đẻ hoặc chị em ruột của mình, không được mang con theo. Khi xây dựng hương ước ở địa phương, người ta đã cho họp tất cả người già, phụ nữ, thanh niên, song mỗi đối tượng họp riêng để có thể lấy ý kiến đúng tâm tư của họ nhất. Trong buôn có một trường hợp vợ cũng mới mất, con còn rất nhỏ, do đó anh đã đề xuất, trường hợp này cần cho người bố nuôi con đến khi khôn lớn thì người bố mới quay về nhà mình. Điều này đã được ban soạn thảo hương ước và người dân đồng tình.

Một trường hợp khác: việc nuôi mèo được đưa vào hương ước ở các thôn làng của xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang cũng đã khẳng định tính độc đáo cũng như sức sống của hương ước. Năm 1999, nạn chuột hoành hành đã trở thành một thiên địch ở xã vùng cao này. Kỷ lục thi đua diệt chuột là một ổ chuột 39 cân. Trước tình hình này, xã Tuấn Đạo đã đưa vấn đề nuôi mèo vào hương ước, gia đình nào không tuân thủ sẽ bị phạt. Sau này, cả làng đã tự nguyện nuôi mèo. “Con mèo là vật quen thuộc đối với nhiều gia đình nhưng có lẽ chưa ở đâu việc nuôi mèo lại được ghi trong hương ước làng như vùng đất này”, GS Ngô Đức Thịnh nói. Ông cũng cho rằng, hương ước cần hiểu bản sắc, chứa đựng yếu tố riêng của từng cộng đồng về mọi khía cạnh trong đời sống xã hội của làng. Các quy định trong hương ước khi nói đúng yêu cầu, tâm tư nguyện vọng của người dân sẽ tìm được sự đồng thuận. Còn theo PGS. TS Bùi Xuân Đính, để hương ước xưa và quy ước văn hóa ngày nay phát huy được những giá trị tốt đẹp của nó, đòi hỏi phải có sự phù hợp và đi sâu vào đời sống hiện tại trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

theo daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.438
Tổng truy cập: