Văn hoá Đông Sơn là một trong những nền văn hoá đồ đồng
huy hoàng nhất của nhân loại, niên đại khoảng 1.000 năm trước công
nguyên – 400 năm sau công nguyên. Trung tâm nền nghệ thuật tuyệt đỉnh về
cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật đồng này là châu thổ Sông Hồng trong khi địa
bàn của nó trải rộng từ nam Trung Hoa tới Đông Nam Á với Thái Lan,
Indonesia, Malaysia… Thái Lan cũng là nơi người ta tìm thấy những chứng
tích cổ xưa nhất thế giới của kỹ thuật đúc đồng – khoảng 5.000 năm
trước.
Các trống đồng Đông Sơn lớn có đường kính tới 120cm,
cao tới 160cm. Tạo hình chia làm ba phần hài hoà; chân, thân và tang
trống được phủ kín bởi các dải và vòng trang trí phong phú như một toàn
cảnh về đời sống Việt cổ: nhà, thuyền, các cảnh sinh hoạt sản xuất và lễ
hội, các loài chim, thú, cá được cách điệu bằng các hình kỷ hà: đường
thẳng, đường chéo, đường song song, vòng tròn, chấm tròn, hình tròn đồng
tâm, hình tam giác, hình ngôi sao, hình lông công… Việc giải mã hệ hoa
văn trống còn là một thách thức khoa học lớn . Thậm chí có người cho rằng
các ký hiệu – hoa văn này là sự trình bày Kinh Dịch – Dịch học – Lý học
cổ xưa nhất chứng tỏ Dịch Lý có nguồn gốc Việt Nam!
Bên cạnh nghệ thuật trống đồng chói lọi là nghệ thuật
điêu khắc tả thực rất kỳ thú và tạo dáng đồ dùng bằng đồng và gốm vào
loại giàu có và đặc sắc nhất. Pho tượng người quỳ dâng đèn Văn Điển là
một kiệt tác. Người quỳ và phục trang được mô tả rõ ràng. Từ vai lên là
hình các con rắn cùng những hình người nhỏ. Chân đèn này có thể có chức
năng thờ cúng.
Nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn là mô hình nghệ thuật hoàn
chỉnh thứ nhất – đỉnh cao văn hoá đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Nhiều
hoạ sĩ đã lấy cảm hứng từ Đông Sơn để trở nên “hiện đại”!
Nguyễn Quân
theo sgtt.vn