Những
năm gần đây, vào các dịp lễ tết, như Ngày Giải phóng Thủ đô, Ngày Di
sản văn hóa Việt Nam, Tết Trung thu... Ban quản lý phố cổ Hà Nội đều đặn
tổ chức các hoạt động văn hóa tại một số di tích. Những sự kiện này mỗi
năm lại thay đổi theo từng chủ đề. Theo Phó trưởng ban Quản lý phố cổ
Hà Nội Nguyễn Tuấn Long: việc tổ chức các hoạt động này nhằm giới thiệu
giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội nói chung cũng như của khu phố cổ nói
riêng . Đây cũng được xem là hoạt động quảng bá văn hóa vật thể và phi
vật thể đến người dân và khách du lịch, giúp các di tích của Hà Nội
không bị lãng quên. Chẳng hạn như từ ngày 18 - 23.11, khi đến xem triển
lãm Cổng xưa tại 42 - 44 Hàng Bạc, khán giả sẽ thấy trân trọng
hơn những cổng làng, cổng nhà cổ kính rêu phong và biết tới đình Kim
Ngân, nơi thờ tổ nghề kim hoàn; hay đến thưởng thức Văn hóa trà Việt tại 28 Hàng Buồm, khách du lịch đồng thời cũng được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của đền Quan Đế...
 |
Biểu diễn ca trù tại 87 Mã Mây |
Nguồn: catruthanglong
|
Các hoạt động
văn hóa như vậy cũng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm, khuyến khích
nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu và yêu nghề, gắn bó hơn với nghề. Tham gia
giới thiệu y phục cung đình tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, Hà Nội nhân
dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay, nghệ nhân Vũ Giỏi, làng Quất
Động, Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Triển lãm giới thiệu các trang phục
cung đình tôi đã phục dựng cách đây gần 20 năm, để công chúng biết về
nét văn hóa của trang phục xưa. Các trang phục này không thể bày như ở
chợ, mà phải trưng bày ở những nơi tâm linh, trang trọng . Địa điểm như
đình Đồng Lạc rất thích hợp để giới thiệu chúng cho người dân và khách
du lịch. Tiếc rằng không gian di tích nhỏ nên không thể trưng bày nhiều
bộ trang phục của vua chúa”.
Ngoài
hoạt động văn hóa được tổ chức định kỳ vào các dịp kỷ niệm, hiện nay một
số buổi tối trong tuần, tại đình Kim Ngân và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây
còn có chương trình biểu diễn ca trù, đưa di sản văn hóa phi vật thể cần
được bảo vệ khẩn cấp này đến công chúng trong một không gian cổ kính.
Trên
đây chỉ là số ít di tích trong phố cổ Hà Nội được khai thác gắn với các
hoạt động văn hóa một cách thường xuyên. Còn rất nhiều di tích giá trị
chưa được khách du lịch biết tới, nhiều di tích cả năm không có sự kiện
nào thu hút người dân và khách tham quan . Theo bà Trần Thúy Lan, Ban
quản lý phố cổ Hà Nội, để tổ chức được một chương trình trưng bày, trình
diễn nghề, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, cần có thời gian chuẩn bị
rất dài, từ lên ý tưởng, lập chương trình, mời nghệ nhân tham gia...
Ngay cả khi đã có ý tưởng, thì việc mời nghệ nhân cũng không dễ dàng,
bởi nhiều nghệ nhân ngại ngần, phải sắp xếp thời gian, hơn nữa, các nghệ
nhân thường muốn có các hoạt động được tổ chức bài bản, quy mô... Tất
nhiên, cũng có nhiều nghệ nhân luôn sẵn sàng hợp tác với ban tổ chức,
dựa trên sự trân trọng và mong muốn chia sẻ các giá trị di sản văn hóa
mà họ đang nắm giữ.
Ngoài tổ chức
triển lãm, trưng bày, trình diễn nghề..., để phát huy giá trị của di sản
khu phố cổ Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Long cho biết, thời gian tới Ban
quản lý phố cổ Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá di tích, di sản bằng cách
giới thiệu qua website, hệ thống báo chí, các tài liệu nghiên cứu...
Hiện đơn vị này đang triển khai nhằm cho ra mắt các cuốn sách về du lịch
và giá trị di sản của phố cổ.