Để
phát triển văn hóa của một quốc gia, đầu tư của nhà nước có vai trò
quan trọng, nhưng cũng cần huy động khu vực tư nhân tham gia. Đây là ý
kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo Chính sách văn hóa và quản lý văn
hóa bền vững trong một thế giới toàn cầu hóa, vừa diễn ra tại Hà Nội.
 |
Huy
động tiềm lực kinh tế của khu vực tư nhân cho văn hóa đã được nhiều
quốc gia trên thế giới thực hiện thành công. Ở các nước phát triển,
doanh nghiệp và người dân quan tâm đến di sản và coi trọng thúc đẩy hoạt
động văn hóa. Và chính phủ các nước này có chính sách khuyến khích các
doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tài trợ cho văn hóa. Hơn nữa, đây cũng
là một cách quảng bá hình ảnh doanh nghiệp một cách hiệu quả. Theo ông
Patrick Fohl, Tiến sỹ về Quản lý nghệ thuật đến từ Berlin, Đức, châu Âu
có truyền thống lâu đời về đầu tư, tài trợ cho văn hóa từ doanh nghiệp,
người dân. Ở Đức, đầu tư của khu vực nhà nước và tư nhân gần ngang bằng
nhau . Năm vừa qua, nếu đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa là 7 tỷ
euro, thì Nhà nước chi 8 tỷ euro. Có thành quả này là do Đức đã áp dụng
chính sách: nếu doanh nghiệp tài trợ vào lĩnh vực văn hóa, thì họ sẽ
được giảm thuế. Hiện ở Đức có xu hướng các doanh nghiệp đầu tư dài hạn
cho văn hóa, như một nhà hát opera ở Berlin ký hợp đồng 5 năm với một
công ty để cùng quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, khi tài trợ, các nhà
đầu tư, tài trợ không can thiệp vào chuyên môn của đơn vị nghệ thuật.

Nhờ đầu tư của doanh nghiệp, khán giả Việt Nam được thưởng thức nhiều buổi hòa nhạc chất lượng |
Không
chỉ ở châu Âu, một số quốc gia châu Á cũng đã xã hội hóa các hoạt động
văn hóa. Theo Phó giám đốc Ban trao đổi văn hóa của Quỹ Á - Âu tại
Singapore Katelijn Verstraete: ở Singapore, đầu tư công vào văn hóa so
với GDP khá thấp, hoạt động văn hóa phụ thuộc nhiều vào các tổ chức độc
lập . Tuy nhiên, quốc gia này có nhiều sáng kiến tích cực để đưa khu vực
tư nhân tham gia, như việc lập ra Ủy ban Nghệ thuật quốc gia, kết nối
nghệ sỹ và đơn vị tài trợ. Chương trình tài trợ của doanh nghiệp cũng
được đánh giá cao...
Trong khi đó, ở
Việt Nam, đầu tư cho lĩnh vực này vẫn chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - Bộ VH, TT và DL Hồ Việt Hà cho biết,
tới năm 2011, tổng chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa đạt khoảng
1,8% tổng chi ngân sách của cả nước, trong đó, đầu tư đáng kể cho chương
trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa, nhằm ngăn chặn sự xuống cấp của các
di tích, mai một văn hóa phi vật thể; tiếp tục xây dựng và phát triển
văn hóa thông tin cơ sở; hiện đại hóa thiết bị phục vụ phổ biến phim,
nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn ngành điện ảnh... Đầu tư từ
nguồn xã hội hóa còn hạn chế, trong đó chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp,
các nhà đầu tư thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật; hỗ trợ
tổ chức sự kiện biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim . Một số địa phương
đã thu hút được nhân dân, doanh nghiệp tham gia trùng tu di tích, song
chưa tương xứng với tiềm năng trong xã hội. Có thể thấy, sự hỗ trợ từ
ngân sách nhà nước cũng như sự đóng góp từ các thành phần kinh tế, nguồn
lực từ xã hội hóa còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển.
Theo
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Ngô Hoàng Quân, ở Việt Nam chưa
có môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và thu hút tài trợ từ khu
vực tư nhân. Về mặt này, Nhà nước cần có chính sách, hành lang pháp lý
cởi mở để doanh nghiệp quan tâm đầu tư, tài trợ cho nghệ thuật. Nhà nước
cũng cần có biện pháp gắn kết nhà tài trợ và người làm văn hóa. Mặt
khác, đơn vị văn hóa nghệ thuật cũng cần xây dựng mối quan hệ lâu dài
với doanh nghiệp . Ví dụ, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thường có hợp đồng
tài trợ với Hội đồng Anh, các công ty Nhật Bản, Vietnam Airlines... nhờ
đó, Dàn nhạc mới có khả năng mời các nhà chỉ huy, solist nổi tiếng trên
thế giới đến Việt Nam biểu diễn. Những hợp đồng này được ký kết trên cơ
sở xây dựng đề án, chương trình từ 3 - 5 năm với từng nhà tài trợ.
Quyền lợi của nhà tài trợ được đảm bảo ở chỗ không phải logo của họ chỉ
xuất hiện 1 lần, mà trong suốt quá trình thực hiện đề án. Khi các doanh
nghiệp thấy được lợi ích dài hạn và có lòng tin thì họ sẽ tiếp tục tài
trợ...
Khẳng định xã hội hóa là cần
thiết, nhưng Ts Patrick Fohl cho rằng, nếu chỉ theo thị trường thì nền
văn hóa sẽ phát triển không hài hòa, ổn định. Nhà nước cần định hướng và
đầu tư một số lĩnh vực quan trọng. Bởi vậy, nên có mối quan hệ công -
tư trong đầu tư cho văn hóa, để phát triển lĩnh vực này.