VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Gắn kết chặt chẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản
(Ngày đăng: 03/05/2012   Lượt xem: 2496)
Được tu bổ lớn với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách của TP Hội An trong suốt 2 năm 2008 - 2009, nhà cổ Đức An được UNESCO đánh giá cao, coi là mẫu hình về công tác tu bổ di tích kiến trúc cổ ở các Di sản Thế giới và chỉ đạo lập hồ sơ để cấp bằng ghi nhận thành tích bảo tồn di sản văn hóa.

Vân trình ngũ sắc văn minh thịnh

Được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, nhà cổ Đức An, 129 Trần Phú, TP Hội An đã qua nhiều lần sửa chữa, nhưng lớn nhất là đợt tu bổ năm 2008 - 2009. Nhà có mặt chính quay về hướng Bắc, kết cấu kiểu hình ống, gồm 2 tòa nhà liên thông với nhau bởi sân trời và nhà cầu nối. Mái lợp ngói âm dương . Nhà có chiều dài 39m, chiều ngang 7m. Tòa phía trước gồm hai nếp 78m2. Hệ khung chịu lực bằng gỗ, cột tròn, vì kèo và trính được chạy chỉ và chạm trổ những đường nét mềm mại, tinh tế. Vì kèo nếp trước là kiểu vì kẻ suốt, nếp sau làm theo kiểu trính chồng trụ đội (vì thảo bạc). Nền lát gạch đỏ tư vuông lớn. Mặt tiền có 3 cửa, ra vào nhà bằng lối cửa giữa, hai bên là cửa ván xáng. Phía trên đà thượng của cửa ra vào đặt khán thờ Quan công. Gian thờ ông bà tổ tiên được đặt phía bên trái và mặt hướng về phía Nam, theo lý giải của chủ nhân ngôi nhà hiện nay, ông Phan Ngọc Trâm (thuộc thế hệ thứ 5), là ý nói trái tim người Việt luôn hướng đến tổ tiên. Đà dưới của vách ván được chạm trổ, tạo tác theo kiểu chân quỳ. Đặc biệt là nhà lắp ghép chứ không dùng đinh. Nhà đã tháo ra và di đời 2 lần do làm đường nhưng vẫn chắc chắn.

Sân vườn tại nhà cổ Đức An Ảnh: K.Ngọc

Nhà Đức An không có cửa, cũng không có vách, do khí hậu ở đây rất nóng, cửa sẽ ngăn gió lại, không được thông thoáng lắm. Nhà có một khoảng sân và góc thư giãn để các bậc tiền bối ngồi uống trà, đọc sách cùng khoảng trời xanh trước mặt . Không giống như những ngôi nhà truyền thống của Trung Quốc, sân trời tách biệt cuộc sống, ở đây sân trời ôm trọn cuộc sống, sinh hoạt diễn ra trong ngôi nhà. Đứng ở vị trí nào người ta cũng thấy được màu xanh.

Không gian nội thất trang trí bằng những hoành phi liễn đối với nội dung chúc phúc, giáo huấn con cháu. Đặc biệt có câu đối do Trần Quý Cáp cho chữ với ngụ ý nhắn nhủ sâu xa về truyền thống văn hóa luôn được tô bồi, dâng hiến làm trụ cột cho đất nước: Vân trình ngũ sắc văn minh thịnh/ Vạn tuế tam xuân khí tượng tân (Mây quý hiển linh giúp nền văn minh rực rỡ/ Vạn năm khí sắc xuân lành).

Theo ông Phan Ngọc Trâm, tất cả bố trí trong nhà vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi. Có một thế giới vật chất riêng phục vụ nhu cầu cuộc sống hiện đại nhưng tâm hồn của những người sống trong ngôi nhà luôn hài hòa với vốn cổ . Điều khách tham quan thích nhất khi đến đây là sự tiếp đón nhiệt tình cùng lời giới thiệu, giải thích cặn kẽ của chủ nhà, rất gần gũi và dí dỏm.

Cái nôi của cách mạng

Từ giữa thế kỷ XIX, ngôi nhà Đức An là nơi bán sách, chủ yếu là sách tiếng Hoa của tác giả Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... Trong thời gian này, các nhà yêu nước kháng Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... thường lui tới để đặt mua những cuốn sách có nội dung tư tưởng tiến bộ. Vào những năm đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước và kháng Pháp diễn ra rộng khắp tỉnh Quảng Nam và cả nước, nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi phổ biến sách báo văn thơ tiến bộ nhằm truyền bá chủ nghĩa yêu nước đến với các tầng lớp nhân dân, trí thức trong xã hội.

Sau sự kiện chống thuế năm 1908, nhà Đức An chuyển sang bán thuốc Bắc, hòa vào việc buôn bán tấp nập cùng nhiều hiệu thuốc Bắc ở Hội An, song vẫn là điểm hẹn  của các chí sỹ yêu nước trong khu vực. Vào những năm 1925 - 1926, khi các phong trào yêu nước và kháng Pháp chuyển hướng tiến bộ hơn, nhà Đức An trở thành nơi gặp gỡ của những thanh niên và trí thức yêu nước. Những tác phẩm về dân chủ tư sản thế giới, các tác phẩm của Phan Châu Trinh về phong trào Duy Tân và các sách báo tiến bộ khác như: báo Chuông Rè; Đông Pháp thời báo, Tân thế kỷ, Nhân loại và đặc biệt là báo Việt Nam hồn xuất bản tại Pháp cũng được cất giữ và lưu hành tại đây. Đầu năm 1927, khi chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam, các tổ chức cộng sản đã ra đời hoạt động rộng khắp ở ba kỳ . Trong bối cảnh này, tháng 10.1927, tại chính căn nhà này, đồng chí Năm Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) chủ trì cuộc họp thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội An. Kể từ đây, phong trào cách mạng ở Hội An bước vào quỹ đạo do ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc soi đường. Đầu năm 1930, Nhà Đức An là nơi bàn bạc việc tuyên truyền, rải truyền đơn, bàn thảo thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Quảng Nam. Từ ngày 28.3.1930, Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Quảng Nam được thành lập ở Hội An, nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi liên lạc và tổ chức hội họp của Đảng... Với riêng đồng chí Cao Hồng Lãnh, ông là một trong những chiến sỹ tin cẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và đưa về nước năm 1941, từng giữ nhiều trọng trách của Đảng, cả trong nước và ở nước ngoài.

Nhằm bảo quản và giới thiệu các tài liệu, hiện vật liên quan đến Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hội An và đồng chí Cao Hồng Lãnh, giúp nhân dân địa phương hiểu thêm về truyền thống cách mạng của cha ông, năm 2008, TP Hội An đã tu sửa toàn bộ nhà Đức An tại 129 Trần Phú, thành Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh. Những vật dụng của chính ngôi nhà bị thất lạc như giường, sập, bàn ghế, tràng kỷ, hoành phi liễn đối, tranh, tượng... được mua lại. Quầy thuốc, kệ sách và hàng trăm tư liệu, hiện vật được phục dựng để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.

Từ tháng 4.2010, nhà Đức An được TP Hội An đưa vào tuyến chính khi tham quan phố cổ. Từ đó đến nay, nhà Đức An đã đón hơn 51.000 lượt khách quốc tế, 36.000 lượt khách nội địa. Theo Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Nguyễn Đức Minh, đây là điểm di tích phản ánh hiệu quả đầu tư cao vì đã gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn với phát huy giá trị nhiều mặt của di tích ngay tại trung tâm Khu phố cổ Hội An - Di sản Thế giới . Tương lai, với những đặc thù kiến trúc nổi trội và giá trị lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng của di tích, nơi đây tiếp tục là điểm đến thú vị cho khách du lịch bốn phương khi tới Hội An.

Anh Minh
theo daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.472.094
Tổng truy cập: