Nan giải quản lý tiền giọt dầu
Một
trong những hình ảnh không đẹp trong mùa lễ hội năm 2011 mà các phương
tiện thông tin đại chúng phản ánh gay gắt là cảnh chen lấn, xô đẩy tại
75 điểm phát ấn của đền Trần (Nam Định). Chỉ hơn một tháng nữa, lễ khai
ấn đền Trần năm 2012 sẽ diễn ra và với phương án tổ chức mới: khai ấn
đêm 14.1 (ÂL) và phát ấn từ ngày 15.1 đến hết tháng Giêng, thậm chí kéo
dài cả năm, hy vọng sẽ đem lại một hình ảnh mới cho lễ hội đền Trần . Ấn
đền Trần được trở lại với đúng ý nghĩa cầu an và như là một vật kỷ niệm
với du khách khi về tham dự lễ hội . Việc trả lễ hội dân gian lại cho
nhân dân tự tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đứng ra đảm bảo an
ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, thanh tra, kiểm tra lễ hội
được kỳ vọng sẽ làm nên một diện mạo mới cho mùa lễ hội năm 2012.

Hiện tượng đốt đồ mã vẫn tràn lan |
Tuy nhiên, một trong những điều mà nhiều nhà quản lý văn hóa lo ngại gây
sự phản cảm, mất mỹ quan trong các di tích là vấn đề quản lý tiền giọt
dầu. Theo báo cáo của Bộ VH, TT và DL, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy
nhiều nơi đã lập thêm các ban thờ, đặt hòm công đức và các đĩa để tiền
giọt dầu khiến du khách đặt
Trong dịp lễ hội mùa xuân năm 2011,
lượng du khách tham dự vượt trội đã chứng tỏ sức hấp dẫn của lễ hội: Đền
Hùng (Phú Thọ) thu hút gần 4 triệu lượt khách, chùa Hương (Hà Nội) 1,5
triệu lượt, Yên Tử (Quảng Ninh) 1,2 triệu lượt, Bà Chúa Thiên Hậu (Bình
Dương) 1,5 triệu lượt, lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) 1,5 triệu lượt, chùa
Bái Đính (Ninh Bình) 1 triệu lượt...
|
nhiều tiền lẻ, gây lộn xộn, làm mất đi vẻ trang nghiêm, thanh tịnh nơi
di tích như: phủ Dầy (Nam Định), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp
Bạc (Hải Dương), đền Trần (Thái Bình)... Đặc biệt, du khách còn giắt
tiền giọt dầu tùy tiện vào tay tượng Phật, ném tiền vào hậu cung như ở
phủ Tây Hồ, động Hương Tích, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Bái Đính
(Ninh Bình)...Về phía các cơ quan quản
lý trực tiếp di tích ở nhiều nơi cũng còn thiếu minh bạch trong sử dụng
tiền cung tiến, giọt dầu. Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Phú Thọ Phạm Bá
Khiêm cho biết: ở Khu di tích lịch sử đền Hùng, nhiều du khách đặt tiền
giọt dầu với mệnh giá rất lớn, đến hàng trăm nghìn đồng . Thâm tâm họ
quan niệm rằng, tiền giọt dầu họ đặt lễ sau đó nhà nước sẽ thu để trùng
tu, tôn tạo di tích... Thế nhưng, đây là một vấn đề rất khó trong quản
lý mà trước mắt chỉ trông vào... lương tâm của các ông từ . Tất nhiên,
khó có thể ra một văn bản quy định quản lý chung cho việc này. Ông Phạm
Bá Khiêm cho rằng, về lâu dài cần phải tuyên truyền để người dân hiểu,
cung tiến giọt dầu trực tiếp vào hòm công đức, vừa không gây mất mỹ
quan, vừa đảm bảo hiệu quả minh bạch trong quản lý sử dụng nguồn thu
này.
Có nên cấm sản xuất đồ mã không?
Quy
định của Chính phủ về cấm đốt đồ mã tại nơi công cộng đã có hiệu lực từ
ngày 1.9.2010, thế nhưng tại không ít điểm di tích, việc này vẫn diễn
ra khá tràn lan và khó quản lý. Phó viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật
Việt Nam Lương Hồng Quang thừa nhận: là một trong những cơ quan tham
mưu cho Bộ VH, TT và DL về vấn đề quản lý việc đốt đồ mã, thế nhưng qua
tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học đầu ngành như Nguyễn Văn
Huy, Tô Ngọc Thanh... đều nhận được những cái lắc đầu là rất... khó quản
lý triệt để . Họ cho rằng, việc đốt đồ mã trong các di tích đã thực sự
trở thành vấn đề của xã hội khi nó đã đi quá giới hạn, nhưng nếu không
có biện pháp trừ tận gốc thì quản lý cách nào cũng khó thành công. Từ
thực tế qua 500 lễ hội trên địa bàn, theo đại diện Sở VH, TT và DL Thừa
Thiên - Huế, việc đốt đồ mã tại các di tích ở địa phương không chỉ gây
tốn kém, lãng phí lớn mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, xâm hại di
tích. Vì thế, cần sớm có quy định nghiêm cấm các hành vi sản xuất, tàng
trữ và sử dụng đồ mã (nhà lầu, xe hơi, hình nhân, tiền đôla...).
Hiện
nay, theo quy định đồ mã vẫn là một trong những mặt hàng có trong danh
mục của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho phép sản xuất, có thu thuế. Nghề
làm hàng mã giải quyết khá nhiều việc làm, thu nhập cho lao động tại các
làng nghề truyền thống. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Huỳnh
Vĩnh Ái cho biết, hiện Bộ VH, TT và DL đang nghiên cứu, cân nhắc xem
cấm đến đâu, để có văn bản trình Chính phủ cấm sản xuất, buôn bán, lưu
hành, tàng trữ và đốt đồ mã; cấm sản xuất, buôn bán, lưu hành, tàng trữ
và đốt tiền giả các loại. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh, đối
với lĩnh vực văn hóa không nên chỉ sử dụng các biện pháp hành chính đơn
thuần.