
Thực
hiện chủ trương đưa trò chơi dân gian vào nhà trường, thời gian qua,
một số trường học đã cho học sinh làm quen với trò chơi dân gian ở nhiều
mức độ khác nhau. Có trường tổ chức cho học sinh chơi trong các giờ ra
chơi, giờ thể dục, giờ ngoại khóa. Và nhiều nhà trường đã đưa trò chơi
dân gian thành nếp sinh hoạt hàng ngày của học sinh. Có trường đã lựa
chọn, gắn một số bản nhạc làm nền theo từng trò chơi khác nhau. Giờ ra
chơi, khi tiếng nhạc cất lên, tất cả học sinh đồng loạt chơi các trò
chơi đã được lựa chọn từ các trò chơi dân gian. Có trường cho học sinh
chơi các trò chơi dân gian vào những dịp tổ chức các ngày lễ kỷ niệm,
khai giảng, bế giảng năm học. Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Huế là ví dụ,
nhân dịp đầu xuân năm mới, trường thường tổ chức tái hiện một lễ hội
truyền thống ngay tại trường học. Học sinh được mặc trang phục truyền
thống và trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian...
Dù
hình thức tổ chức khác nhau nhưng có một điểm chung là phần lớn học
sinh đều tỏ ra hào hứng với các trò chơi dân gian, nhất là đối với học
sinh ở lứa tuổi mầm non, tiểu học… Bởi trò chơi dân gian được triển khai
trong trường học đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập. Nhóm các trò chơi vận
động tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền rồng... giúp trẻ
tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết. Trong khi đó,
những trò chơi như ô ăn quan, chơi cờ lại giúp phát triển trí tuệ, đòi
hỏi các em biết quan sát, tính toán. Không ít ý kiến cho rằng, qua trò
chơi dân gian các em đã tạo được ý thức và sở thích lành mạnh. Điều này
còn tác động đến nhiều bậc cha mẹ và chính bản thân các em, góp phần hạn
chế những trò chơi có tính bạo lực hoặc những trò chơi, đồ chơi đắt
tiền hiện đại khác.
Cô giáo Đỗ Thị
Yến, giáo viên trường tiểu học Tam Hồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc tâm sự: với
sự hiếu động và hồn nhiên của lứa tuổi tiểu học, các trò chơi dân gian
dễ được các em tiếp thu và yêu thích. Dưới sự hướng dẫn và tổ chức trò
chơi của giáo viên, các em có thể chơi được các trò chơi dân gian từ đơn
giản đến phức tạp. Đặc biệt, sức hút của các trò chơi dân gian sau mỗi
giờ học đã phần nào giúp các em tránh xa với các trò chơi vô bổ trước
đây. Thực tế, sau mỗi tiết học, giờ ra chơi học sinh thường hay tụ tập
ăn quà vặt, nghịch ngợm hoặc có thể tham gia chơi điện tử…
Tuy
nhiên, từ thực tế cũng cho thấy, không ít trường học còn gặp nhiều lúng
túng trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường do những khó khăn
như: không gian, thời gian chơi, cách thức tổ chức các trò chơi, chơi
như thế nào để thực sự thu hút các em. Bản thân không ít giáo viên còn
thiếu vốn trò chơi cũng như thiếu hiểu biết về trò chơi dân gian… Đơn cử
ở một số thành phố lớn, diện tích các trường học đều hẹp nên khó triển
khai được nhiều trò chơi, như trò chơi đá cầu tưởng chừng đơn giản nhất,
nhưng cũng đòi hỏi một khoảng sân rộng 12m2, cho 4 người chơi. Nhiều
trường diện tích phòng học còn thiếu, chật chội nên mong có nơi chơi cho
học sinh là điều khá xa vời. Ngoài ra, thời lượng học căng, ngoài 5
phút nghỉ giữa các tiết và 20 phút chơi giữa giờ, hoàn toàn không có
thời gian dành cho việc... chơi trò chơi dân gian hoặc chưa chơi đã đến
giờ vào học. Có lẽ vậy, dù biết việc phổ biến các trò chơi dân gian đến
các em học sinh nhỏ tuổi là rất cần thiết, nhưng do điều kiện cơ sở vật
chất, thời gian, nên cũng chỉ có thể tổ chức vào dịp Trung thu, Ngày
Quốc Tế thiếu nhi 1.6 và các ngày sinh hoạt truyền thống hàng tháng.
Không
ít ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn đến việc
sưu tầm và đưa các trò chơi dân gian vào môi trường học đường. Sở,
phòng GD và ĐT cần tổ chức những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò
chơi dân gian cho giáo viên theo từng cấp học để giáo viên có “vốn” trò
chơi dân gian bài bản nhất định, từ đó truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức
cho học sinh chơi. Đặc biệt, có thể lựa chọn những trò chơi phù hợp với
điều kiện cơ sở hạ tầng hoặc lồng ghép vào các tiết học để học sinh được
tham gia thường xuyên hơn. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi chơi các trò
chơi dân gian giữa các trường bạn, tạo không khí vui tươi và để ngày
càng có nhiều học sinh có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian bổ
ích, lý thú.
Thiết nghĩ, việc phổ
biến, nhân rộng các trò chơi dân gian trong môi trường học đường là điều
cần thiết, bởi qua đó học sinh không chỉ có không gian, thời gian vui
chơi lành mạnh, bổ ích mà còn góp phần bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho
trẻ. PGs, Ts Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt
Nam từng nhận định: “Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn,
giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp
các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước”.