VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Làm lấp lánh thương hiệu du lịch Huế
(Ngày đăng: 02/05/2012   Lượt xem: 830)
Với bề dày 700 năm lịch sử, một hệ thống di tích, danh thắng nổi tiếng và dày đặc, từ lâu Thừa Thiên Huế đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Và trên thực tế, có một thời Thừa Thiên Huế là điểm đến số một ở miền Trung…


Huyền Thoại sông Hương

Vùng đất văn hóa, lịch sử

Huế là đất của văn hóa, đất của danh lam thắng tích, đất của lịch sử mở cõi. Vùng đất này hằng ghi dấu bằng sự kiện hôn lễ nổi tiếng giữa vua Chăm Chế Mân và công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt mang về cho giang sơn 2 châu Ô - Lý “vuông ngàn dặm”, là thủ phủ xứ Đàng Trong kể từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng theo lời khuyên của Bạch Vân Phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm Hoành sơn nhất đái/ Vạn đại dung thân đã “tình nguyện” xin vào đây trấn nhậm để tránh sự hãm hại của người anh rể mang họ Trịnh ; là kinh đô của nước Việt Nam suốt gần 150 năm dưới triều các vua Nguyễn... Tất cả đã để lại nơi đây những trầm tích, những di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt đủ sức lay thức mọi người. Vùng đất ấy hấp dẫn đến mức ai cũng muốn được một lần ghé đến, và đã đến rồi thì cứ ngẩn ngơ không muốn rời xa. Không biết bao nhiêu áng thi ca, họa phẩm đã bắt nguồn cảm hứng từ người và đất nơi đây. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “thiên hạ tới thăm Việt Nam mà không tới Huế thì thật kỳ cục”...


Vậy nên chẳng có gì lạ khi một thời gian dài sau ngày đất nước mở cửa, Huế luôn là một trong những thành phố dẫn đầu cả nước về du lịch. Đặc biệt là sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), khách du lịch đến Huế đã tăng vọt, từ chỉ khoảng 8.000 lượt năm 1990 lên đến 200.000 vào năm 2000, gấp 25 lần! Huế trở thành điểm đến số một ở miền Trung.

Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XXI, du lịch Huế đã có dấu hiệu chững lại, thậm chí bị tụt hậu so với các vùng miền khác. Số liệu từ ngành VH, TT và DL Thừa Thiên Huế cho thấy, năm 2010 tổng lượt khách đến với vùng đất sông Hương núi Ngự đạt 1,5 triệu lượt, năm 2011 ước đạt 1,574 triệu lượt. Tuy nhiên, nếu đối sánh với những nơi khác, thì mới thấy du lịch Huế... buồn ơi là buồn! Chưa so sánh với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, du lịch Huế đang xếp sau cả Lâm Đồng (trên 3 triệu lượt khách năm 2010), Quảng Ninh (5 triệu lượt khách) . Còn người anh em Đà Nẵng năm 2010 cũng đón đến 1,7 triệu lượt khách, Quảng Nam trên 2,4 triệu lượt khách đến tham quan và lưu trú. Đấy là chưa kể tỷ trọng khách quốc tế ở các địa phương trên đều lớn, trong khi số khách quốc tế đến Huế chỉ dừng ở mức khiêm tốn 600.000 lượt... Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: so với tiềm năng, du lịch Huế chưa thực sự phát huy được hiệu quả. “Có những thời điểm, cảm giác như Huế vắng lặng, im lìm cạnh một Đà Nẵng sôi động và đầy ắp khách’’.



Tái hiện đêm Hoàng cung tại Festival Huế

Và thao thức có thực

Phải làm gì để du lịch Thừa Thiên Huế trở lại với thời vàng son đã và đang là nỗi thao thức khôn nguôi của những người tâm huyết với Huế. Một hội thảo về xây dựng thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế đã được tổ chức năm 2011 với mục đích làm lấp lánh thương hiệu Huế trên bản đồ du lịch thế giới . Những ý kiến tại hội thảo đã phần nào hé lộ cho Huế những hướng đi cần suy nghĩ, hướng đến nếu muốn ngành kinh tế mũi nhọn thực sự nhọn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh: “Không lặp lại mô hình du lịch các nơi khác, du lịch Huế cần gắn với những gì đã làm nên vẻ đẹp và giá trị thành phố qua năm tháng. Du lịch Huế phải là sinh hoạt giàu tính nhân văn, hướng thượng và giản dị như tâm hồn người Huế”.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ trút nỗi lòng: quần thể di tích cố đô có sức thu hút lớn du khách. Kết hợp du ngoạn sông Hương với thăm các di tích, và đêm nghe ca Huế trên sông, sản phẩm du lịch của chúng ta cơ bản chỉ có thế thì “hẻo” quá! Du khách ở lại hơn một ngày quá ít. Du khách đến lần thứ hai lại càng ít hơn. Đã qua nhiều năm mà vẫn còn nghe những lời tự phê bình như thể cách đây hàng chục năm, khi các trung tâm du lịch cạnh chúng ta chưa phát triển, hệ thống di tích của chúng ta gần như “vô đối” trong việc thu hút du khách . Nhưng các nơi ấy biết du khách cần gì để xây dựng sản phẩm du lịch thích hợp. Theo ông Vỹ, Thừa Thiên Huế có hai đặc điểm mà các vùng du lịch khác ít có. Đó là truyền thống văn hóa, lịch sử cũng như quá trình hội nhập văn hóa mạnh mẽ, để lại nhiều di tích, dấu ấn lớn và truyền thống văn hóa Phật giáo sâu nặng, nếu biết khai thác thì du lịch Huế sẽ vô cùng độc đáo, hấp dẫn.


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, dùng cái tên Thừa Thiên Huế để đi quảng bá du lịch “là một sai lầm”. Thừa Thiên Huế là một cái tên còn rất trẻ, chỉ nên dùng để phân định địa giới hành chính. Cái tên Huế đã được người trong nước và thế giới biết đến dưới nhiều lĩnh vực khác nhau: Triều đình Huế (lịch sử, ngoại giao); Kinh thành Huế - chùa Huế (kiến trúc); Phật giáo ở Huế (tôn giáo); nhã nhạc cung đình Huế, hát Bội Huế, ca Huế, thơ Huế (nghệ thuật); trà Huế, chè Huế, bún bò Huế (ẩm thực)... Trong môi trường du lịch, cái tên Huế nếu không nói hơn thì ít ra cũng ngang vai với hai địa phương Sài Gòn và Hà Nội... Tại sao ta không dùng danh xưng Huế để quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Huế? Du lịch Huế phải mang tính nhân văn, văn hóa lịch sử cao . Giới nghiên cứu đã mách nước nhiều sản phẩm, tour tuyến nhưng ít được ngó ngàng. “Biết bao đề tài lễ lược của Huế chúng tôi đã nghiên cứu giới thiệu mấy chục năm qua nhưng Huế không vận dụng, để các nơi khác “khai thác” thành lễ hội của họ. Ví dụ Lễ Phất thức (rửa ấn và khai ấn) của Huế, Nam Định làm thành lễ Phát ấn rầm rộ. Lễ Tịch điền các vua Nguyễn “cày ruộng” đầu xuân để khuyến nông còn lưu lại địa điểm ở phường Tây Lộc, Huế không quan tâm, nay huyện Duy Tiên, Hà Nam tổ chức thành một ngày hội đầu năm hấp dẫn...”, ông Xuân tiếc rẻ.

Câu hỏi làm gì để du lịch Huế phát triển ngang tầm tiềm năng hóa ra lại gợi sự ưu tư, chạm vào nỗi thao thức của bất kỳ ai. Tôi đã có một buổi chiều vào Thành Nội ngồi nghe nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Vĩnh trải lòng: “Thương hiệu du lịch Huế có từ rất sớm. Ngay dưới thời Pháp thuộc, đã có nhiều chuyến tàu bay của Pháp chở du khách đến Huế. Người ta thích Huế, đến Huế vì Huế trầm mặc, vì phong cảnh tuyệt vời, và đặc biệt là mến những con người Huế “thủng thẳng”. Còn bây giờ, nhiều người lo cái chất của người Huế gốc - người Huế “cột cờ” hình như phai nhạt đâu cả. Có thật vậy không? Đôi lúc tôi tự hỏi và rồi thấy không hẳn vậy. Chính xác hơn là ở Huế bây giờ, nếp truyền thống vẫn còn là dòng chảy âm ỉ không ngưng nghỉ”. Ông Hồ Vĩnh lý giải những suy nghĩ của mình, rồi kết luận: “Huế phải tự phát hiện, tức phải tự hiểu mình, quý mình rồi từ đó mới có thể giới thiệu, truyền lửa cho du khách”.

Từ Mỹ, bác sỹ Bùi Minh Đức, tác giả Từ điển tiếng Huế cũng đồng cảm nhưng cụ thể hơn. Ông cho rằng, du khách về Huế đặc biệt muốn xem người Huế, phong cảnh xứ Huế và đời sống ở Huế. Huế khác các xứ khác vì lối sống trầm mặc, cách ăn mặc, đi đứng nghiêm trang, kín đáo, dịu dàng, mềm mại . Các tư gia nên có “tủ sách gia đình” để con em có nơi lưu giữ sách vở, cũng là để tạo nét đẹp của đất Huế - đất học... Và để làm tỏ lộ cho được cái khác, cái đẹp của Huế, theo ông Hồ Vĩnh, du lịch Huế cần phải mời chuyên gia văn hóa, lịch sử, thành tâm xem họ như “người nhà” để cùng thảo luận, trở trăn để làm thì du lịch Huế mới lấp lánh được.

Cố đô Huế là điểm nhấn và liên kết với các tỉnh thành như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội... tổ chức Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012. Với chủ đề Du lịch di sản, Năm Du lịch Quốc gia 2012 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm nhằm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, các di sản văn hóa khu vực Bắc Trung bộ với các điểm đến có lượng khách quốc tế lớn. Thông qua đó, các địa phương trong vùng sẽ liên kết đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, chất lượng cao.

Diên Thống
theo daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.468.004
Tổng truy cập: