VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Lớp học sơn mài liên hiệp quốc
(Ngày đăng: 20/04/2012   Lượt xem: 997)

 Một, là giảng viên, thạc sĩ chuyên ngành sơn mài tại đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, một, là luật sư người Đức, tình cờ “lạc lối” vào nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Từ mối đồng cảm ấy, một lớp học vẽ tranh sơn mài kỳ lạ đã ra đời…

Sáng tháng 4, Hà Nội nắng oi ả, nhưng trong căn phòng treo đầy tranh sơn mài và có phần hơi nhỏ so với lượng học viên, mọi cây quạt đều tắt để “đảm bảo kỹ thuật” . Nhìn vào thấy như một lớp học vẽ tranh của liên hiệp quốc với đủ màu da, quốc tịch. Say sưa tập trung vào công việc, không ai than nóng. Người đã nắm kiến thức căn bản thì phác thảo bố cục tranh, hoặc phủ dần từng lớp màu lên tranh. Người đang ở trình độ “a, b, c” thì phải bắt đầu từ bài học vỡ lòng. Rất nhẹ nhàng và đầy kiên nhẫn, ông thầy người Việt “lượn” như con thoi giữa các học viên, chẳng hề bối rối, dù bị xoay với rất nhiều câu hỏi và đủ mọi ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp…

Tranh thủ quãng nghỉ ngắn, tôi kéo vội ông thầy Việt Trần Anh Tuấn ra ngoài. Hoạ sĩ tâm sự, ý tưởng về lớp học sơn mài đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi gặp được một học trò đặc biệt: Elke Riter, luật sư người Đức, đam mê nghệ thuật sơn mài Việt Nam một cách kỳ lạ, anh mới có cú hích lớn, quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực. Trước tiên, cả hai thầy trò cật lực vẽ tranh, để có một triển lãm tranh sơn mài mở cửa đồng thời với lớp học, và có tranh mẫu cho học viên thưởng ngoạn, nghiên cứu. Ngôi nhà rợp bóng cây xanh mượn được của người bạn thân, khoảng sân rộng tha hồ treo tác phẩm, và thế là lớp học bắt đầu . Cả Anh Tuấn và Elke Riter đều khá bất ngờ trước số học viên đông đảo, mang nhiều quốc tịch. Mỗi người đến với sơn mài đều có một lý do riêng. Sohah, theo chồng sang Việt Nam công tác, đến đây vì muốn hoàn thiện kỹ năng “làm” sơn mài. Khang, hướng dẫn viên du lịch, tuổi đời còn trẻ, nhưng thích sơn mài vì “lạ và đẹp”.

Kéo dài từ đầu tuần đến cuối tuần, nhưng vào mỗi thứ tư, lớp học dành cho người lớn tạm ngưng, nhường chỗ cho học viên nhí. Tụi trẻ, cũng đủ màu da, quốc tịch, bi bô đủ thứ tiếng, bò lăn bò toài hí hoáy tập vẽ, thích chất liệu nào thì dùng chất liệu ấy, từ sơn mài đến sơn dầu, màu nước, màu tổng hợp… Ông thầy muốn dành cho các học trò nhí một không gian sáng tác thật rộn ràng, thoải mái, tự nhiên, không muốn gò ép những mầm non nghệ thuật vào bất cứ một khuôn phép nào. Mỗi lần đứng lớp là mỗi lần Anh Tuấn cảm thấy vững lòng hơn khi nghĩ đến tương lai của sơn mài Việt Nam, và bớt lo lắng hơn khi nhớ về những khoá học chỉ vỏn vẹn ba, bốn sinh viên chuyên ngành sơn mài tại các trường đại học mỹ thuật.

Không theo truyền thống sư phạm của gia đình mà “đâm đầu” vào nghệ thuật sơn mài, đúng lúc dòng tranh độc đáo của Việt Nam bị những xu thế mới cùng cơ chế thị trường làm chao đảo, Anh Tuấn vẫn miệt mài trên con đường riêng, và một hướng đi riêng đầy sáng tạo. Đó là áp dụng kỹ thuật sơn khắc, sơn đắp vào sơn mài để tạo nên những bức tranh lạ từ màu sắc, đường nét, hình hoạ đến ý tưởng . Ở vị trí giảng viên, anh cũng không định dừng lại trong phạm vi những lớp học vẽ tranh sơn mài. Kế hoạch tiếp theo là mở các khoá tiếp cận sâu hơn về nghệ thuật sơn mài, chẳng hạn tổ chức đi “thực địa” tại các làng nghề phía Bắc, nơi hàng trăm năm nay vẫn cung cấp chất liệu cốt yếu cho sơn mài Việt Nam như: vỏ sò, vỏ trai, lá vàng, lá bạc… Hành trình nghệ thuật của hoạ sĩ sinh năm 1972 xem ra còn nhiều đích đến.

                                                                                                 Theo SGTT


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

49
Đang xem:
77.016.110
Tổng truy cập: