DẠY NGHỀ - TRUYỀN NGHỀ- CẤY NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ
Tìm hướng phát triển bền vững làng cổ Đường Lâm
(Ngày đăng: 03/05/2012   Lượt xem: 1542)
Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội được nhiều người biết đến là vùng đất lịch sử - đất hai vua và có kiến trúc đá ong đặc sắc, với phong cảnh mang đậm nét làng quê Bắc bộ . Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và sự phát triển du lịch đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa độc đáo nơi đây. Hiện đề án quy hoạch làng cổ Đường Lâm đã được trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, với mục tiêu biến làng cổ Đường Lâm thành bảo tàng di sản văn hóa sống động.

Người dân ít được lợi từ du lịch


Ảnh: Minh Phương

Xã Đường Lâm có dân số khoảng 1 vạn người, sinh sống ở 9 thôn, trong đó có 5 thôn được phân cấp bảo tồn thuộc vùng 1 gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Đây cũng là khu vực còn giữ được nhiều ngôi nhà mang kiến trúc cổ. Dù du lịch được định hướng sẽ là một ngành kinh tế chính và là nguồn thu cho bảo tồn di tích nhưng thực tế rất ít người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Trên bản đồ du lịch, chỉ có 15 ngôi nhà mở cửa đón khách và khoảng chục hộ làm dịch vụ ăn uống. Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đường Lâm Dương Thị Lan cho biết: chỉ có hơn chục hộ được cấp khoảng 200.000 đồng/tháng (nhà cao nhất là 400.000 đồng/tháng) gọi là tiền trà nước, dọn dẹp nhà sạch sẽ để khách tham quan. Theo báo cáo của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, trong 6 tháng đầu năm 2011, có 80.000 lượt khách tham quan, với mức phí 15.000 đồng/khách, tổng mức thu ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân chưa được hưởng lợi gì từ số tiền này (?).

Làng cổ Đường Lâm đang đứng trước nguy cơ đô thị hóa. Ngay từ cổng làng đến tận các ngõ ngách đều dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà cổ đan xen kiến trúc hiện đại. Phó trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An lý giải: những ngôi nhà cao tầng đều xây trước năm 2005. Sau khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia (năm 2006), đối với vùng 1, xã chỉ cho phép sửa chữa nhưng giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Thế nhưng, chỉ cần dạo một vòng quanh làng cổ sẽ thấy ngay cảnh nhiều hộ dân vẫn cơi nới, sửa chữa, nâng cấp nhà. Đường làng, ngõ xóm cũng đang dần được mở rộng với những vật liệu mới, hiện đại. Không gian gốc đa, bến nước, sân đình đang đứng trước nguy cơ bị đô thị hóa ngày một rõ nét. Nguyên nhân do quỹ đất tại Đường Lâm khá eo hẹp trong khi dân cư ngày một đông. Điều này nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu sẽ giảm sức hấp dẫn của di tích với khách du lịch.

Ông Nguyễn Trọng An thừa nhận: tốc độ đô thị hóa thời gian qua đang gây khó khăn trong việc gìn giữ các nếp nhà cổ ở Đường Lâm; đồng thời cũng gây lúng túng trong việc xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp. Các hộ dân vẫn chưa biết kinh doanh cái gì phù hợp với nhu cầu của khách như về món ăn, sản phẩm lưu niệm, dịch vụ lưu trú du lịch cộng đồng theo kiểu homestay với việc tạo ra không gian, ngoại ngữ giao tiếp với khách quốc tế, vệ sinh... Du lịch homestay mới chỉ manh nha ở một vài nhà nhưng thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản.

Tìm hướng phát triển bền vững


Nguồn: nhovehanoi.vn

PGs, Ts Phạm Hùng Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, đơn vị đang hỗ trợ xã Đường Lâm lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các làng cổ ở Đường Lâm nhận xét: “nếu chỉ hô hào chung chung, trong khi dân số tăng, không bố trí giãn dân, thì khó có thể bảo tồn bền vững. Trong định hướng làm quy hoạch vùng 1 (vùng bảo tồn nguyên gốc) gồm 5 thôn, rộng khoảng 150ha, chúng tôi đề xuất phải giãn dân khu vực này”.

Bên cạnh quy hoạch bảo tồn hệ thống cây xanh, cổ thụ; bảo tồn không gian và cảnh quan tổng thể, bảo tồn những không gian quan trọng; cần tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể và cải tạo, chỉnh trang các mặt văn hóa đời sống khác. Đặc biệt, trong dự án này, những nhà làm quy hoạch cũng đề cập khá kỹ việc bảo tồn nhà ở và nhà truyền thống theo cách phân loại từng nhóm nhà, bởi đây là hạt nhân quan trọng của làng cổ Đường Lâm. Theo đó, nhóm nhà 1 là những ngôi nhà có giá trị hoàn chỉnh, sẽ bảo tồn, tôn tạo hoàn chỉnh mô hình nhà ở của nông dân, phục hồi các tiện nghi gia đình và dụng cụ sinh hoạt truyền thống. Còn với nhóm nhà loại 3 là những nhà xây dựng mới 2 - 3 tầng mái bê tông có ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực 1, tùy theo từng vị trí sẽ phá dỡ tầng 2 hoặc cải tạo lại mái.

Cũng trong dự án quy hoạch này, các nhà nghiên cứu và các tác giả đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm lưu giữ, bảo tồn cơ bản cấu trúc làng cổ như giữ nguyên hệ thống đường làng, ngõ xóm, các mối liên kết của làng cổ. Có thể thấy, đề án quy hoạch đã mở ra nhiều hướng bảo tồn từ không gian, cảnh quan, kiến trúc; các công trình di tích lịch sử, văn hóa; tạo sự gắn kết giữa các làng và những giá trị văn hóa, sinh hoạt cộng đồng... Hiện đề án quy hoạch đã được trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, với mục tiêu để làng cổ Đường Lâm trở thành một bảo tàng di sản văn hóa sống động.

Tuy nhiên, quy hoạch là một chuyện và tiến hành triển khai, thực hiện dựa trên quan điểm “can thiệp vào một quá trình đang tồn tại và phát triển” lại là chuyện khác. Bà Dương Thị Lan băn khoăn: mỗi suất đất giãn dân giá cả trăm triệu đồng, người dân chúng tôi chỉ làm ruộng thì lấy tiền đâu mà mua đất và xây nhà. Người dân giờ cũng có ý thức bảo vệ di sản nhưng phải có chính sách hỗ trợ đi kèm như cấp đất giãn dân để họ không chia đất làm nhà cho con cái; hỗ trợ đào tạo nghề để người dân có thể sống bằng du lịch. PGs, Ts Phạm Hùng Cường cũng cho rằng, nếu coi du lịch là hướng phát triển chính thì phải tạo ra các sản phẩm du lịch từ cộng đồng để người dân được hưởng lợi từ chính sự phát triển đó.

Diệu Linh
theo daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.470.328
Tổng truy cập: