DẠY NGHỀ - TRUYỀN NGHỀ- CẤY NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ
Quan Sơn - Thanh Hóa tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(Ngày đăng: 23/04/2012   Lượt xem: 1676)
Nghề chẻ tăm hương tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
 Với nỗ lực tăng cường thực hiện có hiệu quả quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn , những năm gần đây, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song huyện Quan Sơn đã tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Qua đó, hàng năm thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu tạo thêm việc làm mới, nghề mới, từng bước tăng thêm thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề đã phát sinh không ít khó khăn, bất cập.

Ông Lương Văn Hoan, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã cùng với các ban, ngành liên quan của tỉnh chọn cơ sở đào tạo nghề có đủ năng lực, đồng thời chọn những ngành nghề phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên và thế mạnh của địa phương như chế biến lâm sản, mộc dân dụng (tập trung ở cụm xã Trung Hạ, Trung Xuân) ; chăn nuôi gia súc, gia cầm (tập trung ở các xã Sơn Lư, Tam Lư) và một số nghề mới như trồng nấm, mộc nhĩ (thị trấn Quan Sơn, xã Sơn Lư), nuôi cá, nuôi ếch (Sơn Thủy)... Việc được tham gia các lớp tập huấn đào tạo nghề đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ cách thức, tập quán làm ăn, sản xuất lạc hậu thiếu bền vững, đồng thời bắt đầu tiếp cận với những nghề mới, các phương thức làm ăn, sản xuất mới, mở ra hướng thoát nghèo. Một số hộ gia đình sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất, phát huy hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống. Nhiều hộ đã bắt đầu chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa với mục đích làm giàu.

Tuy nhiên, với số học viên hằng năm hơn 300 người và 8 lớp đào tạo nghề được tổ chức kể từ năm 2010 đến nay là con số còn thấp so với nhu cầu của địa phương, nhất là khi Quan Sơn vẫn là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao của Thanh Hóa. Trong khi đó, phần lớn bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí còn hạn chế, phương thức, tập quán sản xuất lạc hậu, thiếu bền vững. Do đó, chỉ có từ 20 đến 30% học viên được đào tạo nghề phát huy và áp dụng kiến thức vào phát triển sản xuất, cho dù địa phương đã rất nỗ lực tổ chức các lớp đạo tào nghề sao cho phát huy hiệu quả tốt nhất sự hỗ trợ của Nhà nước . Mặc dù được đào tạo nghề và có sự giúp đỡ trực tiếp của cán bộ huyện, xã về kỹ thuật nhưng không ít người vẫn chưa chịu từ bỏ những tập tục canh tác, sản xuất lạc hậu. Cũng có không ít hộ nghèo được đào tạo nghề song không có khả năng tổ chức phát triển sản xuất. Nhiều lao động đã được một số cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tuyển vào làm việc nhưng ý thức kỷ luật, sự chịu khó còn thấp, do vậy vẫn còn tình trạng nhiều lao động bỏ việc và quay trở lại với tập quán làm ăn lạc hậu. Một số nghề mới như nuôi ếch, trồng nấm đến khi nhận được kinh phí hỗ trợ để triển khai lại không vào đúng mùa. Vì vậy, năng suất không cao và còn phải đối mặt với dịch bệnh phát sinh. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm của bà con vẫn là một bài toán khá hóc búa đối với địa phương. Ví như một số hộ nuôi ếch ở xã Sơn Thủy, do cách xa trung tâm huyện nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn do giao thông không thuận lợi. Ngay cả đối với các hộ trồng nấm, mộc nhĩ ở thị trấn huyện cũng rất khó khăn để tiêu thụ sản phẩm...

Trước những khó khăn trên, ngành lao động – thương binh và xã hội huyện đã tích cực phối hợp với các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên mở các lớp đào tạo nghề làm tăm hương, nan thanh cho bà con và bước đầu đã có những hiệu quả đáng khích lệ. Đây cũng là hướng đi hợp lý, vừa tạo được nhiều việc làm cho lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ, vừa tận dụng và phát huy thế mạnh từ cây luồng của địa phương . Do vậy, các lớp đào tạo nghề chẻ tăm hương luôn có số lượng học viên tăng lên. Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, huyện Quan Sơn tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề như chế biến lâm sản, chăn nuôi; tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả quá trình áp dụng vào thực tế của bà con để có những điều chỉnh hợp lý . Một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm sẽ được huyện nghiên cứu để từng bước khôi phục, tiếp tục huy động các cấp, các ngành hỗ trợ để bà con yên tâm phát triển sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
                                                                       Theo Thanh Hóa Online
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.462.247
Tổng truy cập: