Từ một nông dân đam mê nghiên cứu
Ông vốn là một nông dân thứ thiệt. "Chất nông dân” dễ nhận biết bởi
tính tình cởi mở, chất phát của con người đất võ Bình Định. Nhưng qua
trao đổi, "chất nghệ sĩ" của một Võ sư, một nông dân đam mê nghiên cứu
đến cháy lòng hiện rõ nơi ông. 33 năm rời quê lập nghiệp và gắn bó với
vùng đất trồng hoa hồng lâu đời, nổi tiếng nhất của Đà Lạt, ngoài việc
truyền dạy võ thuật Vôvinam cho đệ tử, Võ sư Hồng đai Lục đẳng Nguyễn
Công Hoá (sinh năm 1953) dành tất cả thời gian, công sức và vốn liếng
cho việc mày mò nghiên cứu với tâm huyết lưu giữ thật lâu màu sắc của
hoa và sáng tạo ra nhiều màu sắc mới cho các loài hoa...
Ông Hóa kể, năm 1990, một anh bạn người Pháp sang chơi và tham quan
Làng hoa Vạn Thành đã nói với ông rằng: một số nước trên thế giới đã sử
dụng công nghệ ướp hoa để giữ cho hoa tươi rất lâu. Về nước, người bạn
Pháp đã gửi tặng ông một bông hoa ướp khô rất đẹp. Nâng niu bông hoa
được ướp mà vẫn giữ nguyên màu sắc như lúc tươi và những lời tâm sự của
bạn đã làm ông nảy ra ý nghĩ táo bạo: sao mình không sử dụng công nghệ
như họ để ướp hoa? Mang tâm sự này, ông Hoá đi hỏi một số giáo sư, các
nhà nghiên cứu chuyên ngành Hoá, Sinh ở Đà Lạt, TP.HCM... nhưng dường
như chưa ai biết công nghệ này. Chẳng chịu thua, ông Hoá đã lặng lẽ về
TP. HCM tìm mua một số loại hoá chất (dùng để ướp các loại rau, hoa) rồi
lấy từng đoá hoa hồng của gia đình ông nhúng vào hóa chất và theo
dõi...
Liên tiếp từ năm 2002 - 2005, ông Hóa đã "nướng” không biết bao nhiêu
bông hồng của gia đình và hàng trăm triệu đồng cho việc mua hoá chất,
sách vở, tài liệu để nghiên cứu, thử nghiệm. Cuối năm 2005, trong hàng
ngàn bông hoa thử nghiệm bị hỏng đã có những bông hoa giữ được màu sắc
và độ tươi. "Ánh sáng cuối đường hầm” làm người nông dân này vui sướng.
Kinh phí cạn kiệt, ông đi vay bạn bè 50 triệu đồng ướp thử nghiệm 3.000
bông hồng, nhưng tất cả đều bị hỏng hết. Vẫn không nản chí, ông Hoá tiếp
tục nghiên cứu thêm qua tài liệu, đọc trên Internet để hình thành công
thức ướp hoa của riêng mình... Và, thành công đã đến với "nhà khoa học
trình độ học vấn lớp 12” này. Những bông hồng đầu tiên (chủ yếu là màu
đỏ và màu vàng) sau khi được thực hiện đúng quy trình và đúng công thức
đã giữ nguyên màu sắc và mềm mại, nền nã như những bông hoa tươi được
trồng trong tự nhiên.
Hơn 3.000 bông hoa hồng đầu tiên của ông được ướp thành công nhanh
chóng được nhân dân trong và ngoài tỉnh biết đến thông qua báo chí, các
Đài PT- TH. Từ việc ướp thành công hoa hồng, ông Hoá tiếp tục thử nghiệm
và ướp thành công 16 loài hoa khác nhau như: cẩm chướng, đồng tiền, sa
lem, bi bi, cẩm tú cầu, cúc ngàn sao, sứ, hồng sa mạc... và các loại lá,
quả khác để làm phụ kiện trang trí....
"Phù thuỷ" đổi màu sắc hoa hồng
Từ thành công với công nghệ ướp giữ nguyên màu sắc các loài hoa để "lưu
giữ hồn hoa”, ông Hoá còn được mệnh danh là "phù thuỷ" trong việc
nghiên cứu, thử nhiệm thành công và cho ra đời hàng chục màu sắc khác
nhau của một loài hoa nguyên bản. Đặc biệt, đối với hoa hồng, từ 5 màu
sắc nguyên thể có trong tự nhiên, đến nay "Phù thuỷ" Nguyễn Công Hoá đã
"hoá phép” thành công một bộ hoa tươi ướp khô với 42 màu sắc mới rất đẹp
và độc đáo mà bất cứ ai được chiêm ngưỡng không khỏi ngất ngây như: Hoa
hồng màu đen, màu tím, màu Chocola, màu xanh (gồm: xanh đen, xanh lục,
xanh lá chuối non, xanh lơ...). Đặc biệt, hoa hồng màu đen kỳ bí chỉ có
trong truyền thuyết qua bàn tay người nông dân này đã hiện hữu trước con
mắt thán phục của nhiều người!...
Theo giá cả thị trường, hiện nay mỗi bông hoa hồng tươi ướp khô được
bán 16.000 đồng, nếu xuất khẩu ra nước ngoài giá từ 2 - 2,5 USD/bông.
Điều đáng nói là hoa tươi ướp có nhiều màu sắc mới lạ, rất đẹp và có độ
bên rất lâu, có thể giữ được màu sắc từ 5 - 10 năm hoặc lâu hơn. Ông Hoá
cho biết, hiện đã có 11 cửa hàng trong nước thường xuyên đặt mua hoa
tươi ướp của ông và hoa ướp của ông đã xuất sang các nước Nhật, Anh,
Pháp, Hàn Quốc... Các sản phẩm hoa tươi ướp này đã phục vụ cho công nghệ
trang trí các bình hoa, lẵng hoa, tranh hoa... (bằng hoa tươi ướp) được
rất nhiều người có thú chơi tao nhã yêu thích. Ngoài tài ướp hoa, biến
đổi màu hoa hồng và các loài hoa khác nhau, ông Hoá còn phối hợp với
cộng sự sáng tạo hàng trăm tranh hoa, giá bán từ vài triệu đến hàng chục
triệu đồng/bức. Công nghệ này đã mở ra hướng kinh doanh sản phẩm mới
đang "hút hàng”, tăng thu nhập cho gia đình ông Hóa và cho nhiều người
trồng hoa Đà Lạt...
Ngoài sản phẩm hoa tươi ướp bằng hoá chất, cuối năm 2011, nghệ nhân
Nguyễn Công Hoá còn nghiên cứu, thử nghiệm thành công kỹ thuật làm đột
biến sắc tố của hoa hồng ngay khi hoa đang được trồng trong vườn. Nghĩa
là, trên mỗi cành có bông hồng đang nở, ông bơm hoá chất vào và xử lý
bằng kỹ thuật làm cho màu sắc bông hoa biến đổi theo ý muốn, tạo ra trên
từng cánh hoa (của một bông hoa) những đường viền, hoa vân, màu sắc rất
đẹp, lạ mắt (cành hoa vẫn xanh tươi). Kết quả nghiên cứu mới này đã
được ông Hóa công bố và đang làm hồ sơ đề nghị công nhận quyền sở hữu
trí tuệ....
Chỉ học hết lớp 12, không có chuyên môn gì về hoá, sinh nhưng đã nghiên
cứu, sáng tạo thành công kỹ thuật hoa tươi ướp độc đáo khiến giới khoa
học trong nước phải kinh ngạc, năm 2010 nông dân Nguyễn Công Hoá được
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao giấy công nhận: "Người Việt Nam đầu
tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài.”.
Và, 1.000 đoá hoa hồng ướp của ông Hoá được dùng để trang trí bức tranh
sơn dầu khổ lớn (dài 2,4m, cao 1,75m) mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm
Thăng Long - Hà Nội được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận "Bức
tranh hoa tươi lớn nhất, có số lượng hoa nhiều nhất...”
THANH HỒNG(Nguồn daidoanket.vn)