Tin tức nổi bật
Tranh Đông Hồ và nỗi niềm của người giữ gìn di sản
(Ngày đăng: 12/03/2013   Lượt xem: 1310)
Mới đây, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ VHTT&DL  đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và hiện tại, UBND tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục làm hồ sơ đề cử tranh dân gian Đông Hồ tới UNESCO để được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Tuy nhiên, những ghi nhận tại Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã cho thấy người có công làm sống lại một dòng tranh  đang chứa chất  tâm tư



Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu tranh Đông Hồ tới khách tham quan


Hút khách du lịch bằng tranh Đông Hồ

Vượt qua chặng đường gần 40 cây số, chúng tôi có mặt tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đến làng Đông Hồ hôm nay, người ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển hiệu: "bán vàng mã” hay”nhận đặt xe máy”, "chuyên ôtô”… Những tấm biển này cho thấy, nghề hàng mã đang rất thịnh ở làng tranh nổi tiếng này. Hiện nay, cả làng có gần 400 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, thì có hơn 90% số các hộ sản xuất và buôn bán vàng mã. Cả làng Đông Hồ, ngoài gia đình ông Chế, chỉ còn có hai gia đình khác theo nghề làm tranh. 

Bằng tình yêu của mình và cũng bắt nguồn từ ý tưởng phát triển dòng tranh này, ông Chế đã thành lập "Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ” ngay chính mảnh đất đã sản sinh ra dòng tranh dân gian Đông Hồ. Trung tâm vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi sản xuất và giới thiệu hơn 180 loại tranh khác nhau. Nằm bên dưới chân đê con sông Đuống hiền hòa, ra đời và hoạt động gần 6 năm với mục đích là nơi lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian quý báu đồng thời là "sân chơi” giàu bản sắc văn hóa cho các thế hệ sau, Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn khách du lịch trên mọi miền đất nước.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chế chia sẻ, Trung tâm là công trình được hoàn thành năm 2007 với diện tích 2.000m2, kiến trúc mang đậm phong cách Việt với nhà ngói, cột gỗ, sân gạch Bát Tràng bao gồm khu trưng bày, khu sản xuất tranh, sân gạch, vườn, ao... Những ngày công tác ở Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, trực tiếp biên tập những tập tranh Đông Hồ, ông đã có ý thức sưu tầm, bảo tồn và sáng tác tranh. Mỗi dịp về quê ông lại đi tìm những bản khắc cổ. Vì thế hiện nay, ngoài bản khắc cổ gia truyền, ông có trong tay hàng trăm bản khắc được sưu tầm trong làng. Đây chính là gia tài khổng lồ, là cơ sở để tin rằng tranh Đông Hồ không bị thất truyền.

Mong muốn giữ tên làng

Hiện nay, gia đình ông Chế vẫn giữ các công đoạn làm tranh truyền thống. Tính đến thời điểm này, ông đang là chủ nhân của 100 bộ ván khắc có tuổi đời từ 50-100 năm. Bộ ván cổ nhất có tuổi thọ hơn 400 năm, do cụ tổ 9 đời nhà ông để lại. Những bộ ván khắc ấy được ông Chế bày trang trọng trong tủ kính, vì theo ông, giữ bản khắc chính là giữ lấy nghề. Cũng tại Trung tâm, ông đang trưng bày khoảng 200 bức tranh Đông Hồ các loại và là nơi lưu giữ gần 1.000 bản khắc, khuôn tranh do ông và gia đình sưu tầm được trong hàng chục năm qua. 

Năm 2011, mong muốn mọi người hiểu biết về giá trị của tranh nên ông Chế đã dày công biên soạn cuốn sách "Tranh dân gian Đông Hồ” với 300 trang, giới thiệu 180 bản khắc, xuất bản bằng song ngữ Anh - Việt với mục đích giới thiệu những giá trị đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Ông bảo: "Sách xuất bản 500 cuốn bán hết veo, bao giờ có điều kiện, tôi mong nó được tái bản để du khách tìm đến và hiểu về tranh Đông Hồ hơn”.

Dẫu vậy,  việc bảo tồn và phát triển dòng tranh Đông Hồ còn gặp không ít khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, việc tìm đầu ra cho dòng tranh này rất khó. Được biết, xã Song Hồ đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Thuận Thành và tỉnh Bắc Ninh mở các lớp dạy nghề làm tranh trên giấy dó, dạy chữ Hán nhằm lưu giữ, bảo tồn các dòng tranh dân gian nhưng vẫn rất ít người tham gia, vì họ cho rằng, đi học cũng không mang lại lợi ích gì. Điều đáng nói là ông Chế rất buồn khi tên làng ( thôn) bị thay đổi, sau khi sát nhập hai xã Đông Hồ và Tú Khê thôn Đông Hồ có tên là Đông Khê. Mong muốn lấy lại tên làng, ông Chế đã nhiều lần làm đơn kiến nghị các ban ngành để giữ lại tên cũ song đến nay, đã qua mấy năm, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Trong sâu thẳm đáy lòng, Ông Chế trăn trở: "Làng Đông Hồ đã có lịch sử làng nghề hơn 500 năm, cớ sao lại thay đổi tên. Hãy trả lại tên cho làng , có thế tranh dân gian Đông Hồ mới được giữ gìn”.

Ông Chế cũng băn khoăn lắm, bởi dù  UBND huyện Thuận Thành phối hợp xây dựng Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ, nhưng hiện tại những nỗ lực bảo tồn di sản dường như vẫn chủ yếu phó thác cho các nghệ nhân…Một mình ông làm thì không xuể, do đó ông mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, giá trị của việc gìn giữ những giá trị vượt thời gian của một dòng tranh quý.
                                                                                                Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

33
Đang xem:
72.472.627
Tổng truy cập: