Thổi bùng ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống
Tại buôn Treng (xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk), có một người đàn ông luôn trăn trở về việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng – di sản quý giá của dân tộc Gia Rai. Người đàn ông đó chính là anh Kpă Y Chua (SN 1980) Trưởng buôn Treng.
Vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, nhiều năm qua, anh âm thầm truyền lửa đam mê văn hóa cồng chiêng đến từng thành viên trong cộng đồng. Bằng tâm huyết của mình, anh đã khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc trong lòng mọi người nơi đây.
Tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền trìu mến, anh Y Chua chia sẻ những kỷ niệm từ thuở nhỏ, khi tiếng chiêng Arap cổ vang lên trong các lễ hội của buôn. Từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và người già, tiếng chiêng đã thổi bùng lên không khí ấm cúng, sôi nổi trong những dịp lễ quan trọng như lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng sức khỏe...
Trưởng buôn Kpă Y Chua (người thứ 2 từ trái qua đang cầm cần rượu) luôn hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong buôn.
Âm thanh huyền bí của những chiếc chiêng cổ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình anh và nhiều đồng bào dân tộc Gia Rai ở buôn Treng. Lớn lên, anh vẫn theo đuổi niềm đam mê cồng chiêng, âm thầm theo các bậc tiền bối trong buôn để học hỏi cách đánh và diễn tấu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, áp lực từ cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều người dân trong buôn dần lãng quên tiếng chiêng và bán đi những chiếc chiêng quý giá mà không một chút thương xót. Đối diện với nỗi lo văn hóa cồng chiêng mai một, anh Kpă Y Chua quyết tâm bảo tồn những nét đẹp truyền thống của cha ông.
Năm 2016, anh bắt đầu vận động, kêu gọi những người có cùng sở thích tham gia vào công cuộc gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Để có nguồn kinh phí cho các hoạt động, anh và bà con trong buôn đã thuê hơn 1ha đất để trồng bắp và hoa màu, gây dựng quỹ để mua một bộ chiêng Arap cải tiến phục vụ cho việc tập đánh.
Đội cồng chiêng và múa xoang buôn Treng tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện.
Thời gian đầu, việc tập hợp mọi người và luyện tập đánh cồng chiêng gặp không ít khó khăn. Anh Y Chua trăn trở: "Mọi người đã không còn sử dụng chiêng trong nhiều năm, thậm chí quên cả cách đánh. Không ít người tham gia chỉ được vài hôm rồi bỏ cuộc giữa chừng. Thậm chí, có người phản đối, cho rằng việc tập hợp đánh chiêng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, lao động hàng ngày của các gia đình. Họ còn nói rằng, tôi lo chuyện bao đồng, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Bỏ ngoài tai những lời bàn tán xung quanh, anh Y Chua thường tranh thủ thời gian vào buổi tối, những đêm trăng, nhờ các bậc tiền bối trong buôn đến hướng dẫn cách đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Cuối cùng, những nỗ lực của anh cũng được đền đáp.
Năm 2017, đội chiêng của buôn Treng chính thức được thành lập với khoảng 20 thành viên. Đến nay, đội chiêng đã phát triển lên 30 người, trong đó người lớn tuổi nhất đã 73 tuổi. Năm 2023, anh Y Chua tiếp tục thành lập thêm một đội chiêng trẻ với khoảng 30 thành viên, bao gồm cả những cháu nhỏ chỉ mới 10 tuổi.
Tuy nhiên, việc dạy đánh chiêng cho các cháu nhỏ không mấy dễ dàng. Anh Y Chua lý giải: "Hàng ngày, các cháu vẫn phải đi học và lao động giúp đỡ gia đình. Không còn cách nào khác, tôi phải trực tiếp đến từng nhà để nắm lịch học cụ thể của từng cháu.
Sau đó, tôi lập danh sách và cân đối thời gian dạy cho các cháu cách đánh chiêng mà không ảnh hưởng đến việc học hay phụ giúp việc nhà cho bố mẹ. Đến nay, các thành viên trong đội chiêng trẻ đã cơ bản đánh được nhiều bài đơn giản. Đó là điều khiến tôi vui nhất".
Không dừng lại ở việc tập luyện, mỗi khi trong buôn tổ chức các lễ cúng, anh Y Chua lại tích cực vận động mọi người đến xem và trải nghiệm. Qua đó, nhằm khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Tại những buổi lễ này, người dân sẽ được lắng nghe các nghệ nhân hát những bài hát cổ và có cơ hội thẩm thấu từng âm điệu của chiêng. Những trải nghiệm này đã tác động tích cực đến niềm đam mê văn hóa truyền thống của các cháu nhỏ trong buôn. Không ít cháu đã tự nguyện đăng ký tham gia đội cồng chiêng của buôn Treng, góp phần làm sống dậy âm thanh của di sản văn hóa quý báu.
Đưa tiếng chiêng vang xa
Không chỉ trình diễn tại buôn làng, đội chiêng của buôn Treng còn đại diện cho huyện Ea H’leo tham gia nhiều hội thi, liên hoan văn hóa cồng chiêng trong và ngoài tỉnh, đạt được nhiều thành tích xuất sắc.
Điển hình, tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk năm 2020, đội đạt giải Nhất toàn đoàn; tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk năm 2022, đạt giải Nhì toàn đoàn; và tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk năm năm 2024, đạt giải Ba toàn đoàn cùng giải A cho tiết mục.
Anh Y Chua chia sẻ: "Việc tham gia các sự kiện liên hoan văn hóa đã giúp chúng tôi có cơ hội học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhằm hoàn thiện hơn trong việc đánh chiêng và tổ chức đội hình đẹp hơn. Đây cũng là cơ hội để giao lưu văn hóa với các dân tộc khác.
Đặc biệt, việc tham gia các sự kiện đã giúp chúng tôi có thêm động lực và truyền thêm lửa đam mê để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông".
Thông tin từ anh Y Cheng cho biết, hiện nay, toàn buôn Treng có nhiều bộ chiêng quý, từ chiêng Arap cổ, Arap cải tiến đến chiêng nhâm. Trong đó, bộ chiêng Arap cổ gồm 11 chiếc, bộ Arap cải tiến có 28 chiếc và bộ chiêng nhâm có 7 chiếc. Những nhạc cụ này không chỉ là tài sản văn hóa quý báu mà còn là niềm tự hào của người dân buôn Treng, nơi âm thanh của cồng chiêng tiếp tục vang vọng trong từng nhịp sống.
Ngoài việc bảo tồn chiêng, thời gian qua, anh Y Chua còn gìn giữ, bảo tồn nhiều ché cổ. Anh luôn dành dụm tiền bạc và bán những tài sản quý giá của gia đình để tìm mua ché cổ. Đến nay, anh đang sở hữu hơn 10 chiếc ché cổ và thường được sử dụng trong các lễ lớn của buôn.
Nhờ những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của anh Trưởng buôn Y Chua, người dân buôn Treng ngày càng hiểu rõ hơn giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống của người Gia Rai. Mỗi khi có lễ hội hoặc gia đình nào có chuyện vui buồn, đội chiêng Treng đều được mời đến biểu diễn.
Không chỉ góp mặt trong các sự kiện trong buôn, đội chiêng buôn Treng còn tham gia nhiều hội thi, hội diễn khác như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea H’Leo năm 2008; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ea H’Leo năm 2013; Lễ hội đường phố và đêm diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tại Tp.Buôn Ma Thuột; Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa – Du lịch Việt Nam vào năm 2022; biểu diễn phục vụ du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk...
Năm 2023, Đội cồng chiêng và múa xoang buôn Treng đã được UBND huyện Ea H’Leo công nhận là Câu lạc bộ Cồng chiêng và Múa xoang buôn Treng, anh Y Chua giữ vai trò Chủ nhiệm.
Mỗi tuần, vào tối thứ Năm và Chủ nhật, anh lại tổ chức các buổi thảo luận và tự hướng dẫn cho các thành viên trong câu lạc bộ nhằm nâng cao kỹ năng đánh chiêng và múa xoang. Đồng thời, anh cũng phối hợp với Trường THCS Chu Văn An (xã Ea H’Leo) để trao đổi công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc Gia Rai cho học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa...
Bằng tình yêu và niềm đam mê văn hóa truyền thống, anh mong muốn chung tay gìn giữ âm vang cồng chiêng của đại ngàn mãi mãi với thời gian. Từ năm 2022-2024, anh Y Chua đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen chính quyền các cấp, ngành vì có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, truyền dạy kỹ năng đánh chính Arap truyền thống cho học sinh, thiếu nhi...
Ông Nguyễn Huy Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea H’Leo cho biết, nghệ nhân Kpă Y Chua (hay còn gọi là Ama Khang) là một trong những cá nhân có đóng góp nổi bật trong phong trào phát huy và bảo tồn văn hóa, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng tại địa phương. Xuất phát từ trách nhiệm với cội nguồn dân tộc Gia Rai và niềm đam mê mãnh liệt với cồng chiêng, anh Y Chua đã dành nhiều công sức để học hỏi, sưu tầm và xây dựng đội cồng chiêng buôn Treng. Được sự hỗ trợ từ UBND huyện, anh đã cùng các thành viên trong đội tham gia nhiều chương trình, hội thi cấp tỉnh và khu vực Tây Nguyên, qua đó giới thiệu cồng chiêng đến bạn bè cả nước. Đặc biệt, anh còn tích cực tham gia các chương trình và nghị quyết của cấp trên về bảo tồn văn hóa, thường xuyên truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ. Với những đóng góp đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea H’Leo đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho anh Y Chua.