Tin tức nổi bật
(35)- Cháu gái ông tổ nghề thêu rua - ren Văn Lâm và 'hồi ức một làng nghề'
(Ngày đăng: 18/04/2024   Lượt xem: 27)

Những câu chuyện của bà Đinh Thị Nhi, truyền nhân đời thứ 2 của ông tổ nghề thêu rua - ren ở Văn Lâm (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) đưa chúng tôi lạc bước vào phường thêu nức tiếng một thời.
Bà Đinh Thị Nhi, truyền nhân đời thứ 2 của ông tổ nghề thêu rua-ren ở Văn Lâm.

Bà Đinh Thị Nhi, truyền nhân đời thứ 2 của ông tổ nghề thêu rua-ren ở Văn Lâm.

Căn nhà nhỏ của mẹ con bà Nhi nằm trong con ngõ vắng hiếm hoi ở cái phố mà người dân gọi là "phố không ngủ". Căn nhà hết sức đơn sơ, nội thất trang trí là hàng loạt bức tranh thêu do mẹ con bà làm và những khung thêu bày quanh nhà.

Cũng như bao người phụ nữ khác ở Văn Lâm, bà Đinh Thị Nhi vừa buông mái chèo chở du khách ở bến thuyền Tam Cốc về nhà đã vội vã ngồi xuống khung thêu để hoàn thành nốt sản phẩm khách đã đặt. Công việc nối tiếp công việc đối với người phụ nữ đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" cứ tưởng là vất vả, nhưng với bà là niềm vui, là sự tự hào về nghề mà bà và người dân nơi đây đã gắn bó cả cuộc đời.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ông tổ nghề rua - ren ở Văn Lâm, bà Nhi bỗng trầm ngâm, ánh mắt hoài niệm đọc cho chúng tôi nghe 4 câu thơ truyền miệng của người dân nơi đây ca ngợi về nghề thêu "Có anh thợ thêu nho nhỏ/Thắp ngọn đèn sáng tỏ hơn sao/Tay cầm kim như Triệu Tử múa đao/Chân vắt chéo như Khổng Minh xem sách".

Theo dòng những hồi ức bà Nhi kể lại, ngày ấy, ông nội của bà là nhà Nho nghèo Đinh Kim Tuyến sinh được 5 người con là Đinh Ngọc Hênh, Đinh Ngọc Xoang, Đinh Thị Hếnh, Đinh Ngọc Hiển, Đinh Ngọc Hoằng. Với tư tưởng "ruộng bề bề không bằng nghề trong tay", cụ Tuyến khi ấy đã bán ruộng, vườn đi cho hai con trai là ông Hênh, ông Xoang, lúc đó mới mười chín, đôi mươi ra Hà Đông học nâng cao nghề thêu ren ở nhà ông Hàn Tham.

Kỹ thuật rua - ren độc đáo chỉ có ở làng nghề thêu Văn Lâm.

Hai anh em ông Hênh, ông Xoang vốn giỏi nghề thêu truyền thống từ làng, nên học nghề thêu ren mới rất nhanh và thêu rất đẹp. Sau khi thạo nghề, hai anh em ông Hênh và ông Xoang đã lên Hà Nội làm thuê cho bà Lê Thái Tỉnh - một bà chủ cửa hàng thêu lớn, nổi tiếng trên phố cổ Hà Nội, chuyên phục vụ khách Tây. Tại đây, hai ông tiếp tục phụ việc và học thêm các kĩ thuật thêu rua - ren mới từ các thợ thêu Hà Thành. Thấy hai anh em ông Hênh và ông Xoang thông minh, khéo tay nên bà Thái Tỉnh rất quý, giao cho các đơn hàng quan trọng của các ông chủ thầu lớn chuyên làm hàng cho Pháp thời bấy giờ.

Một thời gian sau, được sự ủng hộ, giúp đỡ của bà Thái Tỉnh, hai anh em ông Hênh, ông Xoang về làng đem tất cả những kĩ thuật thêu ren mới học được hướng dẫn cho các thợ thêu lành nghề, có tay nghề cao trong làng để thực hiện gấp rút các đơn hàng lớn. Sau đó, những người được hướng dẫn kĩ thuật thêu ren mới lại về nhà truyền dạy cho các thành viên trong gia đình, họ hàng của mình. Không lâu sau, đội ngũ thợ thêu truyền thống đã thành thạo kĩ thuật rua - ren mới với chất lượng sản phẩm tốt.

Đặc biệt, với đôi bàn tay và sức sáng tạo, anh em ông Hênh, Xoang và đội ngũ thợ thêu ren lành nghề còn tạo ra các mẫu thêu pha hoa rua, ren hoàn toàn mới lạ - những mẫu thêu này là sự kết hợp giữa kĩ thuật thêu truyền thống với kĩ thuật rua - ren phương Tây. Để tưởng nhớ, tri ân công lao của hai anh em cụ Hênh, cụ Xoang, ngày nay nhân dân làng Văn Lâm đã lập một ngôi miếu để thờ phụng ông tổ nghề thêu Việt Nam và hai ông. Dân làng cũng tôn vinh ông Hênh, Xoang là ông tổ của nghề ren- rua ở Văn Lâm, người có công đưa nghề thêu ren Văn Lâm ghi danh trên bản đồ thêu rua - ren ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Nghề thêu rua - ren và truyền thống của vùng đất Văn Lâm đã tạo dựng cho con người nơi đây nhiều đức tính, phẩm chất quý báu, tốt đẹp như cần cù, chịu thương chịu khó, sáng tạo, gu thẩm mỹ cao, ăn ở gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp, chỉn chu... Và cũng chính nghề thêu ren đã góp phần hình thành các quy chuẩn thẩm mỹ, đạo đức trong đời sống xã hội của cộng đồng, thêm vào đó là sự giao thoa, tiếp thu, tiếp biến văn hóa Châu Âu của văn hóa Việt Nam nói chung, sự giao thoa giữa nghệ thuật thêu phương Đông với nghệ thuật rua ren phương Tây.

Bà Nhi cho rằng: Mặc dù họa tiết trên các sản phẩm thêu ren- rua của Văn Lâm là hình ảnh quen thuộc của văn hóa nghệ thuật Việt Nam các loại hoa dân dã như hoa chanh, hoa dâu, hoa thị; cuộc sống thường ngày như cấy lúa, gặt lúa, chăn trâu cắt cỏ… nhưng mang trong mình giá trị văn hóa nghệ thuật vượt thời gian và không gian. Chính vì vậy, các sản phẩm thêu rua, ren của người thợ Văn Lâm không chỉ nổi tiếng ở Pháp mà đã có mặt ở khắp các nước châu Âu và Châu Á.

Làng nghề nào cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng đối với làng nghề thêu Văn Lâm, thời kỳ hưng thịnh cả làng như một công xưởng, nhà nhà làm nghề, người người làm nghề. Trẻ em, thanh niên ngoài giờ đồng áng, học tập là lại chong đèn làm thêu. Bà Nhi nhớ lại, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, làng nghề phát triển, cứ khoảng 10 ngày thì tốp thanh niên 10-20 người đạp xe ra Nam Định, Hải Phòng để lấy vải, chỉ về làm và trả hàng xuất khẩu.

Cuộc sống nhộn nhịp, sôi động, no đủ nên người Văn Lâm hầu như ít đi làm ăn xa. Thợ thêu Văn Lâm ngày ấy có giá, được mời đón đi truyền nghề khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh...

Các sản phẩm thêu được xuất khẩu sang phương Tây không chỉ giúp người dân tiếp cận nên văn minh phương Tây mà còn đưa những người khách du lịch từ phương Tây về Văn Lâm. Có thể nói những yếu tố đó vô tình đã tạo nên những nét ký họa đầu tiên về du lịch ở Ninh Bình.

Không gian làng xóm bình yên với hình ảnh người thợ miệt mài bên khung thêu đã trở thành hình ảnh đẹp đẽ, quen thuộc với người dân nơi đây. Bởi thế mà bà kể rằng "nhiều năm sau này, có một vị khách Pháp khi quay lại trở lại Tam Cốc đã mải mê đi tìm hình ảnh cô lái đò ngồi thêu ở bến thuyền Đình Các. Và người hướng dẫn viên du lịch cho đoàn đã tìm bằng được bà để giới thiệu cho vị khách đó" bà kể lại.

Chính những hồi ức về làng nghề và sự gắn bó cả cuộc đời với nghề thêu đã tiếp cho bà Nhi cũng như những người làng Văn Lâm thêm sức mạnh để giữ lửa nghề. Mặc dù là truyền nhân đời thứ 2 của ông tổ nghề thêu ren- rua ở Văn Lâm nhưng gia đình bà Nhi tất cả chỉ làm "thợ thêu" chứ không ai làm "ông chủ", mọi người thể hiện tình yêu nghề theo cách của mình "công việc làm thêu thu nhập không cao nhưng từ khi lên 5 lên 7 đến bây giờ chưa ngày nào tôi ngừng tay kim, kể cả khi ốm. Bây giờ tuổi cao, mắt kém chỉ mong có lớp trẻ đến học hỏi nghề để chúng tôi được truyền lại".

Rời ngôi nhà nhỏ bình yên của bà Nhi, tôi lại bước ra phố Tây ồn ào ở Tam Cốc. Lắng đọng lại trong tôi là những lát cắt, những hồi ức không liền mạch về một làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi và tình yêu nghề vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng người dân Văn Lâm. Mong rằng, ngọn lửa ấy sẽ có những tác nhân để được sáng mãi và là niềm tự hào của miền di sản Cố đô.

                                          Theo: baoninhbinh.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.485.046
Tổng truy cập: