Tin tức nổi bật
Khoa học và công nghệ với việc phát triển bền vững làng nghề Việt Nam
(Ngày đăng: 16/02/2011   Lượt xem: 947)
Hiện nay, nước ta có khoảng 2.790 làng nghề, thu hút 1,42 triệu hộ gia đình tham gia, với khoảng 1,35 triệu lao động chính và hàng triệu lao động phụ trong lúc nông nhàn, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của cư dân nông thôn . Sự phát triển của làng nghề góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Tại nhiều làng nghề, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ đạt từ 60% - 80% và ngành nông nghiệp chỉ đạt 20% - 40%. 

Những thay đổi trong xu thế hội nhập kinh tế vừa mang lại những thuận lợi vừa tạo ra thách thức đối với các làng nghề trong quá trình phát triển. Mở cửa, hội nhập, các làng nghề có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với khách nước ngoài . Theo thống kê, hiện hàng hóa của các làng nghề nước ta như thủ công mỹ nghệ, thêu ren, gốm sứ... đã có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu như năm 2004, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 450 triệu USD, thì năm 2008 đã tăng lên hơn 776 triệu USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong tháng 4/2009, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt được gần 14,07 triệu USD . Tính chung 4 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 58,30 triệu USD, tuy có giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại tăng 23,3% so với kế hoạch năm đề ra. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ dự kiến phải đạt 1,5 tỷ USD. 

Cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển. Các làng nghề truyền thống không chỉ mang ý nghĩa là giữ gìn nét văn hoá truyền thống dân tộc, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống . Việc phát triển làng nghề vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc vừa nâng cao đời sống của cư dân nông thôn . Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được hết những lợi ích của các làng nghề ở Việt Nam và để làng nghề Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững? 

Cần phải có khoa học và công nghệ

Nhấn mạnh đến vai trò của KH&CN trong việc phát triển làng nghề ở Việt Nam, ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam khẳng định, KH&CN là rất cần thiết, “cần phải thấy rằng, làng nghề rất cần có sự kết hợp của khoa học công nghệ hiện đại với khoa học truyền thống để có thể phát triển bền vững”. Trong các ngành nghề thủ công như việc sản xuất gốm, việc chuyển từ khi đốt bằng than củi, chuyển sang than đá và đến hiện nay là ga đã giúp đẩy nhanh tiến độ công việc, giảm tải sức lao động đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm . Đối với đồ gỗ cũng vậy, công nghệ cũ phần lớn sản xuất theo thủ công, với việc ứng dụng tiến bộ KHCN, người ta đã kết hợp với máy móc, cơ khí để nâng cao năng suất và tận dụng được nhiều hơn các loại vật liệu . Cành cây, gốc cây, mùn cưa đều có thể đưa vào để tạo thành tạo thành các sản phẩm... Sự tiến bộ của KH&CN đã góp phần giúp sản phẩm của làng nghề được đứng vững và phát triển bền vững trên thị trường. Theo đó, người nghệ nhân luôn tranh thủ tiến bộ công nghệ để áp dụng trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình.


Trên thực tế, việc kết hợp tay nghề người thợ thủ công việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, các sản phẩm thủ công Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại, bền đẹp được nhiều người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Tiêu biểu như với gốm bát Tràng, nhờ có sự ứng dụng công nghệ sản xuất mới đã đưa sản phẩm gốm Bát Tràng từ dạng thủ công thuần tuý tới dạng sản phẩm kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại. Các công đoạn trong công nghệ về lò nung, việc phân loại đất... được ứng dụng, tận dụng đưa vào tạo ra những sản phẩm “tinh”, giúp tạo ra các loại hoa văn đẹp hơn, tinh xảo hơn . Hay với tranh sơn mài, đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài riêng. Hiện nay, kỹ thuật này đã được kết hợp sử dụng với nguyên liệu là sơn Nhật Bản và tạo ra một sản phẩm mới ở một kỹ năng bền hơn, đẹp hơn, được ưa chuộng tại nhiều nước . Việc ứng dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất và chất lượng một số mặt hàng xuất khẩu, trong đó mây tre đan là mặt hàng chủ lực, cũng đã được triển khai thực hiện ở làng nghề sản xuất mây tre đan.  

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất thì việc ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề, quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm... cũng rất quan trọng và cần có sự quan tâm đúng mức. Như thế, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ phát triển bền vững làng nghề truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu và thực hiện . Theo ông Lưu Duy Dần việc “hiện đại hóa công nghệ truyền thống, truyền thống hóa công nghệ hiện đại là điều cần thiết. Hai yếu tố đó gặp nhau sẽ tạo ra sản phẩm tinh, có thể giúp sản phẩm của chúng ta bắt nhịp, hòa nhập được với quốc tế và khu vực”.

Những vướng mắc...



Quá trình triển khai các ứng dụng KH&CN cho các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn như vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho làng nghề, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao để có thể tiếp cận với các lĩnh vực KHCN mới, hay sự quan tâm của nhà nước, các nhà khoa học đối với các làng nghề...

Hiện nay, có không ít làng nghề bị mai một theo thời gian. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm, khuyến khích và có những chính sách ưu đãi đối với làng nghề truyền thống . Nhưng thực tế, việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống thời gian qua ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều làng nghề truyền thống còn hạn chế trong việc đầu tư cải tiến công nghệ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chưa có định hướng lâu dài trong phát triển. Trong khi đó, việc đầu tư cho các làng nghề truyền thống thời gian qua chưa được các ngành, các cấp chú ý . Theo đánh giá của các ngành chức năng, trình độ lao động trong các làng nghề truyền thống hiện nay còn thấp, hầu hết chưa được đào tạo, chỉ thông qua hình thức “cha truyền con nối”, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ người đi trước, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Vì thế chủng loại, mẫu mã được sản xuất từ các làng truyền thống chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Lưu Duy Dần cho biết, điều khó khăn hiện nay đối với các làng nghề ở nước ta đó là sự phân tán của các làng nghề và làm thế nào công nghệ phải bám sát thực tế để người dân có thể nhận thức và áp dụng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề thương mại điện tử nhằm đẩy nhanh, bắt cuộc nhanh, hòa nhập được với quốc tế và khu vực cũng là vấn đề rất cần thiết đối với việc phát triển các làng nghề . Các chính sách quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà nước, với những giải pháp tích cực, bám sát với thực tế đời sống nông thôn cũng là một vấn đề cần giải quyết triệt để. 

Hướng phát triển làng nghề Việt Nam

Để khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải tiến tới sản xuất bền vững cả về sản lượng, chất lượng sản phẩm. Làm được điều đó, cần phải xem làng nghề truyền thống là một bộ phận chính trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không nên xem đây là một nền kinh tế phụ để giải quyết những lao động nhàn rỗi ở những vùng nông thôn . Theo đó, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch các làng nghề truyền thống phù hợp với điều kiện của từng vùng để tạo thu nhập cho người lao động, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa đặc thù của các địa phương…


Cần phải thực hiện các hoạt động cụ thể như kêu gọi sự tham gia của người dân cũng như các tổ chức kinh tế xã hội nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của các làng nghề; mở các khóa đào tạo về kỹ năng, các hội thảo chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm; thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả các dự ứng dụng: chọn lựa lĩnh vực phù hợp để ứng dụng; chuyển giao KHCN cho người dân ; tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ môi trường; khuyến khích các làng nghề, cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống xử lý nước thải… trước khi thải ra môi trường; quy hoạch các khu, cụm làng nghề; đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư… 

Theo ông Lưu Duy Dần, để KH&CN thực sự phát huy hiệu quả, các nghiên cứu khoa học cần phải bám sát yêu cầu của thực thực trạng các làng nghề và làng nghề phải tận dụng tối đa khả năng công nghệ có sẵn của địa phương, ứng dụng phù hợp các tiến bộ KHCN. Ông nhấn mạnh “đã đến lúc, nhà nước và cụ thể là các bộ ngành liên quan, cần phải có những chính sách quan tâm, hỗ trợ cụ thể thành một hướng như chỉ thị của các ban ngành, của trung ương đối với các nhà khoa học, các làng nghề, để việc bảo tồn và phát triển làng nghề được quan tâm một cách toàn diện hơn nữa. 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.471.221
Tổng truy cập: