Tin tức nổi bật
Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống – rất cần một hệ thống chính sách đồng bộ của Nhà nước
(Ngày đăng: 25/10/2012   Lượt xem: 2090)

(Langnghevietnam) –Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống – rất cần một hệ thống chính sách đồng bộ của Nhà nước” của TS. Tôn Gia Hoá – Phó Chủ tịch Hiệp hội LNVNVN.

ton gia hoa.jpg

TS. Tôn Gia Hoá – Phó Chủ tịch Hiệp hội LNVNVN

Căn cứ vào quy định của Nhà nước thì một nghề được công nhận là “Nghề truyền thống” phải đạt được 3 tiêu chí:

-        Nghề đã xuất hiện ở địa phương từ trên 50 năm;

-        Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc;

-        Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của Làng nghề.

Những quy định cụ thể và có tính định lượng này đã chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước tới các nghề truyền thống. Đây cũng là những cơ sở để điều chỉnh các chính sách mọi mặt tác động đến “Nghề truyền thống” và dĩ nhiên từ đó tác động trực tiếp đến các sản phẩm truyền thống.

Đánh giá đúng đắn vai trò của các nghề truyền thống nên trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nhà nước cũng đã quy định cần thực hiện nội dung: “ Bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng mỗi làng một sản phẩm”.

Những định hướng cơ bản của Chính sách có thể đã tương đối đầy đủ cho các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương vận dụng với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Có thể đánh giá đây là thuận lợi rất lớn và thực tế, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, đến năm 2001 đã có 1.324 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (Trong tổng số 4.575 làng có nghề trong cả nước) Tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn chỉ mới theo báo cáo của 30 tỉnh, thành phố năm 2010 đã đạt 78.195 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ tham gia Ngành nghề nông thôn cũng phát triển, đặc biệt là Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Nam Định…

Những con số trên phần nào thể hiện sự tác động của chính sách đối với phát triển các loại hình ngành nghề ở nông thôn, tất nhiên trong đó một bộ phận quan trọng là các nghề truyền thống. Mặc dù vậy, với những đặc thù riêng biệt, nhiều nghề truyền thống đang chịu những tác động tiêu cực, rất khó chống đỡ, thậm chí có những nghề đã bị thất truyền hoặc đứng trước nguy cơ bị thất truyền nếu không có một động thái hỗ trợ đặc biệt.

Các làng đúc đồng Ngũ Xã, giấy Yên Thái, cốm làng Vòng, hương Yên Phụ, gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống... những tên nghề, tên làng đã một thời là niềm tự hào riêng của người Hà thành. Nhưng đến nay, nghề còn, nghề mất, nghề đang bị cơ chế thị trường cuốn vào một cơn lốc mới...

Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) nổi tiếng, giờ chủ yếu làm đồ Vàng mã, Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào ở nhiều vùng dân tộc thiểu số cũng nơi còn, nơi mất…Nếu chúng ta làm một thống kê về những nghề truyền thống đã thất truyền hoặc đứng trước nguy cơ thất truyền thì chắc chắn đó là một con số dài và đáng lo ngại là con số sẽ không dừng lại ở đó.

Nguyên nhân khiến cho nhiều nghề truyền thống bị mai một có lẽ chính là do sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường với sự góp sức của khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Những nghề xưa, từng nuôi sống nhiều hộ gia đình trong những lúc “nông nhàn” không còn có cơ hội phát triển vì lực lượng lao động chính đang bị thu hút vào các khu công nghiệp mọc lên khắp làng quê. Nhu cầu sử dụng của con người cũng xa dần với những vật dụng bằng mây tre mộc mạc để đến với đồ nhựa, đồ điện tử có nhiều mẫu mã, hình thức tinh xảo, tiện dụng…

“Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống” là một hướng đi rất phù hợp mà Nhà nước cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay với định hướng rõ rệt, tuy nhiên cần phân biệt rõ những nghề nào cần “Bảo tồn” và nghề nào có thể “Phát triển”.

“Nghề truyền thống” vốn dĩ hình thành từ nhu cầu đời sống của người dân và đã trải qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Chính vì lý do đó mà Bảo tồn và phát triển nó cũng phải do chính nhu cầu của các nghệ nhân, cộng đồng làng nghề đó tự quyết định. Từ lý lẽ này mà xét thì Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vự này phải phù hợp với nguyện vọng của Người dân, đáp ứng được lợi ích thực sự của các nghệ nhân, thợ thủ công, những người “thổi hồn” cho các sản phẩm để tạo nên “Nghề truyền thống”.

Để bảo tồn hay phát triển một làng nghề truyền thống nào đó, không đơn giản là lo xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá… mà cốt lõi là phải làm cho sản phẩm làng nghề có chỗ đứng trên thị trường, có nghĩa là Người nghệ nhân phải sống được bằng nghề truyền thống như hàng trăm năm trước đây cha ông họ đã vì kiếm sống mà sản sinh ra nghề. Chính sách nhà nước nên lấy đối tượng chính là người thợ, để có thể giữ họ và con cái họ ở lại với nghề.

Thực tế đã chứng minh những khả năng bất tận của người thợ thủ công Việt Nam trông công cuộc bảo tồn nghệ nghiệp của cha ông. Những sản phẩm một thời tưởng chừng đã chôn vùi trong lớp bụi thời gian như trang phục, trang sức quý tộc Nguyễn, những nghi cụ bằng vàng bạc, đồng, giấy, vải, những tác phẩm khảm sành sứ, sơn mài, thếp vàng, gốm sứ, pháp lam…, trên thực tế, đã dần dần được phục chế thành công trong các di tích và bảo tàng. Những dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống…đến nay chỉ còn vài ba nghệ nhân theo đuổi nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc truyền thống xưa…, còn nhiều nghề truyền thống nữa đã và đang được bảo tồn một các có hiệu quả mà chính là nhờ tâm huyết của những nghệ nhân lành nghề.

Căn cứ vào 3 tiêu chí của một nghề truyền thống, chúng ta dễ dàng nhận thấy:

- Tiêu chí về thời gian thì bản thân mỗi nghề đã có, tác động của chính sách phải chăng chỉ là cơ sở để nghiên cứu, xác định thời điểm hình thành và giá trị lan tỏa của nó trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.

- Tiêu chí về việc sản phẩm phải mang bản sắc văn hóa dân tộc, có lẽ đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Theo tôi Chính sách của Nhà nước nên hướng tới đối tượng các nghệ nhân, những người sẽ làm cho sản phẩm của mình hoặc thể hiện được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, hoặc cũng chính họ sẽ làm mất đi bản sắc đó. Trong bối cảnh có nhiều tác động, các sản phẩm truyền thống dễ bị pha tạp, xa dần những giá trị vốn có để đáp ứng những thị hiếu nhất thời. Việc truyền nghề có lúc bị gián đoạn, nghệ nhân không trực tiếp tiếp thu từ cha ông mình mà chỉ theo xu hướng thị trường. Đây chính là chỗ mà chính sách Nhà nước cần tác động, khôi phục truyền thống truyền nghề trong mỗi gia đình Nghệ nhân Nghề truyền thống, đối xử với các nghệ nhân lành nghề như những nhà giáo, nhà sư phạm…và người học nghề cũng được hưởng những chế độ như học sinh, sinh viên ở các trường dạy nghề. Thiết nghĩ đây không phải là một đòi hỏi quá đáng trong bối cảnh những nghề truyền thống chính là bản sắc văn hóa của dân tộc cần phải gìn giữ cũng như những sáng tác văn học hay các tác phẩm kiến trúc đền chùa…

   -  Tiêu chí Nghề phải gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề. Nếu đã là một nghề truyền thống thì tiêu chí này dễ đạt được. Tuy nhiên đây cũng là một nguyên cớ để chúng ta nhắc đến một mảng chính sách khá quan trọng mà lâu nay rõ ràng là chưa được thực hiện tốt. “Vinh danh” các nghệ nhân ở tầm cỡ Quốc gia rõ ràng là việc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta có các danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân nhân dân” tương đương với các danh hiệu “Nghệ sỹ ưu tú”, “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”… thử hỏi đến nay chúng ta đã phong tặng được bao nhiêu Nghệ nhân ưu tú , nghệ nhân nhân dân (?) và con số đó có tương xứng với công lao của các nghệ nhân đã trải qua bao nhiêu thế hệ làm nghề tạo nên một bản sắc văn hóa Việt Nam như hiện nay(?). Thiết nghĩ đây không còn là vấn đề “chính sách” mà việc cần bàn lại là vấn đề “Thực hiện chính sách” như thế nào, việc này đòi hỏi một cái “TÂM” của người cầm chịch và cái “TẦM” của bộ máy quản lý.

Để nâng cao giá trị văn hóa-du lịch cho các làng nghề truyền thống Việt Nam thì việc Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống là công việc hết sức cần thiết. Chính sách của Nhà nước sẽ chỉ có hiệu quả thiết thực nếu tham gia giải quyết được những vấn đề cốt lõi với sự tham gia chủ động của các nghệ nhân, thợ thủ công.

TS. Tôn Gia Hoá – Phó Chủ tịch Hiệp hội LNVNVN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.521.274
Tổng truy cập: