Tin tức nổi bật
Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam - Thủ công mỹ nghệ
(Ngày đăng: 24/10/2012   Lượt xem: 4921)

(Langnghevietnam.vn) - Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận "Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam - Thủ công mỹ nghệ” của TS. NSND Phạm Thị Thành.

lang nghe 112233.jpg

TS. NSND Phạm Thị Thành với bài tham luận "Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam - Thủ công mỹ nghệ”

Khắp đất nước Việt Nam ta, từ Lũng Cú tới Cà Mau đâu đâu cũng có sản phẩm từ những bàn tay khéo léo làm ra rất độc đáo và đặc dụng, ví như chiếc khăn thổ cẩm của núi rừng phía bắc, chiếc bánh pía thơm ngậy mùi sầu riêng của các tỉnh tận cùng phía nam Tổ quốc (trước đây làm bằng tay), hoặc các bức tranh thêu tay của Đà Lạt, chai nước mắm nhỉ thơm ngon của ngư dân miền trung (đều được sản xuất bằng thủ công), có thể nói tất cả các tỉnh, các vùng, miền đều có đặc sản quý hiếm và không ngừng gia tăng các nghề thủ công mới như nghề vẽ tranh cát ở tỉnh Bình Thuận, nghề làm khoai dẻo (tức khoai lang luộc thái mỏng phơi khô) ở tỉnh Quảng Bình, nghề đan len (đan áo, mũ, khăn, găng tay, kể cả quần xịp để che của quí khi đi vào vùng quá lạnh), nghề làm con rối nước ở Hà Nội… vì vậy cả nước có đến hơn ba  ngàn làng nghề thủ công truyền thống.

lang nghe may tre dan.jpg

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan ( Ảnh minh họa)

Có lẽ chỉ có những người thợ giỏi sản xuất hàng bằng tay với sự  sáng tạo và thành thạo nhất trong nghề được đồng nghiệp và dân chúng  gọi  họ bằng ngôn ngữ độc đáo là: phó (chứ không phải là cả, là trưởng) ví dụ như:

phó may, phó mộc, phó cối, phó nháy…

Làng nghề truyền thống Việt Nam có từ lâu đời, nhưng không biết từ bao giờ xuất hiện cụm từ: thủ công-mỹ nghệ, tôi nghĩ rằng ý nghĩa của cụm từ này rất hay và rất thực tế nhất định phải là do cộng đồng những làng nghề đặt ra (tuy nó hơi ngoại lai một chút nhưng nó cũng giống như các từ: đối thoại, hỗ trợ, Tổ quốc… mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày). Bởi vậy ta thử đi sâu phân tích 2 vế của cụm từ này (tôi không phải là nhà nghiên cứu Hán học nên tôi cứ mạo muội đưa ra đây suy nghĩ của mình).

Vế thứ nhất thì đã rõ, thủ công  là các hàng hóa làm bằng tay; khác với hàng hóa làm bằng máy móc gọi là  sản xuất công nghiệp.  Ví dụ: áo len đan bằng tay bởi 2 hoặc 5 que đan có giá trị hơn nhiều so với áo len dệt hoặc bát đĩa, lọ, bình hoa… làm và vẽ bằng tay của làng gốm đẹp hơn của nhà máy sản xuất hàng loạt nhiều.

Vế thứ hai là cụm từ mỹ nghệ, theo từ điển Hán- Việt là: nghề dùng sự khéo của tay để làm những việc như thêu thùa, chạm trổ.  Nhưng theo tôi, tôi nghĩ  MỸ là cái đẹp, là thẩm mỹ, cái làm cho ta khi nhìn thấy sự vật đó, ta sướng tai, sướng mắt gợi lên sự khoái cảm tinh thần, nó là biểu tượng của cái đẹp, cái hấp dẫn...Còn chữ NGHỆ là nghệ thuật, nói nghệ thuật là sự sáng tạo ra những vật thể hoặc phi vật thể chứa đựng những gía trị về tư tưởng thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức. Nghệ thuật là cái hay cái đẹp do người nghệ sĩ  (hoặc nghệ nhân) sáng tạo ra để người ta chiêm nghiệm qua các giác quan, từ đó ngưỡng mộ tài năng, sáng tạo của nghệ sĩ hoặc nghệ nhân đó vượt lên trên mức độ thông thường phổ biến. Tóm lại nghệ thuật là 1 hình thái ý thức xã hội, phản ánh thế giới con người thông qua các hình tượng nghệ thuật. Các loại hình nghệ thuật thường được các làng nghề sử dụng nhiều là: mỹ thuật, văn học… như thêu thùa, gốm sứ, làm quạt, nón bài thơ, tơ, lụa, thổ cẩm…

Tuy vậy các loại hình nghệ thuật khác cũng được các nghệ nhân sử dụng nhiều như: sân khấu múa rối nước, sau khi biểu diễn cho khán giả xem, rất nhiều khách nước ngoài ở lại  mua con rối, hoặc khi làm đồ chơi cho trẻ em trong dịp Tết thiếu nhi, rằm tháng tám các nghệ nhân đã gắn kết tiếng nhạc vào đó.

Nhân đây tôi thấy rằng văn hóa ẩm thực cũng cần đươc lưu tâm phát triển, mỗi một vùng , một tỉnh đều có những thế mạnh, những nghệ nhân giỏi về các món ăn làm bằng thủ công rất ngon, nếu ta không gìn giữ thì rồi đây sẽ MÌ ĂN LIỀN hóa hết, một trong các yếu tố kéo khách du lịch nội địa cũng như nước ngoài là văn hóa ẩm thực, các món: bánh cuốn Thanh trì, bún ốc, thịt bò khô, phở… ai đến Hà Nội cũng muốn ăn, đến Huế thì không thể không nếm thử bánh khoái, bánh bột lọc, cơm hến… và mua một cái áo dài cùng vài lọ mắm tôm chua và gói kẹo mè xửng mang về làm quà cho người thân. Nếu qua Hà Tĩnh- Nghệ An thì nhớ mua kẹo Cu- đơ nhé, còn nếu ra Phú Quốc thì nhớ mua chai nuớc mắm loại ngon nhất hoặc qua thành phố sầm uất, phát triển nhất của cả nước là t/p Hồ Chí Minh thì cũng nên tìm tòi  đến Làng nem Thủ Đức để ăn thử nem Sài Gòn để xem ngon đến mức nào, nói chung ở nước ta tỉnh nào cũng có đặc sản  lạ và ngon, bởi những sản phẩm đó lệ thuộc vào: thổ nhưỡng, con người, văn hóa, nguyên vật liệu của địa phương.

Sự phát triển tích cực làng nghề truyền thống đã nâng cao sự thu nhập và đời sống của nông dân trong các cộng đồng có nghề thủ công rất nhiều, ngày nay ta đến làng dệt lụa, the…Vạn Phúc, làng gồm Bát Tràng ta thấy khác xa cảnh làm ăn lụp xụp, bẩn thỉu của vài ba chục năm về trước. Với niềm say mê phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mây, tre đan mà chị  Đàm Thu Hà từ một người thợ nay đã trở thành bà chủ công ty TNHH Gia Hưng, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, công ty hiện đang chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước  (theo tạp chí Tiếp thị & gia đình ngày 20- 8 -2912). Còn rất nhiều làng nghề, nghệ nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững, chính vì vậy mà hàng năm giá trị kinh tế của hệ thống làng nghề đạt được hàng chục ngàn đạt tỷ đồng. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 860 triệu USD, tăng 7-8% so với năm 2011.

Tuy vậy, để có những tiến bộ mong ước theo tôi nghĩ cần được quan tâm tích cực các vấn đề sau đây:

1/ Tăng cường thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới, đưa tính thẩm mỹ & nghệ thuật vào kiểu dáng, hình vẽ, họa tiết, phải tìm cái mới, cái lạ cái đẹp có sức hấp dẫn, bắt mắt khách hàng, phải tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của khách hàng kể cả nội và ngoại. Đừng để khách hàng nhàm chán vì sản phẩm cũ mèm, các địa phương đều giống nhau, khi khách đã chán thì không bao giờ họ quay lai lần thứ ba nữa.

2/ Cần liên kết chặt chẽ với ngành Du lịch với mục đích hai bên cùng có lợi để cùng chung sức tạo điều kiện về giao thông, thời gian trong hành trình của  một tour du lich, hướng dẫn viên, giới thiệu các ưu thế của địa hình, danh lam thắng cảnh, văn hóa phi vật thể, đặc sản về ẩm thực của địa phương có làng nghề. Ví dụ như muốn mời 1 đoàn khách đến làng gốm Bát Tràng thì trước hết cần có giao thông hấp dẫn, nghĩa là có con đường đi đẹp, hai bên đường sạch sẽ, có cây cối trổ hoa, có các ngôi nhà của dân nhưng ngăn nắp sáng sủa, có các cỗ xe ngựa đươc trang trí thanh lịch, người điều khiển xe mặc trang phục nông dân nhưng sạch sẽ hòa nhã…. đến nơi có người tiếp đón vui vẻ lịch sự  và đưa  khách đi xem hàng ngay, vì họ ít thời gian, lúc quay về có thể cho họ qua Bắc Ninh, xem hát Quan họ vì đó là di sản văn hóa phi vật thế giới được UNESCO công nhận, tiếp theo mời đi thuyền trên sông Cầu vừa nghe hát dân ca vừa ăn cơm với đặc sản cá sông tươi của sông Cầu.

3/ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nên đề nghị Nhà nước hoặc Quốc hội hỗ trợ thiết lập một phòng trưng bày các sản phẩm thủ công– mỹ nghệ Việt Nam thật đẹp trong đó có đầy đủ các  mặt hàng ưu tú, quý giá nhất (vàng, bạc, kim cương…) bên cạnh đó là 1 vài người thợ đang chế tác.

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin cảm ơn.

TS. NSND Phạm Thị Thành

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.473.183
Tổng truy cập: