Tin tức nổi bật
Phát triển du lịch làng nghề
(Ngày đăng: 22/10/2012   Lượt xem: 2161)

(Langnghevietnam.vn) -Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận “Phát triển du lịch làng nghề” của ông Vũ Quốc Tuấn - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (2005 - 2011).

lang nghe -Ong-Vu-Quoc-Tuan-143.jpg

Ông Vũ Quốc Tuấn - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (2005 - 2011) (ảnh minh họa)

Làng nghề nước ta, với những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, kết hợp với các lễ hội, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đã trở thành những vùng du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng vào hoạt động phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái phong phú, đa dạng trong tài nguyên du lịch nước ta. Phát triển du lịch làng nghề không chỉ phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, đem lai lợi ích kinh tế to lớn cho làng nghề mà thực chất du lịch làng nghề là du lịch văn hóa, là khơi dậy tiềm năng văn hóa của dân tộc ẩn chữa trong làng nghề, là giới thiệu để khách du lịch trong nước và nước ngoài hiểu thêm những đặc trưng văn hóa, truyền thống của mỗi làng nghề và từ đó hiểu thêm truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc ta.

Tài nguyên du lịch phong phú

Phát triển du lịch làng nghề là phát triển loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao, là loại hình khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, như là một tài nguyên du lịch phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, vui chơi, giải trí. Khách du lịch có thể tiếp xúc với các nghệ nhân, những người được tổ chức UNESCO gọi là “Báu vật nhân văn sống”; lại có thể trực tiếp xem các nghệ nhân thao tác. Thú vị hơn nữa là, ngay trong quá trình tham quan, khách du lịch  có thể tham gia vào một số công đoạn đặc trưng của sản phẩm làng nghề, có thể ký tên vào sản phẩm, như một cách ghi lại kỷ niệm đáng ghi nhớ trong hành trình du lịch của mình.

Dọc theo chiều dài đất nước ta, hầu như ở địa phương nào, du khách cũng có thể dừng chân để tìm hiểu làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, những nghề đã gắn với tên địa phương và đi vào lòng người một cách tự nhiên. Đồng bằng Bắc Bộ, mà nơi tiêu biểu là tỉnh Hà Tây (cũ) nay đã sáp nhập với Hà Nội, là nơi có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nhất, như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, thêu Văn Lâm, chạm khảm Chuôn Ngọ thuộc Hà Nội; gò đồng Đại Bái Bắc Ninh; vàng bạc Châu Khê Thái Bình; đúc đồng Ý Yên Nam Định, v.v… Miền Trung có điêu khắc đá Non nước Ninh Bình; làng nghề thêu, đúc đồng, gốm Phước Tích Huế; đúc đồng Phước Kiều, gốm Kim Bồng Quảng Nam, làng trống Lâm Yên Quảng Nam; rượu Bàu Đá, nón ngựa Bình Định; thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc Ninh Thuận; v.v… Miền Nam có làng dệt thổ cẩm Châu Phong (huyện Tân Châu) và dệt thổ cẩm Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) thuộc An Giang, đường thốt nốt An Giang; gốm Vĩnh Long; gốm Bàu Trúc thuộc Ninh Thuận, sứ Lái Thiêu Bình Dương; kẹo dừa và sản phẩm từ dừa Bến Tre, bánh pía, lạp xưởng Sóc Trăng, v.v… Làng nghề phát triển đã thực sự tạo nên bộ mặt mới phong phú của nhiều vùng nông thôn trong cả nước, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm đặc trưng mỗi làng nghề, mỗi vùng kinh tế. Cũng là gốm sư, nhưng gốm sư Bát Tràng và gốm sứ Đông Triều, gốm sứ Chu Đậu Hải Dương, gốm sứ Bàu Trúc Ninh Thuận … có những đặc sắc khác hẳn nhau. Cũng là thổ cẩm, nhưng thổ cẩm Hòa Bình, thổ cẩm Chăm các tỉnh miền Trung cũng có những hoa văn rất khác nhau, có những nét tinh tế riêng biệt. Tìm hiểu, thưởng thức những nét văn hóa đậm màu sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng là một yêu cầu không thể thiếu của mỗi du khách trong du lịch văn hóa.

Một tài nguyên du lịch đặc sắc của làng nghề nước ta là các lễ hội tôn vinh các vị Tổ nghề; nhiều vị Tổ nghề cũng đồng thời được tôn vinh là Thành hoàng làng. Hằng năm, bằng những hoạt động tín ngưỡng tôn nghiêm, sôi nổi, hào hứng, các lễ hội đã thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, đồng thời góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch làng nghề.  Lịch sử đã ghi lại ba cụ Hứa Vĩnh Kiều quê Thanh Hóa), Đào Trí Tiến (quê Bắc Ninh), Lưu Phong Tú (quê Hải Dương), học được nghề gốm sứ đã truyền dạy cho dân làng Bát Tràng (Hà Nội) và hai làng Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh); cụ Tổ nghề khảm trai Lê Công Thành; cụ Tổ nghề thêu Lê Công Hành; cụ Tổ nghề dệt lụa Lã Thị Nga, cụ Tổ nghề đúc đồng Khổng Lộ thiền sư; ba cụ Tổ nghề kim hoàn Trần Hòa, Trần Điện và Trần Diễn; v.v…  Tham dự những ngày lễ hội, khách du lịch có thể chứng kiến những nghi lễ tôn vinh Tổ nghề, những giải pháp phát triển, nêu cao giá trị của nghề; qua đó, hiểu thêm truyền thống văn hóa đặc sắc của làng nghề.

Cũng có nhiều làng nghề gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước có thể giới thiệu với du khách. Ngày nay, khách du lịch đến Làng nghề Lụa Vạn Phúc không chỉ tham quan làng lụa, mà còn có thể tham quan một hệ thống đền, chùa, miếu độc đáo, có những nét tiêu biểu của kiến trúc, điêu khác truyền thống, lại là nơi gắn với những di tích lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã từng làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946. Khách du lịch đến Bến Tre cũng không chỉ tham quan các làng nghề kẹo dừa (nổi tiếng cả nước và thế giới) và bánh tráng, bánh phồng, mà còn có thể đến thăm di tích các danh nhân văn hóa, như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn đình Chiểu, v.v...

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến quá trình hình thành và phát triển của mỗi làng nghề gắn với quá trình phát triển của đất nước ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây cũng chính là một nét đặc sắc trong làng nghề mà chúng ta cần giới thiệu với du khách trong nước cũng như ngoài nước. Chúng ta đã có những nghề thủ công xuất hiện từ hàng trăm năm, có nghề như gốm xuất hiện từ hàng nghìn năm (gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận), và trong quá trình phát triển ấy, đã trải qua nhiều thăng trầm, song xu hướng chung vẫn là phát triển ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng (như từ thủ công chuyển sang thủ công mỹ nghệ, từ gốm sứ dân dụng chuyển sang gốm sứ mỹ nghệ với những bức trang gốm đặc sắc …), đồng thời từng bước ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quá trình sản xuất, vừa nâng cao chất lượng, vừa tăng năng suất lao động, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xin nêu một ví dụ về gốm sứ. Đã có một số bảo tàng quy mô nhỏ của một số nhà sưu tầm có tâm huyết mà khách du lịch có thể ghé qua để hiểu thêm quá trình phát riển rất đáng tự hào của nghề cổ truyền này. Tại Bát Tràng, có Khu trưng bày cổ vật mang tên Vạn Vân của Ông Trần Ngọc Lâm gồm hai phần: một phần trưng bày khoảng 400 cổ vật có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, một phần khoảng trên 300 sản phẩm tiêu biểu của gốm Bát Tràng hiện nay, kèm theo một lò nung gốm cổ, bàn dập hoa văn nổi, thể hiện mức độ tinh xảo của gốm Bát Tràng qua nhiều thế hệ. Tại Huế, trong Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, có bộ sưu tập 3.700 món đồ gốm sứ; có trên 700 hiện vật gốm men ngọc Lý - Trần, Mạc, Lê - Trịnh. Tại Huế, cũng có Khu trưng bày của Cụ Hồ Tấn Phan với hàng nghìn hiện vật tiêu biểu của Sa Huỳnh, Champa, Chu Đậu (riêng hiện vật gốm tiền Sa Huỳnh có niên đại từ 3.000 đến 5.000 năm). Lại có "Biệt thự gốm" trên đồi Thiên An (Huế), chủ nhân là họa sĩ Huy Đức, đã đưa gốm vào trình diễn trong kiến trúc, trang trí nội thất, có phù điêu gốm trang trí, mặt nạ gốm, tranh gốm sứ, đèn gốm, v.v...phần lớn được làm bằng bàn tay nghệ nhân gốm làng Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Nhiều cuộc triển lãm về gốm sứ cũng đã được tổ chức, như Triển lãm gốm sứ truyền thống Việt Nam tại Quy Nhơn (tháng 4-2010) giới thiệu trên 200 hiện vật qua các thời kỳ.

Làng nghề tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, gắn với quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất của đất nước. Trong quá trình ấy, làng nghề nước ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, không những không bị “đồng hóa” mà còn không ngừng phát huy sáng tạo, tô điểm thêm nét văn hóa cho các ản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề, giữ được những nét riêng của Việt Nam. Những người có công đầu trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng nghề chính là những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề. Khi đến tham quan làng nghề, du khách thường muốn gặp gỡ nghệ nhân, tìm hiểu quá trình học tập, sáng tạo của nghệ nhân cùng những đóng góp của họ cho sự phát triển của làng nghề. Đây cũng là một thế mạnh của du lịch làng nghề cần được khai thác.

Một số giải pháp chủ yếu

Để khai thác và phát huy tài nguyên phong phú và đa dạng về du lịch làng nghề, cần có những giải pháp đồng bộ, được sự hợp tác và chỉ đạo thực hiện chặt chẽ của nhiều cơ quan trung ương cũng như địa phương và cơ sở làng nghề. Dưới đây, xin nêu một số giải pháp chủ yếu.

Một là công tác quy hoạch. Từ thực tế, có thể thấy quy hoạch phát triển du lịch làng nghề cần được gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch giao thông, v.v… ở từng địa phương, đồng thời có sự liên kết giữa các quy hoạch ấy trên từng tour du lịch. Có thể lấy một số ví dụ. Hà Nội đang xây dựng bốn tour du lịch làng nghề, gồm: tour thăm làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - Thêu Thắng Lợi – Sơn mài Hạ Thái; tour thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh – làng lụa Vạn Phúc; tour thăm làng lụa Vạn Phúc – điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; tour thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng – may da, dát vàng Kiêu Kỵ. Hà Nội lại là nơi có thể kết nối các tour du lịch làng nghề với thăm viếng các đình, chùa, miếu mạo nổi tiếng trong vùng. Ví dụ như Làng nghề Bát Tràng không chỉ được biết đến về sản phẩm gốm sứ độc đáo, mà còn có cả một quần thể kiến trúc có giá trị, như Đình Bát Tràng, Văn chỉ Bát Tràng, Chùa Kim Trúc, v.v… Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc lại là nơi gắn với lịch sử cách mạng của dân tộc ta: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946. Các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã liên kết nhau với kế hoạch Du lịch làng nghề trên "con đường di sản", đưa khách du lịch qua 12 làng nghề đậm chất văn hoá của vùng du lịch động lực miền Trung.

Trong các làng nghề, cần tổ chức lại các làng nghề truyền thống, chú trọng xây dựng các bảo tàng (hoặc phòng truyền thống), nơi lưu giữ và giới thiệu quá trình phát triển và sản phẩm đặc trưng của làng nghề tiêu biểu; xúc tiến quy hoạch các tuyến du lịch làng nghề; quy hoạch khu dân cư, khu thương mại, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng làng nghề (đường sá, điện, nước, thông tin liên lạc, truy cập internet, …), nhất là thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường các làng nghề, v.v…

Xin nói thêm về việc xây dựng các bảo tàng làng nghề truyền thống với các quy mô khác nhau từu thấp đến cao (dưới đây gọi tắt là bảo tàng) như: bảo tàng của làng nghề, của địa phương, toàn quốc; hoặc theo ngành nghề (ví dụ bảo tàng gốm sứ, mây tre đan, dệt lụa …) ; có thể do Nhà nước tổ chức, có thể là bảo tàng tư nhân. Đây chính là cái chúng ta đang thiếu, chưa được quan tâm, làm giảm đi một đối tượng mà khách du lịch đang mong muốn tìm hiểu quá trình phát triển của làng nghề hoặc của một ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nước ta, ví dụ Bảo tàng Tơ lụa, Bảo tàng Gốm sứ, v.v… Theo chúng tôi, Bảo tàng các làng nghề khi được xây dựng cần thỏa mãn những chức năng, nhiệm vụ sau đây.

+ Bảo tàng cần đươc tổ chức và hoạt động theo khuynh hướng hiện đại của bảo tàng thế giới: có tương tác chặt chẽ với cuộc sống đương đại; liên hệ chặt chẽ với tâm tư, tình cảm của con người, với xã hội. Tháng 5 năm 2010, nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng (18-5), Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (International Council for Museums - ICOM) đã đề xuất chủ đề "Bảo tàng vì sự hài hòa xã hội" - được hiểu là sự thống nhất nhưng có đặc thù; có những cơ sở chung nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Các bảo tàng thực hiện mục tiêu "hài hòa xã hội" thông qua bảo tồn, lưu giữ và trưng bày những di sản vật thể và phi vật thể theo cách khuyến khích đối thoại văn hóa, tôn trọng sự đa dạng văn hóa các cộng đồng, hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa các vùng, miền. Đây là một ý tưởng hay mà chúng ta cần suy nghĩ, vận dụng.

+ Bảo tàng là nơi sưu tầm, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của các dòng sản phẩm của mỗi làng nghề hoặc của mỗi loại sản phẩm, mỗi ngành nghề trong cả nước, qua các thời đại; song quan trọng nhất là giới thiệu được những nét độc đáo của từng dòng sản phẩm, của từng vùng miền, qua từng thời đại, thể hiện rõ tinh hoa văn hóa Việt Nam thể hiện trong sản phẩm; đặc biệt là những sáng tạo nổi bật của các thế hệ nghệ nhân trong nghề trong cả nước. Như vậy, việc trưng bày phải luôn luôn đổi mới, cập nhật, sống động; ở đó, những hiện vật không phải là những hiện vật "vô hồn" mà là những hiện vật "biết nói" rất gần gũi với cuộc sống và con người hôm nay. Khách tham quan có thể hình dung được cụ thể các bước phát triển của sản phẩm không chỉ như một ngành thủ công mà mỗi sản phẩm đã như một tác phẩm nghệ thuật có hàm lượng mỹ thuật cao; công nghệ làm ra sản phẩm đã thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể (như UNESCO đã xác nhận).

+ Hoạt động của bảo tàng cần được kết nối với di sản bởi sự hòa quyện của văn hóa, con người và cộng đồng được thể hiện bằng các hoạt động văn hóa, qua sự giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân với Bảo tàng. Bảo tàng cần cập nhật; bổ sung hiện vật; tổ chức các cuộc trình diễn, hội thảo chuyến đề, các cuộc du khảo, tổ chức lễ hội về những ngành nghề tiêu biểu, v.v...

+ Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, mà còn là địa chỉ tin cậy của nhà nghiên cứu, nơi thực tập, học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên, là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các lớp nghệ nhân, làng nghề trong vùng hoặc trong cả nước.

+ Những bảo tàng thủ công mỹ nghệ làng nghề tầm cỡ quốc gia còn cần có quan hệ mật thiết với các bảo tàng địa phương, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tư nhân và những nhà sưu tầm cá nhân trong nhiều hoạt động về sưu tầm, trưng bày, nghiên cứu, tôn tạo di sản,... thành một mạng bảo tàng về mỗi ngành nghề trong cả nước. Đồng thời, bảo tàng quốc gia của chúng ta cũng cần có quan hệ với các bảo tàng quốc gia cùng ngành nghề của  nước ngoài, thực hiện trao đối hiện vật trưng bày giữa các bảo tàng, làm phong phú thêm Bảo tàng và góp phần mở rộng tầm nhìn cho khách tham quan, các nhà nghiên cứu.

Hai là, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.  Quá trình khôi phục phát triển nghề và làng nghề thủ công truyền thống của mỗi địa phương không giống nhau, tuy nhiên việc khôi phục, phát triển nghề và làng nghề gắn với kinh tế du lịch là phương phướng phát triển đúng. Đáng tiếc là sản phẩm du lịch làng nghề của chúng ta hiện vẫn còn dựa vào tài nguyên có sẵn, ít tạo được sự khác biệt về sản phẩm giữa các làng nghề; hơn nữa, việc đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch vẫn còn ở dạng thô, đơn giản, chưa đi vào chiều sâu, cho nên sản phẩm du lịch còn đang quá đơn điệu, làm cho các chương trình du lịch kém hấp dẫn và sinh động, thiếu sức hút: mẫu mã sản phẩm chậm đổi mới; tuor du lịch kém hấp dẫn; việc giới thiệu làng nghề thiếu gắn với giới thiệu các danh lam thắng cảnh, gắn với các lễ hội; lại thiếu các dịch vụ đi kèm, v.v… nhìn chung là chưa khai thác được những thế mạnh của làng nghề ở từng địa phương. Vì vậy, sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ du lịch, du khách, xây dựng làng nghề du lịch có thể là hướng đi tốt cho một số nghề và địa phương. Công tác xây dựng cần được chú trọng hơn nữa, thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn, chú trọng những sản phẩm có tính nổi trội, khác biệt, ví dụ như mô hình làng nghề du lịch miền núi gắn với việc phục hồi, phát triển các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc ít người. Công tác thông tin, quảng bá các sản phẩm du lịch của làng nghề cũng chưa được đẩy mạnh ; nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài chưa biết đến những sản phẩm du lịch độc đáo của làng nghề.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đối với du khách nước ngoài, xu hướng đi du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa các dân tộc đang tăng cao. Đây là cơ hội để phát huy các nguồn tài nguyên sinh thái đa dạng, phong phú của Việt Nam và các giá trị di sản văn hóa của địa phương, để du lịch làng nghề gắn với sinh thái, với ẩm thực dân gian, với các tiện nghi lưu trú, vui chơi giải trí, như ỏ một số địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long đã bước đầu thực hiện có kết quả. Một trong những ý tưởng lớn trong chương trình Festival Tây Sơn Bình Định vào tháng 8-2008 là phát huy di sản của các làng nghề. Đầu năm 2009, Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ nhất cũng lấy sản xuất các sản phẩm từ dừa từ các làng nghề làm ý tưởng chủ đạo để thiết kế chương trình lễ hội … Du khách trong nước, những năm gần đây, đã bắt đầu tham gia vào các tuyến du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp thú vị của thiên nhiên, thắng cảnh, thăm thú các làng nghề. Có thể thấy: gắn du lịch sinh thái với làng nghề truyền thống là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương là loại hình du lịch đang phát triển và chắc chắn sẽ là xu hướng của tương lai, như nhiều chuyên gia du lịch trên thế giới đã khẳng định.

Trong việc giới thiệu với du khách các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề, điều quan trọng là đa dạng hoá các loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đa dạng du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, với nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau. Nhu cầu khám phá, phát hiên cái mới là đặc điểm của du khách, vì vậy sản phẩm phải thường xuyên đổi mới. Các làng nghề cần tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng hơn, mỹ thuật hơn nhằm phát huy các giá trị văn hóa trên cơ sở công nghệ truyền thống. Chú trọng hơn nữa các sản phẩm chủ lực là hàng lưu niệm: xu hướng của người đi du lịch là muốn ghi lại nhật ký cuộc hành trình của họ bằng những sản vật của địa phương, nơi họ đến; đây cũng là cơ hội để chúng ta cung cấp những sản phẩm đậm chất văn hóa của dân tộc, những hàng lưu niệm, dựa trên hình thức nghệ thuật truyền thống, nhưng được thu nhỏ hơn so với nguyên bản và được sản xuất bằng những vật liệu nhẹ hơn so với vật liệu truyền thống để thuận tiện cho việc chuyên vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không và mang theo trong chuyến du lịch.

Gặp gỡ nghệ nhân cũng là một hoạt động có thể mang lại cho du khách những cảm giác mới: họ được gặp những người đã là trụ cột trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề đồng thời là tác giả của những mẫu mã mới thích ứng với đòi hỏi của du khách cũng như của thị trường thời hội nhập. Khách tham quan có thể trò chuyện với nghệ nhân, tìm hiểu những bước trưởng thành của từng người mà phần lớn là một quá trình cực kỳ khó khăn gian khổ rất đáng trân trọng, đồng thời tìm hiểu quá trình sáng tác của họ, có thể xem họ thao tác, cũng có thể trực tiếp mua các sản phẩm của họ. Đáng quý là những sản phẩm “độc bản” mà nghệ nhân có thể bán hoặc tặng cho du khách, kèm theo chữ ký của mình.

Khách du lịch có thể gặp nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh (sinh 1938), làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội) là người gắn bó với làng nghề từ nhiều thế hệ; đã có công nghiên cứu nâng cao chất lượng nhiều mặt hàng tơ luậ, sáng tác thêm nhiều mẫu mã mới. Trong nhiều sản phẩm của ông, có tác phẩm “Hoa sen” và “Hoa loa kèn” mang đặc sắc của nghề dệt truyền thống. Trong ngành mây tre đan, có nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (sinh 1955) làng nghề Phú Vinh (Hà Nội) có nhiều tìm tòi, sáng tạo mẫu mã mới, chuyên sâu các tranh đan; đặc biệt là đã được mời đi dạy nghề ở một số nước bạn, nay vẫn được giao dạy nghề cho hàng trăm học viên mỗi năm. Tại miền Trung, nghệ nhân Lê Văn Kinh (sinh 1930) thành phố Huế nổi tiếng trong nghề thêu tay nghệ thuật. Sinh ra trong gia đình có ông nội và bố từng thêu hoàng bào cho cung đình thời Vua Khải Định, Bảo Đại, từ năm 10 tuổi, ông đã có những tác phẩm được nhiều người tán phục, bức tranh “Bất khuất” mô tả khí phách của Trần Bình Trọng cỡ 1,8 m x 1m đã được gửi đi triển lãm ở Mỹ. Ngoài những bức tranh thêu phong cảnh, lăng tẩm, đền chùa của Cố đô Huế, gần đây, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã hoàn thành bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư bằng 14 thứ tiếng. Cũng ở Huế, có nghệ nhân Phan Thế Huề (sinh 1916) được coi là nghệ nhân điêu khắc gỗ truyền thống cuối cùng của cung đình. Ông đã từng được triệu vào Hoàng cung phụ trách sửa chữa và chạm khắc, sơn son thếp vàng nhiều công trình tại Thế Tổ Miếu, Hưng Miếu, Ngọ Môn, Lăng vua Tự Đức, v.v… Từ những năm 1977 – 1978, Nghệ nhân Phan Thế Huề dã được mời làm giảng viên bộ môn điêu khắc tại Cao Đẳng Mỹ thuật Huế; từ năm 1982 đến nay, ông vẫn liên tục mở xưởng và những lớp dạy nghề tại nhà, hy vọng có thêm nhiều học trò nối tiếp nghề truyền thống. Tại Làng nghề Gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) có nhiều nghệ nhân, tiêu biểu là Nghệ nhân Đàng Xem (sinh 1958) được truyền nghề từ bà nội, là người tâm huyết với nghề, tìm tòi, tạo nhiều mẫu mã mới; lại có sáng kiến khai thác luân phiên 30 hécta đất hình thành mỏ đất có chất lượng cao cho làng nghề. Ông cũng có sáng kiến xây lò nung trấu, tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu; đồng thời chú trọng mở nhiều lớp dạy học cho con em trong làng.

 

Trong thực tế, nghệ nhân nước ta rất đông đảo, mỗi người một vẻ, là những “tượng đài” rất đáng trân trọng của làng nghề cũng như của kho tàng văn hóa nước nhà, là niềm tự hào của chúng ta cần được tôn vinh và giới thiệu rộng rãi hơn nữa với khách du lịch. Trên đây chỉ là một số ví dụ.

Ba là, mở mang các hoạt động dịch vụ. Đây không chỉ là các hoạt động “ăn theo” du lịch làng nghề, mà chính là những hoạt động giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch làng nghề, tạo thuận lợi cho du khách và từ đó, tăng thêm tính hấp dẫn của điểm du lịch làng nghề, thu hút thêm càng nhiều khách du lịch (để họ không chỉ đến một lần, mà còn đến nhiều lần), tăng thêm thu nhập cho làng nghề.

Thực tế cho thấy quan trọng nhất hiện nay là tạo thuận lợi cho du khách trong việc đi lại: từ việc thiết kế các tuyến du lịch đến việc tu sửa, nâng cấp đường sá và bố trí phương tiện vận chuyển, v.v… sao cho việc đi lại đỡ tốn thời gian, cách di chuyển hợp lý, du khách đi được nhiều nơi và đi lại thoải mái, đỡ mệt nhọc. Việc đặt các trạm ATM, điểm truy cập internet tại các làng nghề cũng rất cần thiết để tạo thuận lợi cho du khách trong quá trình tham quan của họ.

Việc quảng bá, giới thiệu các làng nghề truyền thống, các tuyến du lịch làng nghề cần được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Cần tăng cường công tác giới thiệu, thuyết minh về sản phẩm: dể du khách tăng khả năng nhận biết sản phẩm, hiểu rõ đặc điểm của từng loại sản phẩm, bằng việc xuất bản sách miêu tả, băng video giới thiệu, phát tờ rơi và đào tạo hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp …

Trong từng làng nghề, cần có nhiều cách trình bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tăng thêm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, hình mẫu chung là cho phép du khách được tham quan “hậu trường” của khu vực sản xuất, nơi mà du khách có thể nhận thấy tầm quan trọng của “chất lượng truyền thống” được sử dụng trong các sản phẩm được sản xuất ở đây, từ đó có thể đánh giá cao tầm giúa trị của sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Du khách cũng có cơ hội được thử những kỹ thuật sản xuất mới mẻ và xa lạ để tự sáng tạo các sản phẩm cho riêng mình: ví dụ tại làng dệt thổ cẩm, du khách không những có thể mua và thăm quan nơi sản xuất hàng thổ cẩm mà còn được học cách dệt và tự dệt thổ cẩm cho riêng họ. Chính việc đáp ứng các yêu cầu về khám phá và lưu niệm của du khách, khi đã có sự hiểu biết đúng về thủ công mỹ nghệ, họ sẽ nhận ra giá trị của sản phẩm, tính quý hiếm của sản phẩm, liên quan đến địa danh, xuất xứ du lịch, kích thích du khách thích mua những mặt hàng đặc biệt ở nơi họ đến hơn, cho dù những hàng tương tự như thế có thể cũng được bán ở nơi họ đang sống hoặc nơi khác.

Cần tăng cường ứng dụng thương mại điện tử và các tiện ích của Internet trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ, cung cấp các dịch vụ đa dạng cho nhà sản xuất cũng như nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của sản phẩm. Đây là một phương tiện hiện đại, song cũng đã có những doanh nghiệp làng nghề sử dụng thương mại điện tử trong việc giao dịch, bán hàng, nêu lên nhiều kinh nghiệm tốt.

Cũng không thể xem nhẹ cảnh quan môi trường tại các làng nghề: để hấp dẫn khách du lịch, cần chú trọng bảo vệ môi trường trong lành, khắc phục ô nhiễm môi trường; sắp xếp thật ngăn nắp các điểm tham quan, du lịch; nhất là tổ chức lại các hàng quán dịch vụ bán hàng lưu niệm hoặc ăn uống, khắc phục tệ nạn chèo kéo du khách mua hàng lưu niệm hoặc hương hoa, vàng mã tại các đình chùa, di tích lịch sử…

Bốn là, xây dựng đội ngũ nhân lực. Trong việc phát triển du lịch làng nghề, đội ngũ nhân lực có vị trí đặc biệt quan trọng. Trước hết, đó là đội ngũ những người có chức năng quản lý du lịch làng nghề: họ cần có tầm nhìn về giá trị kinh tế, văn hóa của làng nghề, cũng như những kiến thức mới về du lịch làng nghề trong kinh tế thị trường và trong hội nhập quốc tế; cần có lòng say mê với công việc, từ đó có tư duy đổi mới, không chịu dừng lại ở những cách làm cũ, sáo mòn (đang khá phổ biến ở nhiều tổ chức du lịch làng nghề), mà luôn luôn sáng tạo những cách làm mới, hấp dẫn du khách hơn. Cùng với các công ty nhà nước, cần khuyến khích hơn nữa các công ty tư nhân làm du lịch làng nghề, coi đây là một nhân tố chủ yếu trong việc phát triển du lịch làng nghề xứng tầm, mở ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách và đạt hiệu quả cao hơn.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch làng nghề hiện nay vừa thiếu, vừa yếu; do vậy, công việc bồi dưỡng, đào tạo hưỡng dẫn viên đang rất cần thiết, kể cả về nghiệp vụ và ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu như yêu cầu tất cả hướng dẫn viên đều phái có bằng đại học là chưa phù hợp với đặc điểm du lịch làng nghề cũng như thực tế hiện nay: đang có khá nhiều hướng dẫn viên trưởng thành từ hoạt động thực tiễn, có năng khiếu, được du khách và làng nghề tín nhiệm, tuy vẫn cần bồi dướng thêm về nghiệp vụ và ngoại ngữ. Việc đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên là con em các làng nghề, là những người sống trong môi trường làng nghề, hiểu biết sâu sắc những vấn đề cần giới thiệu với du khách, gắn bó với sự phát triển du lịch làng nghề họ đang sống là rất phù hợp rất cần được quan tâm đẩy mạnh, trong đó quan trọng là bồi dưỡng cho họ về kỹ năng hướng dân viên du lịch và nhất là về ngoại ngữ.

Năm là, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo du lịch làng nghề. Cuối cùng, để thực hiện những giải pháp cần thiết nhằm khai thác và phát huy tiềm năng du lịch làng nghề còn rất phong phú, rất cần đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo du lịch làng nghề; và điều đặc biệt quan trọng là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành quản lý nhà nước liên quan, khắc phục tình trạng mỗi cơ quan chỉ quan tâm một mảng công việc, thiếu phối hợp, thậm chí chồng chéo, triệt tiêu động lực chung.  Như trên đã nói, cần những cán bộ quản lý có kiến thức về du lịch làng nghề, tâm huyết với nghề với tư duy đổi mới. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch làng nghề như: hoàn chỉnh quy hoạch làng nghề, trong đó có quy hoạch du lịch; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách (như việc cấp visa cho du khách nước ngoài sao cho thuận tiện hơn), tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng làng nghề, khắc phục ô nhiễm môi trường, v.v… Khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh du lịch làng nghề; đồng thời khuyến khích các tổ chức xã hội, các hội làng nghề địa phương thực hiện các giải pháp phát triển du lịch làng nghề.

Những giải pháp kể trên đang rất cần nhiều vốn đầu tư của Nhà nước cũng như của bản thân các làng nghề và của khu vực tư nhân. Chỉ riêng về xúc tiến du lịch, trong đó có du lịch làng nghề, cũng đã thấy yêu cầu rất lớn. Xin nêu một ví dụ: ngành du lịch Thái Lan đã có chương trình phát triển du lịch giai đoạn từ 2012 đến 2014 với mức ngân sách đề nghị là 228 triệu đôla Mỹ cho 385 dự án lớn nhỏ; trong khi đó kinh phí xúc tiến du lịch của Việt Nam năm 2011 là 1,7 triệu đôla Mỹ, quá ít ỏi so với Singapore, Malaysia với kinh phí được cấp từ 60 đến 70 triệu đôla Mỹ và cũng thua kém Indonesia với mức 8 triệu đôla Mỹ và Philippines 5 triệu đôla Mỹ. Đương nhiên, sự so sánh này chỉ để tham khảo, song cũng đủ để thấy rằng việc đầu tư cho du lịch rất cần được quan tâm hơn nữa, để ngành “công nghiêp không khói” này mang lại thêm hiệu quả hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.

Vũ Quốc Tuấn - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (2005-2011)


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.521.247
Tổng truy cập: