Tin tức nổi bật
Làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại
(Ngày đăng: 20/10/2012   Lượt xem: 2336)
(Langnghevietnam) –Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận “Làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại” của ông Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

langnghe.jpg

Ông Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương ( Ảnh Minh họa)

Làng nghề truyền thống đã lưu giữ vốn văn hóa rất quý giá của cha ông ta truyền lại từ đời này qua đời khác. Các sản phẩm làng nghề đã hàm chứa tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói những sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống là di sản văn hóa của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, các làng nghề đã có bước phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động lúc nông nhàn, đã xuất khẩu đạt tới một tỷ đô- la một năm. Cùng với việc mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, các làng nghề đã góp phần thúc đẩy du lịch nước nhà phát triển, du lịch làng nghề đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề có vai trò quan trọng trong việc xây dưng nền tảng văn hóa dân tộc, nền nếp gia phong, truyền thống tốt đẹp của làng, xã. Nhưng các làng nghề bấy lâu nay chưa được quan tâm, đánh giá đầy đủ và tôn vinh xứng với tầm vóc của nó. Cuộc hội thảo “Giá trị văn hóa – du lịch sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam” do Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa – du lịch của thương hiệu nghề truyền thống, các doanh nghiệp, các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống hàng ngàn đời của ông cha để lại để mọi người nhìn nhận vai trò, vị trí làng nghề một cách thấu đáo hơn. Điều quan trọng nhất là tìm ra những giải pháp thúc đẩy làng nghề duy trì và phát triển trong cuộc sống hiện đại, trong hoàn cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn.

Làng nghề đang phải giải quyết hàng loạt những khó khăn như: thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, chưa có vùng nguyên liệu ổn định, phải giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường…. Những khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, không chỉ riêng ở nước ta, mà ở nhiều nước trên thế giới đã xảy ra tình trạng sản phẩm công nghệ máy móc đang lấn át, thay thế hàng loạt các sản phẩm thủ công. Vì vậy, hàng thủ công muốn tồn tại và phát triển trong cuộc sống hiện đại phải dựa vào thế mạnh của mình tức là sản phẩm phải hàm chứa yếu tố văn hóa cao thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tế cho thấy, hiện nay trong các ngôi nhà hiện đại vẫn xuất hiện những bộ sa- lông mây tuyệt đẹp, những chiếc lọ hoa, bộ ấm chén gốm sứ độc đáo, những bức tranh thêu cầu kỳ sang trọng, đồ thờ cúng gia tiên… ghi dấu ấn tài hoa của những người thợ thủ công. Dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, nhiều người dân Việt Nam đều mong muốn ngôi nhà của mình có dáng vẻ và bản sắc dân tộc. Ở các điểm du lịch, du khách trong nước và quốc tế đều tìm mua những sản phẩm độc đáo của địa phương để làm đồ lưu niệm. Nhiều làng nghề dệt thổ cẩm đã thu hút được nhiều du khách và bán được nhiều sản phẩm, làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện. Trong khi kinh tế thế giới khó khăn nhưng nhiều nước vẫn có nhu cầu nhập hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam. Từ đó cho thấy rõ một điều: Hàng thủ công của ta vẫn có khả năng tồn tại và phát triển ở trong nước và xuất khẩu. Vấn đề là sản phẩm phải có chất lượng cao, không chỉ có chất lượng kỹ thuật, mà còn mang được giá trị thẩm mỹ, hàm chứa bản sắc văn hóa Việt Nam, tâm hồn và trí tuệ của nghệ nhân. Dù máy móc hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế đôi bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ và tâm hồn của các thợ thủ công. Như vậy, mỗi sản phẩm thủ công phải thật sự là một tác phẩm nghệ thuật; và người làm ra nó phải có phẩm chất nghệ sĩ, tức là phải có óc sáng tạo, óc thẩm mỹ cộng với đôi bàn tay “vàng”….

Làng nghề truyền thống được thừa hưởng gia tài quý giá của cha ông. Nghề thủ công ở nước ta có truyền thống từ lâu đời, có nghề đã có lịch sử hàng trăm năm, nghìn năm: Gốm Chu Đậu, Bát Tràng, tơ lụa Vạn Phúc, kim hoàn Châu Khê, đồng Định Công, Đồng Xâm, Ý Yên, Đại Bái, thêu Quất Động, thổ cẩm Mai Châu…. Các nghệ nhân xưa rất tài nghệ làm ra các sản phẩm để đời. Di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long cách đây gần nghìn năm minh chứng vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành và tài năng của nghệ nhân phát triển rực rỡ đến mức thể hiện rõ nét đặc trưng nghệ thuật từng chặng đường qua các triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn… Có những nghệ nhân xuất chúng còn lưu danh cho đến ngày nay như Tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý vào thế kỷ XV. Bà đã là chủ hơn mười trang phường gồm sứ nay thuộc làng Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Vốn là một nữ trí thức có năng khiếu hội họa, bà đã tạo dựng dòng gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp nơi. Bà cũng chỉ huy nhiều đoàn thuyền chở gốm Chu Đậu xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Hiện nay một kiệt tác do chính tay bà làm ra vào năm 1450 là chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm vẫn còn đang lưu giữ ở Bảo tàng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ; hình ảnh chiếc bình này được in trên con tem của nước Mỹ. Gốm Chu Đậu khi xưa còn được lưu giữ ở nhiều bảo tàng trong nước và 46 bảo tàng lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới…

Các nghệ nhân hôm nay vẫn giữ được nghề tổ nhờ việc truyền nghề từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối. Bên cạnh đó, thời hiện đại cũng giúp các nghệ nhân ứng dụng những tiến bộ của công nghệ và sản xuất như sử dụng máy móc vào công việc giản đơn, vừa đỡ tốn sức, vừa có năng suất cao đáp ứng kịp thời những đơn đặt hàng lớn; sử dụng khoa học kỹ thuật để tăng độ bền đẹp của chất liệu, thích ứng với mọi thời tiết, khí hậu; đi liền đó là việc xử lý ô nhiễm môi trường... Và điều quan trọng nhất là sáng tạo nhiều mẫu mã mới, vừa thế hiện nét đẹp, độc đáo của sản phẩm nghề truyền thống Việt Nam, vừa phù hợp thị trường người tiêu dùng của nơi hàng xuất đến. Như vậy đội ngũ nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong sự sống còn của làng nghề, vừa gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, vừa là trụ cột của sự phát triển làng nghề trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, khi làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn chưa tìm được nhiều thị trường, sản xuất ngưng trệ thì các nghệ nhân cũng không có “đất dụng võ”, do đó đời sống lâm vào tình cảnh khó khăn, xảy ra tình trạng “cha muốn truyền nghề mà con không muốn nối”, nghề tổ có nguy cơ bị thất truyền. Để đội ngũ nghệ nhân làng nghề ngày càng phát triển hùng hậu, rất cần sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước, của toàn xã hội. Mỗi làng nghề truyền thống đều có nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm, nắm giữ vốn quý của cha ông, nay đã cao tuổi, cần được sự chăm sóc sức khỏe, đồng thời tạo mọi điều kiện để nghệ nhân truyền đạt kinh nghiệm quý giá tích lũy cả đời mình, trong đó có những bí quyết gia truyền. Nhiều nghệ nhân cao tuổi tâm huyết với nghề luôn luôn mong mỏi có cơ sở vật chất, có điều kiện truyền nghề cho thế hệ trẻ. Việc đào tạo, dạy nghề trở nên cấp thiết nhằm xây dựng lực lượng nghệ nhân trẻ có đủ tài, đủ tâm gánh vách công việc của làng nghề trong tình hình mới.

Việc tuyên truyền, quảng bá, tìm kiếm thị trường, tôn vinh các nghệ nhân xuất sắc có tác động tích cực đến quá trình phát triển làng nghề. Hiệp hội làng nghề Việt Nam rất quan tâm đến việc tôn vinh các nghệ nhân, đến nay với nhiều đợt đã công nhận 145 Nghệ nhân làng nghề. Mới đây, Nhà nước cũng xét công nhân danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Việc tôn vinh này có ý nghĩa trong việc cổ vũ, động viên tinh thần các nghệ nhân làng nghề. Bên cạnh đó chúng ta cũng mong muốn Nhà nước có những chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, giúp làng nghề hiện nay tồn tại và phát triển bền vững, đồng thời có những chính sách trọng dụng nhân tài phát huy tài năng của các nghệ nhân. Sự quan tâm của Nhà nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của làng nghề và đội ngũ nghệ nhân.

  Nguyễn Hồng Vinh

   Chủ tịch Hội đồng Lý luận,

phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.521.194
Tổng truy cập: