Tin tức nổi bật
Giá trị văn hóa du lịch của làng nghề truyền thống Việt Nam
(Ngày đăng: 19/10/2012   Lượt xem: 1671)

(langnghevietnam.vn) Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận “Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam” của Giáo sư Hoàng Chương.

gs Hoang Chuong.jpg

Giáo sư Hoàng Chương. (Ảnh minh họa)

Chào mừng 58 năm giải phóng thủ đô và nhân Năm làng nghề truyền thống VN 2012, Hiệp Hội làng nghề Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN tổ chức cuộc hội thảo “Giá trị văn hóa du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam”. Hội thảo nhằm tồn vinh những giá trị văn hóa, du lịch của thương hiệu nghề truyền thống, tôn vinh các sản phẩm tinh hoa báu vật gia truyền, các doanh nghiệp làng nghề, các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo tồn phát huy và phát triển nghề truyền thống hàng ngàn đời cha ông ta để lại. Từ đó chúng ta bàn thảo đến các vấn đề: Làng nghề với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm gia truyền độc đáo, tìm giải pháp để giữ gìn và phát triển bền vững giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống của dân tộc và hội nhập quốc tế. Ban tổ chức hội thảo rất vui mừng và nhiệt liệt hoan ngênh đông đảo các giáo sư, tiến  sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa và du lịch, các nghệ sĩ nhân dân, các nghệ nhân làng nghề đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc hội thảo này. Cuộc hội thảo đã được sự quan tâm cổ vũ của các đồng chí lãnh đạo Ban tuyên giáo TƯ, Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương cùng nhiều  cơ quan đơn  vị hữu quan. Đặc biệt chúng ta được hân hạnh đón tiếp GS AHLĐ Vũ Khiêu, vị giáo sư hàng đầu của ngành khoa học xã hội VN, người rất quan tâm tới làng nghề Việt Nam.

Như chúng ta biết, nhiều làng nghề truyền thống Việt Nam có từ hàng trăm năm, thậm chí tới nghìn năm, để lại những sản phẩm tinh hoa rất có giá trị với hàm lượng văn hóa rất cao thể hiện trí tuệ và bàn tay tài hoa của cha ông ta. Những di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như Hoàng Thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Khu di tích Mỹ Sơn... đều có sự đóng góp rất to lớn của các làng nghề với đội ngũ nghệ nhân rất tài hoa. Sản phẩm làng nghề trở thành vốn văn hóa dân tộc vô cùng quý giá có thể coi là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Trước nay, nói tới sản phẩm làng nghề, chúng ta thường chỉ chú ý tới giá trị thực dụng của nó như lọ để cắm hoa, ấm chén để uống nước, bát đĩa bày trong mâm... mà chưa phân tích kỹ những giá trị văn hóa hết sức độc đáo ẩn chứa trong nó. Có thể nói, các sản phẩm của làng nghề truyền thống đã ghi dấu ấn đặc trưng nghệ thuật của từng thời kỳ  lịch sử từ đời các nhà Lý – Trần – Lê – Nguyễn cho đến ngày nay, tạo thành một dòng chảy văn hóa liên tục không ngừng. Và điều đáng mừng nhất là  nghề Tổ không bị thất truyền. Những sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống do ông cha ta để lại rất tinh xảo, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ rất cao đã sống mãi với thời gian được lưu giữ trong các bảo tàng trong nước và thế giới như gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu, Tranh Đông Hồ, Lụa Vạn Phúc, Tranh tượng đá non nước, tranh thêu XQ, Nón ngựa Gò găng. Đó là nền tảng vững chắc, là cơ sở thuận lợi để chúng ta phát huy sản phẩm của làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Sản  phẩm làng nghề truyền thống hôm nay muốn tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu phải khai thác được những yếu tố văn hóa vốn có của nó được thử thách qua thời gian người sử dụng. Như vậy làng nghề truyền thống không chỉ làm kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động mà còn làm văn hóa góp phần giữ gìn và phát huy quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chính vì hàm chứa giá trị văn hóa, sản phẩm làng nghề truyền thống cũng có giá trị du lịch. Từ lâu nhiều sản phẩm đã trở thành quà tặng các đoàn khách đến thăm nước ta và của  du khách khi đến các nước trên thế giới. Tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy những bộ bàn ghế khảm xà cừ Đồng Kỵ được bày trang trọng trong gia đình vị đại sứ Valeriu Arteni tận TP Piastraem ( Rumani) và những vật dụng mỹ thuật đá Non nước Đà Nẵng tại nhà một doanh nhân Mỹ  Nelson Bowers ở TP Chatanoga bang Tennessie Mỹ. Có thể thấy từ khi đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa, ngành du  lịch ngày càng phát triển với chục triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Đó là cơ hội để sản phẩm làng nghề truyền thống phát huy giá trị du lịch của mình.  Du khách bây giờ không chỉ dừng ở chữ thưởng thức phong cảnh thiên nhiên mà còn đòi hỏi tìm hiểu cuộc sống của con người  ở nơi họ đặt chân đến. Cho nên đã xuất hiện nhiều loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, Du lịch văn hóa, Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm.. Làng nghề truyền thống dã trở thành điểm du lịch  hấp dẫn và đã hình thành du lịch làng nghề. Thực tế cho thấy rất nhiều bản dệt thổ cẩm ở Mai châu , Sa Pa, Hà Giang... đã thu hút rất đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Nhiều  làng nghề ẩm thực dân tộc ở Huế, ở Nam Bộ  đạt tới trình độ nghệ thuật được du khách yêu thích. Nhiều sản phẩm như tơ lụa, tranh thêu, đồ gốm sứ.. được du khách trong và ngoài nước mua để làm đồ lưu niệm. Cho nên việc các làng nghề kết hợp với ngành du lịch để làm du lịch là rất quan  trọng, một mặt vừa quảng bá, giới thiệu được sản phẩm vừa là khâu tiêu thụ hàng hóa rất tốt. Làng nghề cũng cần được tham gia những sự kiện quảng bá văn hóa và du lịch ở nước ngoài. Dĩ nhiên không thể thiếu yếu tố nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống trong các triển lãm, hội chợ. Dường như vấn đề này vẫn chưa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm đầy đủ nên sản phẩm làng nghề nước ta đa số còn quẩn quanh trong làng xã, trong nước. Vì vậy  cùng với việc tuyên truyền quảng bá về phong cảnh thiên nhiên, giới thiệu các bộ môn nghệ thuật truyền thống chúng ta cần quan tâm giới thiệu đậm nét hơn sản phẩm làng nghề Việt Nam, chắc chắn chương trình quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam sẽ phong phú và hấp dẫn hơn.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Hội thảo của chúng ta cần tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị văn hóa và giá trị  du lịch của sản phẩm làng nghề truyền thống để từ đó có những giải pháp sát với thực tiễn, có hiệu quả, nhằm giải quyết khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay là tiêu thụ sản phẩm, ổn định, dần dần cải thiện đời sống của đội ngũ nghệ nhân – những bàn tay tài hoa của đất nước, đang nắm giữ vốn văn hóa nghệ thuật đặc sắc của cha ông.

    Xin cảm ơn quý vị các nghệ sĩ biểu diễn, cảm ơn các nhà báo ở TƯ và Hà Nội.

Xin cảm ơn./.

GS Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.521.194
Tổng truy cập: