Tin tức nổi bật
Phát huy giá trị Văn hóa Du lịch của Làng nghề truyền thống
(Ngày đăng: 18/10/2012   Lượt xem: 2373)

(langnghevietnam.vn) – “Giá trị văn hóa, du lịch của sản phẩm Làng nghề truyền thống Việt Nam” là cuộc hội thảo hội tụ những bài tham luận đặc sắc của các đại biểu. Ban biên tập Làng nghề Việt Nam trân trọng đăng nguyên văn bài tham luận “Phát huy giá trị Văn hóa Du lịch của Làng nghề truyền thống” của ông Lưu Duy Dần -  Chủ Tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam diễn ra vào ngày 16/10 vừa qua.

“Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh qua mấy nghìn năm. Bằng trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân người Việt đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống, di sản văn hóa Việt Nam.

langnghe.jpg

Ông Lưu Duy Dần -  Chủ Tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (Ảnh minh họa)

Làng nghề là cả một môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và công nghệ lâu đời. Văn hóa làng nghề luôn gắn với làng quê, các hoạt động lễ hội, phường hội mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Các làng nghề thường là những làng văn hóa cổ, với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng, làng Việt cổ như làng dao kéo Đa Sĩ có rất nhiều người đỗ đạt trong đó có danh y Hoàng Đôn Hòa nổi tiếng, làng gốm cổ truyền Bát Tràng có 25 tiến sĩ trong đó có một trạng nguyên. Thật độc đáo là các sản phẩm làng nghề thể hiện được tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Khi khai quật di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long cách đây nghìn năm ai cũng thấy rõ vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành. Từ những viên gạch, viên ngói, đầu rồng đến những vật dụng sinh hoạt gốm sứ bị chon vùi dưới đất qua bao thời đại vẫn còn giữ nguyên nét tinh xảo, tài hoa của bàn tay khối óc người thợ thủ công. Đặc biệt, những sản phẩm từ từng lớp di chỉ thể hiện rất rõ nét đặc trưng nghệ thuật của các triều đại khác nhau theo thứ tự thời gian: Thời Lý – Trần, Thời Lê – Nguyễn…phản ánh dòng chảy văn hóa Việt Nam  một cách sinh động, cụ thể. Ông cha ta đã để lại một kho tang nghề truyền thống quý giá, nay vẫn tồn tại và phát triển trong cuộc sống hiện đại, vừa phục vụ nhu cầu tiêu dung trong nước vùa xuất khẩu như: Mây, Tre đan, gốm sứ, đồ gỗ, dệt thổ cẩm, thêu ren, sơn mài, đúc đồng, chạm khắc đá, kim khí, hoa cây cảnh…

Hiện nay cả nước có trên dưới 3.355làng nghề và làng có nghề trong đó trên 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề. Việt Nam ước tính co khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm: Tơ lụa Vạn Phúc, The La khê, Đồng Ngũ Xã, gỗ Sơn Đồng, Thêu Quất Động có hàng nghìn năm lịch sử, Làng đúc Phước Kiều, Làng Đệm Bàng Phò Trạch, Mây Tre đan Phú Vinh, Gốm Sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Bầu Trúc, Kim Hoàn Định Công, Đồng Xâm, Châu Khê, Khảm Chuôn Ngọ, Mộc Kim Bồng, Thổ cẩm Mai Châu, Dừa Bến Tre, đồ chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc…Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, làng nghề Việt Nam có một sức sống mới, phong phú hơn, được chú ý về cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu phát triển du lịch làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm cải tiến mẫu mã…Tại các làng nghề ra đời nhiều công ty mới, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế. Thị trường trong nước cũng có điều kiện phát triển như mặt hàng nội, ngoại thất, sản phẩm văn hóa tâm linh…Sự phát triển ấy không bảo lưu cái cũ mà bắt gặp sự giao thoa với thế giới. Đời sống của người dân ở nơi có làng nghề thường cao hơn từ 3 – 5 lần. các làng nghề thu hút khoảng 12 triệu lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động phụ lúc nông nhàn. Những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu đã lên tới hơn 1 tỷ triệu USD/năm.

Tuy nhiên, khoảng từ cuối năm 2008 đến nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, các làng nghề Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, thiếu vốn. Khi doanh nghiệp làng nghề thu hẹp sản xuất, không những người lao động trực tiếp chịu tác động mà nó sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lao động ở các lĩnh vực khác. Thực trạng đó đòi hỏi những bioeenj pháp giải cứu cho làng nghề trước hết là tháo gỡ khó khăn về kinh tế, giải cứu công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nhất là nhiều người là việc ở thành phố, khu công nghiệp trở về làng chưa có công ăn việc làm. Cùng với sự trợ giúp của Chính Phủ, một số doanh nghiệp làng nghề đã chủ động thực hiện các biện pháp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, kiếm thêm bạn hàng để vươn lên. Hiệp hội làng nghề cũng đã có nhiều hoạt động tích cực trợ giúp doanh nghiệp làng nghề. Tuy vây, các làng nghề đang trông đợi vào sự quan tâm của Nhà nước. Để giải quyết hàng loạt vấn đề về vốn, phát triển các vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm hiện đại hóa công nghệ truyền thống, đào tạo truyền dậy nghề, tham dự các cuộc hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác tốt thị trường trong nước thì các cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ “lực bất tong tâm”. Cần hình thành ngay ban chỉ đạo Nhà nước về tư vấn phát triển  bền vững các làng nghề, hình thành Quỹ hỗ trợ bảo tồn, phát triển các làng nghề theo hướng mỗi làng một nghề; tiến hành quy hoạch các làng nghề theo nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu tránh tình trạng mạnh ai nấy làm xảy ra ứ đọng sản phẩm…Hà Nội có số lượng làng nghề nhiều nhất nước, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đưa hoạt động của làng nghề vào chương trình kỉ niệm, là cơ hội để các làng nghề vượt qua khó khăn vươn lên. Thể hiện sức sống trường tồn nghề thủ công truyền thống từ các làng nghề, phố nghề, nghệ nhân đã vượt qua khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ truyền thống lâu đời kết hợp với công nghệ hiện đại.v.v…các làng nghề , nghệ nhân đã tham gia trưng bày triển lãm, lễ hội tham gia chương trình “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nôi”, quà tặng cho thủ đô nhân dịp đại lễ 1000 năm như: Tranh thêu “Cội xưa” nói về miền đất lịch sử Cố Đô Hoa Lư – Ninh Bình của làng nghề truyền thống Văn Lâm, đồng thời cũng là một làng nghề du lịch truyền thống lâu năm, bức Thiên Đô chiếu qua chất liệu đồng Đại Bái gỗ Đồng Kỵ Bắc Ninh, sẽ được tổ chức rước trọng thể từ Cố Đô Hoa Lư về Hà Nội trong ngày Đại lễ 1000 năm. Các làng nghề gốm Bát Tràng, khảm chai Chuôn Ngọ, thêu Bất Động…cùng thể hiện Chiếu dời Đô bằng các chất liệu truyền thống trong ngày diễn ra đại lễ khách du lịch trong nước và Quốc tế sẽ được xem triển lãm quà tặng, quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề, nghệ nhân được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô qua các chất liệu như: gốm sứ, trạm thúc đồng, thêu ren, điêu khắc gỗ, sơn mài, khảm chai, mây tre đan dệt lụa, kim hoàn đá quý v.v…nói lên sức sống làng nghề và tấm lòng nghệ nhân, người thợ thủ công cả nước với đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, nếu chúng ta biết khai thác lợi thế nghề thủ công truyền thống, các làng nghề Việt Nam vào phát triển tiềm năng du lịch. Ngoài sản vật và các sản vật thủ công, các lễ hội làng nghề, các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực từ các làng nghề sẽ tạo nên một bức tranh phong phú và đa dạng.

 Về phát triển du lịch làng nghề truyền thống hiện nay. Trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề, ngành nghề truyền thống và các làng Việt cổ Việt Nam là nơi hội tụ đầy bản sắc, nét độc đáo riêng, góp phần giới thiệu sinh động về đất nước và con người của mỗi vùng miền, địa phương, phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Việt Nam là một Quốc gia có hệ thống các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú kết hợp cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc độc đáo phù hợp cho loại hình này. Làng nghề truyền thống Việt Nam chính là sự gắn bó tồn tại và phát triển cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, nó mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa Việt Nam. Sản phẩm làng nghề vừa độc đáo, mang đậm dấu ấn và tình cảm của người Việt và của từng dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc anh em hợp thành. Các sản phẩm làng nghề là đối tượng tài nguyên du lịch có giá trị về kinh tế, văn hóa, vui chơi giải trí và hàng lưu niệm cho khách du lịch chính là sản phẩm TCMN.Ước tính hiên nay cả nước có khoảng hơn 20chuyến du lịch từ Bắc vào Nam, trong đó 35% là du lịch làng nghề  hoặc du lịch gắn với làng nghề theo tuyến đã định của ngành du lịch.

 Nên có nhận thức đúng đắn vá đầy đủ về loại hình du lịch làng nghề. Nó là một trong những loại hình tài nguyên quan trọng của nước ta hiện nay, những lợi ích lớn của phát triển làng nghề du lịch về kinh tế, giải quyết hàng triệu lao động ở các địa phương, ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh ít nhiều có nguồn thu nhập chính đáng, hạn chế rất lớn về mặt tiêu cực và tệ nạn xã hội làng nghề du lịch góp phần quan trọng về  mặt giữ gìn bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, để phát triển xứng tầm loại hình làng nghề du lịch còn rất nhiều việc phải làm như; Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường, các chương trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Đồng thời phải tạo những điều kiện cơ sở dịch vụ phục vụ khách thuận lựoi hấp dẫn để khách đến ngày một đông, đến nhiều lươt mua nhiều hàng lưu niệm, có ấn tượng tốt đẹp.

Trong cuốn sách “làng nghề du lịch Việt nam” do Nhà xuất bản Thống kê – Hà Nội năm 2007 đã nêu những điều kiện để trở thành một làng nghề du lịch:

Thứ nhất: là các giá trị văn hóa làng nghề thể hiện thông qua tính truyền thống của công nghệ và kỹ thuật sản xuất, đó là kết quả của một quá trình kết tinh, truyền tải và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc thù sản phẩm của làng nghề phụ không thuộc vào dây truyền sản xuất hiện đại, năng suất cao mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bí quyết tài hoa người thợ chế tác đồ thủ công. Sản phẩm sản xuất từng chiếc, từng chiếc, do đó huy động dấu ấn tình cảm và cá nhân người thợ. Trong xu thế quốc tế hóa mọi mặt của đời sống giá trị văn hóa truyền thống có sức hút đặc biệt đối với cá giá trị văn hóa truyền thống, tìm hiểu nhân sinh quan, thế giới quan và quan niệm của người Việt Nam.

Thứ hai: là các giá trị lịch sử các làng nghề phải có tuổi nghề khá cao, sản phẩm thường gắn với đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng, lưu giữ cả những yếu tố tín ngưỡng, phong tục tập quán của các làng nghề. Bởi vậy các làng nghề du lịch thường phải gắn với lễ hội truyền thống, gắn với cảnh quan thiên nhiên truyền thống của làng quê Việt nam như: bến nước, dòng sông, đình làng,…

Thứ ba: là mức độ tham gia của cộng đồng. Động cơ của khách du lịch khi lựa chọn đến các làng nghề là được tận mắt quan sát quá trình sản xuất và mua sắm sản phẩm thủ công, ngoài ra họ còn muốn tham gia vào đời sống sinh hoạt thường nhật của làng quê. Quá trình này đòi hỏi mức độ tham gia của cộng đồng là rất lớn, từ khâu hướng dẫn sản xuất cho thuê cơ sở lưu trữ tại nhà mời khách các món ăn truyền thống, thuyết minh cho khách về phong tục tập quán của làng. Bởi vậy, du lịch làng nghề đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa khách du lịch, người dân địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch.

Các tiêu chí để xây dựng và phát triển làng nghề du lịch: Một làng nghề được coi là làng nghề du lịch hoàn chỉnh…cần đạt được các tiêu chuẩn sau:

1.      Có sản phẩm thủ công độc đáo, đặc sắc, tinh xảo gắn liền với đội ngũ nghệ nhân.

2.      Có nơi sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ để biểu diễn quy trình sản xuất để cho khách du lịch xem.

3.      Có gian hàng trưng bày và bán sản phẩm làng nghề.

4.      Có công trình văn hóa lịch sử (cây đa, giếng nước, sân đình)

5.      Có nhân viên thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch có các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

6.      Có không gian phục vụ ăn uống, đỗ xe tách biệt

7.      Có cơ sở hạ tầng giao thông  thuận lợi, bảng chỉ dẫn rõ ràng phục vụ khách tham quan.

8.      Môi trường trong sạch, sản xuất không làm ô nhiễm môi trường.

9.      Thu nhập về du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng.

 Trên đây là những nội dung của nhóm tác giả biên soạn sách “Làng nghề Du lịch Việt Nam” nên cần được tham khảo.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hoan nghênh hưởng ứng và sẵn sang đồng thuận góp phần cho chương trình phát triển du lịch các làng nghề truyền thống Việt Nam.

Hiệp hội làng nghề Việt Nam ra đời đến nay đã gần 8 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã và đang khẳng định mình trong việc gìn giữ, phát triển các làng nghề, phố nghề. Hiện nay, Hiệp hội có 9 trung tâm, các văn phòng đại diện vùng miền, 5 CLB, phong tặng 145 nghệ nhân làng nghề thuộc 32 tỉnh thành cả nước, có một đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia cao cấp đã qua công tác ở các cơ quan TW, hơn  2000 thành viên và hội viên trên khắp cả nước. Hiệp hội hiện nay là “địa chỉ đỏ”, nơi quy tụ các làng nghề, gắn kết họ để vinh danh nghề truyền thống, mang thông điệp nhắc nhở người dân Việt Nam cùng chung tay gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam trong tiến trình hội nhập phát triển văn hóa du lịch của làng nghề truyền thống là đồng hành với phong trào xây dựng nông thôn mới.”

Lưu Duy Dần

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.472.953
Tổng truy cập: