Tin tức nổi bật
Bền bỉ tình yêu với cây đàn Klông pút
(Ngày đăng: 30/05/2019   Lượt xem: 559)
Với tình yêu cây đàn Klông pút từ thuở còn thơ bé, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh (thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) đã tự học chơi đàn và làm đàn thành thạo. Bao năm qua, bà vẫn bền bỉ gắn bó với nhạc cụ truyền thống của người Xê Đăng. Lo sợ nguy cơ “biến mất” của đàn Klông pút trong nhịp sống hiện đại, nghệ nhân Y Sinh đã đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn, những giai điệu của nứa tre sẽ mãi lưu truyền trong đời sống người Xê Đăng.

p7k2_22a
Nghệ nhân Y Sinh thực hiện thao tác làm đàn Klông Pút. Ảnh: Thanh Thuận
 

Đam mê nhạc cụ tre nứa truyền thống

Vào buổi sáng tháng 4 đầy nắng gió, bên nếp nhà của đồng bào Xê Đăng tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), NNƯT Y Sinh cùng một số thanh niên nam nữ Xê Đăng say sưa chơi đàn Klông pút trong bản hòa tấu giai điệu đại ngàn Tây Nguyên. Bà khẽ nghiêng người, đôi tay thoăn thoắt “vỗ” đều vào các đầu ống lồ ô để hơi gió lọt vào ống tạo thành âm thanh. Những nếp váy khẽ đung đưa theo nhịp nghiêng của thân người. Màu sắc thổ cẩm sáng cả khung cảnh mùa gió, như mang cả hơi thở đại ngàn về phố thị.

Sinh ra và lớn lên ở làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trong lời ru, tiếng hát, tiếng cồng chiêng âm vang, những nhạc cụ từ tre nứa trong những lễ hội, sinh hoạt của cộng đồng người Xê Đăng, từ nhỏ, Y Sinh đã có năng khiếu và niềm đam mê với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Khác với nhiều nhạc cụ khác, để sử dụng chiếc đàn Klông pút, người chơi đàn phải để hai bàn tay gần đầu của ống nứa rồi vỗ vào nhau tạo ra hơi, tác động trực tiếp vào cột khí và cho ra âm thanh độc đáo.

Những âm thanh như tiếng gió, tiếng suối, tiếng của đại ngàn từ những ống nứa, lồ ô mỗi khi vang lên lại có sức thu hút lớn với cô bé Y Sinh. Dù không biết chữ, không biết nhạc lý, nhưng Y Sinh đã chơi được đàn Tơ rưng, vỗ được những bản nhạc trên cây đàn Klông pút khiến nhiều người già phải trầm trồ. Bà tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi hay được nghe người ở làng chơi nhạc cụ truyền thống. Nghe nhiều thành quen, âm nhạc ngấm vào người lúc nào không biết. Rồi tôi tự học đánh theo nhạc Tây Nguyên. Thấy người ta chế tác đàn, tôi cũng bắt chước làm theo. Hình như trong tôi có sẵn năng khiếu về chuyện này nên học rất nhanh”.

Đến tuổi trưởng thành, niềm đam mê đàn Klông pút của dân tộc Xê Đăng vẫn luôn đeo đuổi Y Sinh. Bà tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là biểu diễn nhạc cụ của dân tộc mình ở địa phương, huyện, tỉnh và ngoại tỉnh. Bà còn rất “mát tay” dàn dựng tiết mục cho các chị em đồng nghiệp khi tham gia liên hoan, hội diễn. 

t3ew_22b
Nghệ nhân Y Sinh (phải) dạy cô gái người Xê Đăng “vỗ” đàn Klông Pút. Ảnh: Thanh Thuận

Năm 2011, khi đã ngoài 50 tuổi, Y Sinh xin nghỉ hưu sớm do sức khỏe. Từ quyết định này mà bà mới có điều kiện dành cho niềm đam mê với nhạc cụ tre nứa. Trước tiên, bà bắt tay vào công việc chế tác đàn Tơ rưng, đàn Klông pút và dành thời gian chơi đàn. Từ đôi tay khéo léo và trình độ thẩm âm như đã sẵn trong hơi thở của bà, những chiếc đàn Tơ rưng, Klông pút nguyên bản của người Xê Đăng lần lượt ra đời. Những chiếc đàn do bà làm ra đã góp mặt trong các chương trình hội diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa truyền thống từ địa phương, cơ sở đến huyện, tỉnh và ở các thành phố lớn.

Không chỉ đam mê đàn Tơ rưng, Klông pút, nghệ nhân Y Sinh còn chế tác thêm một số nhạc cụ để thổi, làm phong phú hơn dàn nhạc của nứa tre truyền thống như đàn môi, đàn then, đàn thò...

Tâm huyết với thế hệ trẻ

Nghệ nhân Y Sinh cho biết, với dân tộc Xê Đăng, đàn Klông pút tựa như một nét đặc trưng của riêng họ. Đàn Klông pút có âm thanh rất độc đáo, nó như đang diễn tả những tình cảm của người dân nơi đây một cách huyền bí. Đàn được phụ nữ Xê Đăng chơi trong những đêm ở trên chòi canh rẫy từ tháng 1 đến tháng 2. Vào mùa lễ hội như mừng lúa mới, lễ hội máng nước..., người ta lại chơi đàn trong nhà rông. “Tiếng đàn Klông pút cũng là một phương tiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của một cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn. Vì âm thanh của nó nghe mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng và thiết tha...” – Bà Y Sinh cho hay.

Nghệ nhân Y Sinh rủ rỉ, đàn Klông pút được làm từ 2 đến 5 ống nứa loại lớn, với độ dài, ngắn khác nhau. Trong đó, ống ngắn chừng 60cm, ống dài lên đến 120cm. Và họ chọn những ống tre, nứa có đường kính từ 5 đến 8cm. Tất cả những ống này được xếp cùng một hàng trên giá khung chữ nhật hay mặt bàn, một đầu làm bằng, còn một đầu xếp chéo. Tuy nhiên, cái tài của người chế tác đàn là ở trình độ gọt, cắt khéo léo để những ống nứa vô tri trở thành những nốt nhạc kỳ diệu. 

Những nỗ lực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Y Sinh được ghi nhận khi bà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là NNƯT của tỉnh Kon Tum năm 2015. Năm 2016, bà Y Sinh còn được tôn vinh tại Liên hoan Văn hóa dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3.  

Bên cạnh việc chế tác đàn, biểu diễn đàn bằng tre nứa, bà còn dạy các thanh niên nam nữ của địa phương có nhu cầu học và chơi nhạc cụ truyền thống của dân tộc tại nhà. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, Y Sinh là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu đối với các nhạc cụ truyền thống của người Xê Đăng.

Bà tâm sự: “Nhiều cháu không biết chơi đàn Klông pút, mình phải cùng nhau khơi lại truyền thống cho các cháu, để các cháu càng thấy yêu đàn Klông pút nhiều hơn, tự hào về dân tộc Xơ Đăng mình hơn”.

Nhờ sự tận tình chỉ dạy của nghệ nhân Y Sinh và sự kiên trì của người học mà những khó khăn cũng dần qua đi. Khi tập nhuần nhuyễn được cách “vỗ” đàn tạo ra âm thanh, nhiều người trở nên mê đàn hơn, siêng tập luyện hơn. 

Trong cuộc sống hiện đại, khi mọi thứ xưa cũ dần mai một thì những người như nghệ nhân Y Sinh đã trở thành niềm tự hào không chỉ thị trấn Đắk Tô mà còn của tỉnh Kon Tum.
                                                                       Theo: bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.468.747
Tổng truy cập: