Tin tức nổi bật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta có nhiệm vụ làm di sản hồi sinh"
(Ngày đăng: 30/07/2018   Lượt xem: 595)
“Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị bảo tồn di sản văn hoá.
Sáng ngày 27.7, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. Đến tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Xuân Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ Trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft, cùng các bộ, ngành, đại diện các địa phương, các chuyên gia di sản văn hoá, các nghệ nhân.

 thu tuong nguyen xuan phuc: "chung ta co nhiem vu lam di san hoi sinh" hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững”

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam, cách quản lý, mối quan hệ giữa bảo vệ và phát triển di sản văn hoá như: “Cơ chế điều phối hoạt động giữa Việt Nam và UNESCO trong việc thực hiện các công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới”; “Bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững Di sản Văn hoá Thế giới Hội An, tỉnh Quảng Nam”; “Sử dụng nguồn lực quốc gia và quốc tế trong việc giữ gìn không gian văn hoá – môi trường diễn xướng cho cồng chiêng Tây Nguyên”; “Bảo tồn di sản văn hoá các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch”...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi thấy hội nghị này rất cần thiết và có ý nghĩa đối với chúng ta, qua đó thấy được vai trò lớn lao của di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.

Thủ tướng nhấn mạnh, di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ quên. Vì vậy phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo. 

“Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu, các các cấp chính quyền phải chú ý trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản; toàn xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ di sản và phát huy giá trị di sản. Thủ tướng cũng nêu các nhiệm vụ đối với ngành VHTTDL để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển. 

 thu tuong nguyen xuan phuc: "chung ta co nhiem vu lam di san hoi sinh" hinh anh 2

                                      Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Trong tham luận của mình,  Giáo sư Lưu Trần Tiêu đặt vấn đề, việc bảo tồn và khai thác giá trị di tích phải được làm một cách căn cơ, có trách nhiệm. Giữ gìn được loại “tài nguyên không thể tái tạo” theo cách: Giải quyết những vướng mắc, chồng chéo trong một số quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng với di sản văn hóa; Quản lý nhà nước đối với Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; Tổ chức khai quật và xử lý kết quả sau khai quật các con tàu cổ bị đắm ở vùng biển nước ta.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu cho hay, ông e ngại trước việc khai quật và xử lý các con tàu cổ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bởi kinh nghiệm của các nhà khảo cổ chưa được đào tạo trong khai quật khảo cổ học dưới nước. Phương tiện khoa học kỹ thuật hạn chế, nên việc triển khai các dự án khai quật khảo cổ học ở vùng biển nước ta, chủ yếu do doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các công ty nước ngoài cùng với sự tham gia nghiên cứu, giám định cổ vật của các nhà khảo cổ học Việt Nam tổ chức thực hiện.

“Với cổ vật tàu Hòn Dầm (Kiên Giang) là đồ gốm Sawankhalok (Thái Lan) và tàu Bình Châu (Quảng Ngãi) không đưa đi bán đấu giá ở nước ngoài mà để lại trong nước. Còn cổ vật trên 4 con tàu (Hòn Cau, Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận), sau khai quật chỉ giữ lại ở trong nước các hiện vật độc bản, một số sưu tập tiêu biểu và tất cả những hiện vật không còn nguyên vẹn, trong khi những sưu tập hiện vật đẹp, còn nguyên vẹn được đem đi bán đấu giá ở nước ngoài với tổng số hơn 280.000 cổ vật, thu được 12 triệu USD (khoảng 280 tỷ đồng VN), không bằng tiền thu phí tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế năm 2017 (320 tỷ), chưa kể một số lượng rất lớn những hiện vật chưa bán hết được xử lý thế nào, ai hưởng lợi, số tiền thu được sử dụng vào việc gì?. Việc đưa cổ vật của các con tàu đi bán đấu giá ở nước ngoài không đạt được cả giá trị văn hóa lẫn kinh tế”, giáo sư Lưu Trần Tiêu cho hay.

Tại Hội nghị, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã đề xuất 5 khuyến nghị chính nhằm thúc đẩy công tác quản lý Di sản Thế giới tại Việt Nam một cách hiệu quả. Khuyến nghị 1: Đặt Di sản Thế giới vào trọng tâm của khuôn khổ Kế hoạch Phát triển Bền vững; Khuyến nghị số 2: Nhất thể hóa và củng cố quyền lực quản lý nhà nước về di sản ở cả  cấp trung ương và địa phương; Khuyến nghị số 3: Tăng cường vai trò của các Hội đồng khoa học và cơ quan cố vấn chuyên môn; Khuyến nghị số 4: Rà soát và quản lý cơ chế hợp tác Công-Tư tại các Khu di sản; Khuyến nghị số 5: Rà soát  lại cơ chế tài chính đối với việc tái phân bổ nguồn thu từ phát triển du lịch và phát triển kinh tế đối với các hoạt động bảo tồn.

Cuối buổi hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa VN, góp phần trao truyền giá trị tốt đẹp, truyền thống quý báu của dân tộc đến thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước để triển khai tốt hơn nữa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa, đặc biệt là ý kiến của Thủ tướng tại Hội nghị hôm nay.

 thu tuong nguyen xuan phuc: "chung ta co nhiem vu lam di san hoi sinh" hinh anh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ Trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft cùng các nghệ nhân chụp ảnh lưu niệm.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng công việc cụ thể, bảo đảm hiệu quả và bền vững.

Bộ VHTTDL đã báo cáo về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam từ năm 2010-2018.

Theo đó từ năm 1962 đến nay, xếp hạng di tích trên cả nước là 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ VHTTDL đã xếp hạng 3.463 di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 95 di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật di sản văn hoá. Trong số đó, chúng đã lựa chọn các di tích tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học. Được UNESCO ghi danh 8 di sản vào danh mục Di sản Thế giới theo công ước UNESCO 1972 và bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Thực hiện quy định của Luật di sản văn hoá và công ước 2003, tính đến năm 2018, cả nước đã có 61.669 di sản văn hoá phi vật thể của 63/tỉnh thành phố được kiểm kê, trong đó có 249 di sản văn hoá phi vật thể được BVHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh (bao gồm 11 di sản văn hoá phi vật thể trong danh sách đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hoá phi vật thể trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp).

Từ năm 2011-2018 trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và chương trình mục tiêu phát triển văn hoá. Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương trên cả nước chống xuống cấp và tu bổ di tích với thứ tự ưu tiên: Chống xuống cấp, tu bổ di tích, tôn tạo di tích có kết quả với giai đoan 2011-2015 số di tích được tu bổ, tôn tạo là 1.302 với tổng kinh phí là 1.436.844 tỷ đồng; Giai đoạn 2016-2018 số di tích được tu bổ, tôn tạo là 238 với tổng kinh phí là 124.4 tỷ đồng.
                                                                                                      Theo: toquoc.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.472.997
Tổng truy cập: