Tin tức nổi bật
CEO Nguyễn Tiến Cường: Khởi nghiệp là xây dựng thương hiệu “Vua dép lốp”
(Ngày đăng: 17/07/2018   Lượt xem: 746)

 Nguyễn Tiến Cường của thương hiệu “Vua dép lốp” có một biệt danh khác là: “Cường phò mã”. Lẽ thường, phò mã là rể của vua. Và “Cường phò mã” đích xác là con rể của bố vợ Phạm Quang Xuân- một nghệ nhân dép lốp.

Trên căn gác nhỏ tại phố Nguyễn Biểu (Hà Nội), người nghệ nhân già Pham Quang Xuân đang ra mẫu đế dép mới (Ảnh: NVCC)

Định vị thương hiệu bằng tài hoa gia truyền

Dép lốp là cách gọi đúng bản chất, tức là dép làm từ lốp cao su. “Vua dép lốp” là thương hiệu mà CEO Nguyễn Tiến Cường đã đăng kí bảo hộ trong và ngoài nước.

Tại sao một bí kíp gia truyền tạo sản phẩm từ những chiếc lốp bỏ đi, lại trỗi dậy thành một thương hiệu có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới?

Cấu trúc nhân sự của “Vua Dép lốp” có tính phả hệ: bố của ông Phạm Quang Xuân là một thợ giỏi làm dép cao su. Chính bố ông Xuân đã dẫn dắt con trai mới hơn 10 tuổi của mình cầm kéo, cầm dao sắc gọn tạo tác từng đế dép. Rồi ông Xuân trở thành một người thợ trong dây chuyền sản xuất dép cao su của xí nghiệp Bách hóa cấp 2 của Hà Nội.

Dép cao su thịnh hành trước những năm 1975. Khi xí nghiệp giải thể (năm 1975), ông Xuân về nhà, nhớ nghề nên vẫn thi thoảng kì cạch làm vài đôi dép tặng bạn bè, người thân.

Đến thời rể như thượng khách bước vào nhà, ông Xuân được rể quý phong là “Vua” trong…giang sơn lốp, bởi con mắt tinh đời của Nguyễn Tiến Cường đã phát hiện ra sự độc đáo của nghề làm dép thủ công, mà còn dự đoán được tiềm năng kinh doanh dép lốp.

Mừng thầm và vui khẽ, hai cha con ôm mộng hồi sinh những đôi dép cao su, gắn với lịch sử của đất nước Việt Nam. Nguyễn Tiến Cường nghỉ việc tại cơ quan, linh hoạt giúp sức bố vợ trong các việc cần đến cơ bắp như: móc lốp, mài đế, mài quai…Hơn thế, theo thời gian học nghề từ bố vợ, anh cũng nhanh trí và khéo tay không kém khi tạo hình tỉ mỉ để trang trí trên từng đôi dép!

Rể quý đã là trò cưng của người nghệ nhân Phạm Quang Xuân. Bí kíp, tâm huyết, niềm vui cùng với dép cao su đang được bố vợ truyền, con rể nối.

Cường “phò mã” không phải là hạng vừa đâu! Cái đầu nhạy bén, sớm tính chuyện làm thương hiệu ngay sau khi mình đã thuộc lòng những ngón nghề của bố. Sau những đêm suy tư và cân nhắc, Nguyễn Tiến Cường đã khai sinh ra cụm từ “Vua Dép lốp”, rồi slogan “Đi dép cao su giúp ý chí mạnh hơn!”.

Thế mạnh của Nguyễn Tiến Cường là dân công nghệ thông tin, nên tất cả những công cụ để xây dựng và quảng bá thương hiệu, anh có thể bao quát được. “Tôi mang câu chuyện muốn đưa đôi dép lốp thành biểu tượng quốc gia, tìm gặp và chiêu mộ những người cùng tâm huyết, để làm bằng được “Vua dép lốp”. Và mọi người đã thấy, tính đến nay, “Vua dép lốp” đã có mặt tại 60 quốc gia”, anh Cường chia sẻ.

Hiện nay, cơ sở sản xuất thủ công của thương hiệu “Vua dép lốp” có 25 người thợ rất giỏi tay nghề. CEO Nguyễn Tiến Cường tiết lộ: “Với 25 người thợ ấy, họ đều tự thửa riêng, tự rèn các loại dụng cụ như dao phá lốp, dao xén đế, đục, rút, dũi...để thiết kế dép”.

Tất cả những công đoạn như tự rèn dụng cụ, các kĩ thuật phá lốp, cắt xét tảng cao su, tạo khuôn đế hay quai…của thợ đề được ông Phạm Quang Xuân đào tạo, truyền nghề. Tính đến nay, xưởng sản xuất có thể cho ra đời khoảng 400 đôi dép mỗi ngày.

Khách ngoại quốc rất thích xem trực tiếp quy trình làm dép cao su tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC)

Đã quảng bá “Vua dép lốp” là phải khác biệt!

“Làm bất kỳ điều gì đều phải liên quan đến tiền. Có bao nhiêu tiền kinh doanh tôi đều dùng cho hoạt động quảng bá, thậm chí còn bù thêm tiền cá nhân vào. Số tiền đầu tư một lần không lớn nhưng nhiều lần nó lên đến tiền tỷ. Và một khi tôi đã làm quảng bá thương hiệu “Vua dép lốp” là phải khác biệt!”, CEO Nguyễn Tiến Cường khẳng định.  

Chính anh đã rất sáng tạo khi tiếp nhận xu hướng: tiệp thị một thương hiệu bằng chính trải nghiệm của khách hàng. Khi khách có mong muốn được chứng kiến tận mắt ông Xuân và thợ phụ làm dép, anh đã tạo một không gian thoáng đãng để làm show thực tế ngay tại ngôi nhà chất đầy lốp, đồ nghề của bố vợ.

“Ngoài ra, chúng tôi luôn chọn các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh… là nơi bán hàng và biểu diễn quy trình làm dép. Những chỗ này khách quốc tế đến đông, họ ấn tượng về cách thức trưng bày cũng như cách làm dép cùng những tờ rơi giới thiệu lịch sử bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Tất cả kết hợp lại giúp cho thương hiệu VUA DÉP LỐP nổi tiếng trên toàn thế giới”, anh Cường chia sẻ.

                               CEO Nguyễn Tiến Cường cùng nhóm quay quảng cáo cho "Vua dép lốp". (Ảnh: NVCC)

Mới đây, CEO Nguyễn Tiến Cường đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng,  thuê 5 đại diện của 5 châu lục để quay một quảng cáo cho thương hiệu “Vua Dép lốp” với những cảnh quay ấn tượng  tại Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội. Những thước phim này sẽ được phát tại Phòng Khám phá của Bảo tàng Hồ Chí Minh, phát tại các đại lý của “Vua dép lốp” trên thế giới.

Những hình ảnh của thương hiệu, anh cũng mời cho được một nhiếp ảnh gia có tiếng chụp hình, chọn những bối cảnh rất “thăng hoa cho vẻ đẹp của dép cao su”.

Chính Nguyễn Tiến Cường đã tự thân đi tiếp thị cho thương hiệu “Vua dép lốp”. Anh tới  thăm nhà  của đại tá La Văn Cầu, cốt để lắng nghe hoài niệm của một người lính về đôi dép cao su đã theo chân bộ đội cụ Hồ đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Rồi anh tặng cho vị đại tá nhân hậu và dung dị món quà là đôi dép cao su có tên là “Dép cao su Huyền thoại”.  

Điều khiến “Cường phò mã” xúc động nhất là ánh mắt rưng rưng của vị đại tá già khi nhắc tới hình ảnh “đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ”. Dép cao su đã thành một kỉ vật, chạm khẽ vào kí ức của ông- một trong bảy người đã được Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I.

                                 CEO Nguyễn Tiến Cường và nhà toán học Ngô Bảo Châu (Ảnh: NVCC).

Nhà toán học lỗi lạc Ngô Bảo Châu, khi tiếp shipper  “Cường phò mã” mang đôi dép có khắc chữ “Ngô Bảo Châu” tới nhà, đã lập tức lĩnh hội slogan của một thương hiệu: “Đi dép cao su giúp ý chí mạnh hơn”. Thông minh vốn sẵn, hài hước có thừa, vị giáo sư toán học đã làm một phép tính: "Chắc anh phải đi hai đôi một lúc để ý chí muôn phần mạnh hơn!”.

Trân trọng món quà được làm ra từ đôi tay khéo léo của cặp cha truyền con nối Phạm Quang Xuân- Nguyễn Tiến Cường, đích thân giáo sư Ngô Bảo Châu tới thăm xưởng sản xuất dép cao su, vào một ngày Hà Nội nắng vàng cuối thu.

Một vị khách người Phần Lan, sau khi chọn mua được một đôi dép cao su đen óng ánh, đã gợi một câu đáng ngẫm nghĩ: “Một sản phẩm như dép cao su của Việt Nam, nếu được bán trên các trang mạng như Amazon thì mọi người sẽ dễ tìm để mua hơn”.

Tất thảy mọi cuộc tiếp kiến tương tự như thế, đều trở thành biểu trưng cho tài hoa, sáng tạo và biết chinh phục của dép cao su, thương hiệu “Vua Dép lốp”.

“Tôi thường suy tư về lịch sử của dép cao su”

"Hơn cả niềm đam mê làm dép, tôi thường suy tư về lịch sử của đôi dép cao su", CEO Nguyễn Tiến Cường chia sẻ. Dép cao su gắn với Bác Hồ, gắn với Tướng Giáp, gắn chặt vào đôi chân của đoàn quân ra trận khi đất nước còn kẻ thù xâm lược.

Đôi dép cao su đã làm chân cứng đá mềm những con người đã dựng nên lịch sử của dân tộc, đó là nhân dân, là vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, là vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, là rất nhiều những anh hùng đã phụng sự đất nước trên mọi lĩnh vực. Đó là phẩm giá của đôi dép đã được lịch sử bảo chứng.

Với  “Cường phò mã”, anh trân quý lịch sử của đôi dép cao su. Thế mới có chuyện, trong bộ sưu tập của “Vua Dép lốp”, có dép Bác Hồ, dép Bác Giáp, dép Khe Sanh, dép Giải phóng quân…Lịch sự đã ôm quyện vào tâm trí của CEO Nguyễn Tiến Cường khi tạo tác dép cao su. Và lịch sử cũng nâng đỡ những cảm xúc để làm một nghề giản dị nhưng tài hoa như ông Xuân đang say mê từng ngày.

                     CEO Nguyễn Tiến Cường mang dép cao su sang Paris (Pháp) để quảng bá. (Ảnh:NVCC)

Trường tồn không đứt gãy cho đôi dép cao su đã có được ba thế hệ nhà ông Xuân gìn giữ. Lan tỏa một thương hiệu chỉ có ở Việt Nam, đang được Cường “phò mã” làm một cách bài bản.

Tần suất xuất hiện trên truyền thông quốc tế như: Nhật, Đức, Trung Quốc… của Cường đã chứng tỏ “Vua Dép lốp” đang chinh phục thị trường quốc tế như thế nào. Hãy biết Cường làm điều này, không đơn giản chỉ vì lợi nhuận kinh doanh, mà sâu xa hơn, CEO Nguyễn Tiến Cường trân trọng hình ảnh bản đồ Việt Nam được khắc tạc trên dép.

Tình yêu đối với nguồn cội, đối với Tổ quốc là điều thiêng liêng hiện diện trong cách nghĩ của Cường. Và “Cường phò mã” đi đâu cũng thích mang theo dép cao su bền bỉ và tinh xảo. Anh đặt đôi dép cao su ở dưới chân tháp Eiffel (Pháp), rồi mua vé máy bay cho dép sang chu du ở Đức, rồi tới Vạn lý trường thành (Trung Quốc)…

Với CEO Nguyễn Tiến Cường, luôn thôi thúc bởi một mục tiêu, gói gọn trong so sánh: “Cu Ba có cigar, Việt Nam có dép cao su”.

                                                                                             Theo: thegioitre.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.469.974
Tổng truy cập: