Tin tức nổi bật
Làng nghề nghìn năm tuổi bên sông Hồng
(Ngày đăng: 10/04/2018   Lượt xem: 668)
Sau một thời gian dài bị lãng quên, làng gốm Kim Lan đang từng bước được khôi phục và phát triển trở lại. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, đưa vào áp dụng những thành tựu công nghệ mới vào sản xuất, gốm Kim Lan đã và đang từng bước lấy lại tên tuổi, khẳng định vị thế của mình trên thị trường.

Tự hào gốm cổ

Nhắc đến làng nghề chuyên sản xuất gốm trên địa bàn Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến làng gốm Bát Tràng. Thế nhưng ít ai biết được rằng nằm ngay kế bên Bát Tràng còn có một làng gốm sứ khác có tuổi đời lâu hơn cả Bát Tràng, đó là Kim Lan. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 30km về Phía Đông Nam, làng gốm Kim Lan thuộc địa phận xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, cách làng gốm Bát Tràng chỉ một con kênh, là một trong những cái nôi của gốm sứ Kinh Bắc.

lang nghe nghin nam tuoi ben song hong
Người thợ gốm Kim Lan đang cần mẫn làm những sản phẩm gốm chất lượng.

Theo các cụ cao niên trong làng, gốm Kim Lan có từ thế kỉ VII và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỉ XII-XIII, là trung tâm của gốm sứ kinh thành Thăng Long. Sản phẩm gốm Kim Lan thời kì đó được xuất khẩu đi cả các thị trường nước ngoài như Đài Loan, Indonesia… Bằng chứng là ông Nguyễn Việt Hồng – Chủ nhân của Bảo tàng gốm cổ Kim Lan, người đã tìm được hàng nghìn di vật cổ đóng góp tích cực cho việc tìm hiểu lịch sử của làng Kim Lan cũng như đất Thăng Long xưa.

Chuyện bắt đầu từ năm 1967, khi vùng đất bãi Kim Lan ở bờ Bắc sông Hồng bị lở, ở độ sâu 5m, người ta thấy lộ nhiều lọ, bát, đĩa, với đủ các cỡ, màu men. Những năm 1980, các nhà ở xóm Chùa đào đất thấy những xâu bát nung quá lửa. Đến năm 1996, trên đất Hàm Rồng lại tìm thấy lộ 4 vò tiền cổ.

Sự việc trên diễn ra nhiều năm đã gợi cho ông Hồng nhiều trăn trở: “Tôi đã nghĩ phải chăng trên đất Kim Lan xưa có nhiều lò gốm cổ? Điều đó càng khiến tôi có động lực tiếp tục công việc đi tìm kiếm, nhặt nhạnh, thu gom những di vật ở dọc sông Hồng, dù nhiều lần bị cho là dở hơi, lẩm cẩm. Nhà nào tìm được đồ vật cổ nào tôi đều đến gặng mua về tìm hiểu”. Sau hàng chục năm say mê tìm kiếm, ông đã tìm được hàng nghìn di vật và phân thành nhiều nhóm.

Với những cổ vật đã tìm được, năm 2000, ông Hồng quyết định gửi đơn lên Sở Văn hóa – Thông tin, Viện Khảo cổ và Viện Bảo tàng Lịch sử đặt vấn đề nghiên cứu sâu hơn từ những phát hiện khảo cổ ở Kim Lan. Với sự tài trợ của Quỹ bảo vệ di sản trong lòng đất của Nhật Bản, ông Hồng cùng 4 cao niên trong làng đã dựng lên bảo tàng khảo cổ học cộng đồng ngay chính sân đình của làng Kim Lan. Với những đóng góp to lớn ấy, nhóm “Tìm lại cội nguồn” của ông Hồng đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội năm 2013.

Áp dụng công nghệ mới vào sản xuất

Từng sống nhờ vào thị trường gốm Bát Tràng, làng gốm Kim Lan đang dần lấy lại được vị trí của mình bằng việc liên tục đổi mới và áp dụng các thành tựu công nghệ mới vào sản xuất. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, tổng số hộ sản xuất gốm sứ trên địa bàn xã hiện nay là 288 hộ. Trong đó, đã có khoảng 230 hộ (chiếm gần 80%) chuyển đổi công nghệ từ lò than sang lò gas. Anh Đào Việt Bình, Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan cho biết: “Theo tính toán, sau khi đổi mới công nghề nung, các hộ làm nghề đã tiết kiệm được khoảng 70% năng lượng tiêu thụ và giảm hơn 80% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Đặc biệt, công nghệ mới cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh: Trước đây, khi sử dụng than, chỉ có khoảng 80% sản phẩm đạt loại 1.

Với việc nung bằng gas, sản phẩm loại 1 đạt từ 95 - 97%”. Là một trong những người đã có nhiều năm gắn bó với nghề gốm sứ, anh Vũ Văn Hưng cho biết, gia đình anh sản xuất gốm sứ từ năm 1994, sử dụng lò đốt than. Công nghệ này đã lạc hậu, lao động rất nặng nhọc, chi phí cao và lợi nhuận thấp. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” (Dự án LCEE), gia đình anh đã chuyển đổi sang lò nung gas. Anh Hưng cho biết: “Không chỉ cải thiện môi trường sống, giảm chi phí nhiên liệu, lò nung bằng gas còn tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất và giá bán cũng cao hơn do sản phẩm làm ra đẹp hơn, hấp dẫn hơn, mang lại hiệu quả cao” – anh Hưng cho hay.

Trước đây, Kim Lan chỉ sản xuất các sản phẩm gốm sứ như các vật dụng thường ngày trong gia đình, đồ trang trí, đồ mỹ nghệ… Hiện nay, các sản phẩm chính của Kim Lan là ngói, các loại chum, vại và một số hộ sản xuất đồ thờ, đồ gia dụng cũng rất được ưa chuộng. Nếu như trước đây các công đoạn sản xuất các sản phẩm gốm sứ của Kim Lan đều làm thủ công bằng tay thì trong những năm gần đây đã sử dụng các phương tiện máy móc nhiều hơn.

Anh Vũ Nhật Quang, chủ cơ sở sản xuất gốm Long Vân cho biết: “Để sản xuất ra một sản phẩm gốm sứ hoàn thiện mang ra ngoài thị trường cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ đổ thạch cao, đổ hồ, đất luyện, chắp ghép, đưa vào lò sấy, lau chuốt, tráng men cho đến trang trí,… Các công đoạn hầu như đều được áp dụng máy móc vào sản xuất, mang lại sản lượng cao gấp 3 lần trước đây. Hơn nữa, tính chuyên môn hóa trong công việc ngày nay rất cao, mỗi công nhân lao động sẽ phụ trách một công đoạn riêng. Năng suất lao động nhờ vậy mà ngày càng tăng cao.”

Sản xuất gốm ở Kim Lan giờ đây không chỉ giúp khôi phục và duy trì một làng nghề truyền thống mà còn mang lại việc làm cho hàng trăm công nhân lao động, mang lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng mỗi tháng cho nhiều cơ sở sản xuất. Anh Quang cho biết: “Hiện xưởng gốm của tôi đang tạo công ăn việc làm cho 12 lao động địa phương với thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Riêng thợ kỹ thuật tay nghề cao có thu nhập khoảng chục triệu đồng/ tháng”. Từ những kinh nghiệm và truyền thống vốn có, kết hợp thêm những cải tiến mới, trong những năm tới, gốm sứ Kim Lan sẽ còn có những bước phát triển mới, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường gốm sứ đang ngày càng đa dạng.
                                                                                          Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.469.247
Tổng truy cập: