Tin tức nổi bật
Phục chế cổ vật
(Ngày đăng: 22/01/2018   Lượt xem: 655)
Dưới bàn tay “phù phép”, những món đồ cổ mang niên đại đến cả ngàn năm trở nên lành lặn và tăng giá trị. Forbes Việt Nam tìm hiểu về nghề hiếm người làm này.
Phục chế cổ vật - ảnh 1

 Hũ gốm thời Lý phủ men kính bị bong tróc, bể vỡ, đang được phun lên lớp men mới tại xưởng phục chế. (Ảnh: Lam Phong)

Trong không gian “bí mật” của căn gác nhỏ ở quận 4 (TP.HCM) bừa bộn bột màu, máy bơm hơi, bình xịt, keo dán, các loại hóa chất khác nhau như một phòng thí nghiệm… là những món đồ cổ đủ loại, có món niên đại vài trăm năm như đồ sứ ký kiểu, đến những dòng gốm niên đại ngàn năm, tất cả đều bị sứt tai gãy gọng, hoặc có một khiếm khuyết nào đấy. Phần việc của chủ nhân không gian ấy, ông Đặng Tuấn Viên, là làm sao để các món đồ đó trở thành liền lạc, đẹp như thuở ban đầu.

Nghề sửa đồ cổ, với dân nghiên cứu, bảo tàng, được gọi bằng tên chuyên môn là “nghề phục chế”. Còn người sưu tầm, người buôn cổ ngoạn gọi là “thợ sửa đồ cổ”. Nói các thợvá đồ cổ (gồm nhiều chất liệu từ gốm, sứ, đá, đồng…) là “toàn năng” cũng không ngoa, bởi cái nghề kỳ lạ này hội tụ rất nhiều biệt tài kỳ diệu. Họ là nhà hóa học khi sử dụng keo kết dính, pha trộn các hóa chất tẩy rửa, tạo màu… Họ là nhà điêu khắc khi lắp ghép, tạo hình lại những mảng miếng đã mất của đồ cổ sao cho giống với nguyên bản. Họ cũng là họa sĩ khi có thể vẽ lại hoàn hảo các chi tiết đã mất trên các mảng đã phục chế. Họ còn là sử gia khi nắm bắt được các minh văn, họa tiết, lối trang trí trên đồ cổ để phục dựng theo nguyên bản đúng với niên đại. Họ là chuyên gia khảo cổ học vì hiện vật khi phục chế phải thể hiện được sự tàn phai theo thời gian. Họ là thợ sửa uy tín khi làm đúng hẹn và dấu sửa bền đẹp theo thời gian để người xem khi nhìn vào, không phân biệt đâu là đồ sửa, đồ đã qua phục chế. Trong giới sửa đồ cổ ở Việt Nam có số lượng đếm chưa quá 10 đầu ngón tay, Đặng Tuấn Viên có biệt tài sửa các dòng đồ cổ đa chất liệu, đặc biệt là gốm Việt thuộc các dòng Lý – Trần – Lê – Mạc, gốm đất nung.

Hơn 20 năm trước, Viên là chủ tiệm đồ cổ ở 46 Lê Công Kiều, Q.1, TP.HCM. Viên có phong thái thong dong nhàn du, quần áo chỉn chu, trông giống một nghệ sĩ ăn vận bảnh bao hơn là một tay buôn tối tắt mặt mũi với chuyện mua bán cổ vật. Đồ của ông bán cũng thường là những món nhỏ, tuyển chọn kỹ từ đầu vào, dẫu có sứt mẻ tí nhưng vẫn luôn được giới chơi đánh giá là đồ đẹp. Gắn bó với nghề cổ vật, tiếp cận nhiều loại hiện vật, kiến thức am tường trở thành nền tảng để Đặng Tuấn Viên chuyển sang nghề sửa đồ cổ. Có thể gọi đó là cơ duyên, trong đó có cả sự tiếc rẻ mỗi khi gặp hiện vật giá trị nhưng không còn toàn vẹn. Ông bắt đầu phục chế để phục vụ nhu cầu của người sưu tầm, và cũng là để thỏa mãn nhu cầu bản thân muốn thưởng thức đồ cổ ở góc nhìn toàn vẹn nhất. Trong lĩnh vực sưu tầm cổ vật giai đoạn 1990 – 2000, cũng xuất hiện nhiều thợ sửa đồ cổ, nhưng phần lớn các vết sửa – đặc biệt là dòng đồ sứ xanh trắng bị mất miểng, được thợ sửa đắp cốt, chỉ sau 2 – 3 năm là ngả màu vàng ố, bong men, trông rất thảm hại. Với Đặng Tuấn Viên, giới sưu tầm nhận định mỗi khi ông đồng ý phục chế một món cổ vật, vẻ đẹp nguyên bản thường được trả lại như ban đầu. Ví như cái tô sứ ký kiểu vẽ tích bách Thọ (100 chữ Thọ) hiệu đề “Ngoạn Ngọc” của một nhà sưu tập ở Phú Nhuận do tuột tay bể nát vụn thành trăm mảnh, đã được ông phục dựng nguyên bản, gõ kêu boong boong sau hơn tháng ròng ở xưởng. Sau 15 năm, người viết chứng kiến cái tô vẫn nguyên dạng, không lộ tí dấu vết gì của việc phục chế ngoại trừ khi soi lên đèn.

Cái đĩa sứ ký kiểu thời Thiệu Trị (thế kỷ 18) vỡ vụn, thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13) toác đi một nửa, cái tô thời Nguyên (thế kỷ 13) chỉ còn lại mỗi phần đáy… khiến vẻ đẹp nguyên bản của hiện vật chỉ còn lại trong trí tưởng tượng hoặc từ lý thuyết sách vở, và hiển nhiên giá trị của đồ bể cũng vì đó giảm đi rất nhiều so với giá thực của thị trường. Để tìm lại đường nét nguyên bản cho hiện vật, từ cốt thai, nét vẽ, màu men, kiểu dáng, kích thước… thợ sửa đồ sử dụng kỹ thuật tạo hình, điêu khắc, hội họa, men thuốc, nhiệt độ nung, làm cũ… đưa món đồ bể vỡ được trở nên ngay lành, toàn vẹn.

Phục chế cổ vật - ảnh 2

 Đặng Tuấn Viên với chiếc bình gốm Lý vỡ nát vừa được phục chế hoàn thiện.

Ở Việt Nam, công lao động của thợ sửa đồ cổ lành nghề không tính bằng ngày, bằng tháng, bằng năm, mà bằng kết quả thực tại. Giá sửa cũng không có khung nhất định, kêu bao nhiêu trả bấy nhiêu, hình thành một nghề kỳ lạ, hiếm, quý, phục vụ giới sưu tầm và mua bán trong thị trường cổ ngoạn. Việc sửa và phục chế hoàn thiện các phần khiếm khuyết chỉ là một trong những công đoạn cơ bản. Cái khó hơn là khi hiện vật phục chế hoàn hảo, còn phải được làm cũ cho tương đồng với các phần còn nguyên vẹn. “Khi ấy phải dùng các kỹ thuật chà nhám, hoặc phun cát, tạo nét lạc tinh cho phần vừa sửa. Quá trình này tôi có được là nhờ tiếp cận với nhiều cổ vật mang niên đại khác biệt, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, sưu tầm và trau dồi nghề qua từng hiện vật được mọi người tin tưởng đưa cho phục chế,” ông Viên cho biết.

Phù hợp với người sưu tầm
Nguyễn Anh Tuấn – giám đốc công ty Tân Di Sản Việt, từng công tác tại bộ phận trưng bày của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM – chia sẻ quan điểm về sửa đồ cổ: “Theo công tác bảo tàng, một hiện vật khi mất mảnh, nguyên tắc sửa sẽ phục dựng lại phần đã mất nhưng không vẽ hoa văn. Dấu sửa để lộ rõ để người xem biết đó là hiện vật phục dựng. Còn cách sửa vẽ cả hoa văn, trả lại theo nguyên trạng vẻ đẹp ban đầu thường được người sưu tầm, hoặc buôn bán ưa chuộng vì dễ trưng bày hoặc khi giao dịch sẽ có giá tốt hơn là đồ bể vỡ”

Ở Việt Nam, thị trường cổ ngoạn có hai dòng đồ cần sửa nhiều là đồ đào (đào dưới đất lên) thuộc niên đại cách đây cả ngàn năm (thời Lý, Trần). Dòng hiện vật này (với những đồ lớn như thạp, hũ, chậu) hiếm cái nào đạt mức độ toàn bích, bởi là cốt gốm xốp, qua thời gian đã mục nát hết cả. Do vậy để có đồ đẹp, ít nhiều phải qua sửa sang, tút tát, nếu không can thiệp vào cốt gốm thì cũng phải chấm lại một số chỗ trên lớp men xưa. Gốm Việt đã qua phục chế rất khó phân biệt bởi cốt gốm không có độ thấu quang khi soi qua ánh đèn.Do vậy chỉ còn cách nhìn vào lớp men bề mặt mà đoán biết. Biệt tài của thợ sửa đồ cổ không chỉ đơn thuần là gắn, vá, đắp… dùng chính miểng vỡ của dòng đồ cùng niên đại, khi gắn keo, rồi tiếp tục vẽ lên, phủ men, tạo ra các nét vẽ dưới men nên rất khó để người thường cảm nhận đâu là cũ – mới, thật – giả, kể cả việc dùng các phương pháp khoa học, bởi cốt gốm cũng là đồ thật, chỉ có lớp keo dán và men phủ được làm mới. Một dòng đồ khác là đồ sứ. Việc phân biệt các chi tiết sửa trên đồ sứ dễ hơn gốm, bởi cốt sứ trắng có độ thấu quang cao, khi đưa ra ánh đèn sẽ nhìn rõ được các dấu mờ, dấu re nứt (hair line) dù đã được chắp vá, gõ kêu boong boong hoàn hảo chứ không lạch cạch như lúc re nứt ban đầu.

Phục chế cổ vật - ảnh 3

 1. Chiếc tô đời nguyên (1271 – 1368) bể nát, chỉ còn lại phần trôn bé bằng lòng bàn tay, giá cũng đã trên chục nghìn đôla. Sau gần nửa năm phục dựng họa tiết hoa lam, phần trôn được dựng thành cái tô đẹp như nguyên bản, để ra thị trường với giá 28.000 đô la mỹ.
2. Đồ sứ đông thanh thời nguyên với miệng hũ tróc men đã được sửa hoàn thiện.
3. Ấm gốm men ngọc (Celadone) thời Trần (thế kỷ 15) với phần quai được làm mới hoàn toàn và miệng đã qua chỉnh sửa.

Đồ ký kiểu của triều Nguyễn, đến những dòng sứ hiếm trên thị trường như đồ thời Nguyên (1271 – 1368), khi giá trị của hiện vật tính bằng centimet vuông, quy ra bạc tỉ, việc sửa lại những chi tiết khiếm khuyết sẽ “hái ra tiền” cho cả người sửa và người sở hữu. Mới đây, trong một giao dịch ở trị trường cổ ngoạn Việt, cái tô thời Nguyên đường kính hơn 40cm đã bể nát, chỉ còn lại phần trôn bé bằng lòng bàn tay, giá thị trường cũng đã trên chục ngàn đô la Mỹ. Sau gần nửa năm biến hóa, phần trôn được dựng thành cái tô đẹp như nguyên bản, với giá 28 ngàn đô la Mỹ. Giá sửa món đồ này không được chủ nhân tiết lộ, chỉ được bật mí là rất đắt nhưng quả thật nhìn vào cái tô đã sửa hoàn thiện, thợ tay ngang và người sưu tầm khó mà cảm được toàn bộ nét vẽ, hình hài của cái tô thật mà… giả ấy.

Nhuần nhuyễn
Biệt tài của thợ sửa đồ cổ không chỉ đơn thuần là gắn, vá, đắp… dùng chính miểng vỡ của dòng đồ cùng niên đại, khi gắn keo, rồi tiếp tục vẽ lên, phủ men, tạo ra các nét vẽ dưới men nên rất khó để người thường cảm nhận đâu là cũ – mới, thật – giả, kể cả việc dùng các phương pháp khoa học, bởi cốt gốm cũng là đồ thật, chỉ có lớp keo dán và men phủ được làm mới. Người viết từng gặp những hiện vật gốm hoa nâu thời Trần đã qua phục chế, khi hỏi lại ngay bản thân thợ sửa cũng không nhớ rõ đã sửa chỗ nào và có bao nhiêu phần trăm sửa, bởi sự tương đồng giữa chỗ sửa và chỗ nguyên bản quá hoàn  chỉnh.

Ông Viên cho biết, món đồ bể vỡ, giá trị mua vào chỉ là rẻ mạt, như chiếc đĩa gốm Chu Đậu ở thế kỷ 15, chỉ vài trăm ngàn. Nếu sửa hoàn thiện thật khó tính thời gian, có khi hàng tuần, có khi cả tháng mới sửa xong. “Tính tiền mà quy ra công thì không tính được vì biết bao nhiêu tính cho đủ. Tôi theo nghề là phần vì đam mê,” ông nói. Là người thường hợp tác với giới sưu tầm – những người có đưa hiện vật vào các cuộc triển lãm nhóm ở bảo tàng – ông Viên không tham gia quá trình phục chế cho bảo tàng vì “gian nan thủ tục.” Điều độc đáo là nghề sửa đồ cổ phát triển theo hình thức nghề dạy nghề và uy tín nâng dần theo thời gian. Chuyện sửa một món đồ cổ đã qua bể vỡ, với những hiện vật bảo tàng, chuyện phục dựng hình hài, màu men, nét vẽ… sẽ hữu ích, giúp người xem hình dung trọn vẹn vẻ đẹp hiện vật. Riêng trong giới sưu tầm, có người thích giữ nguyên hiện trạng món đồ dù bể vỡ, mất miểng, người lại thích phục chế đắp cốt, vẽ lại men… miễn để món đồ toàn vẹn, thêm đẹp và giá trị. Còn với giới mua bán cổ vật, việc sửa thành nguyên bản bán có giá hơn so với đồ bể vỡ. Chưa kể với những tay buôn “đạo đức” kém, chuyện sửa đồ còn là để gài bẫy những người chơi mới vào nghề. Hiện vật được bán với giá đồ nguyên nhưng thực chất là đồ bể vỡ.

Phục chế cổ vật - ảnh 4

 4. Thạp gốm thời Trần với nhiều chi tiết bị khiếm khuyết đã được đắp cốt mới, liền lạc
với cốt gốm cũ.
5. Độc bình sứ men màu bị vỡ phần miệng đã qua phần dựng cốt và đang được tô men theo nguyên bản.

Sự tài ba đôi khi cũng khiến thợ sửa đồ dễ ôm tai tiếng, bởi phải nằm giữa lằn ranh thiện – ác mong manh. Chỉ một biệt tài biến hóa nhỏ, từ cái nậm tì bà trắng trơn, hình con vịt (uyên ương) của dòng gốm hoa lam Chu Đậu, giá thị trường dăm ba triệu bởi chỉ có cốt mà không có hoa văn, thợ sửa đồ có thể vẽ lên đó những đường nét hoa lam đẹp như nguyên bản, có giá trăm triệu đồng là thường tình. Chưa kể những lắp ghép của đáy bình này với thân bình nọ, cùng quai bình kia, tất cả đều là đồ thật, nhưng sẽ sản sinh ra một hiện vật độc – lạ. Thế nên không ít những hiện vật khi được sửa hoàn thiện, từng gây đau đầu với nhà nghiên cứu, sưu tập bởi kiểu dáng lạ, hoa văn, họa tiết chưa từng thấy bao giờ. Và trong thế giới cổ ngoạn, cái gì độc, hiếm lạ sẽ dễ bán với giá cao ngất ngưởng. Thợ sửa đồ nhiều khi chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng, nhưng rất dễ bị quy kết thành lừa đảo hơn là một “bác sĩ thẩm mỹ” thông thường. Thế nên, dù có lành nghề, vững nghề mấy, giới sửa đồ cổ Việt Nam thường hoạt động âm thầm và khá kín tiếng.

                                                                                        Theo: forbesvietnam.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.003
Tổng truy cập: