Tin tức nổi bật
Trúc chỉ: một hành trình ngoạn mục
(Ngày đăng: 20/01/2018   Lượt xem: 1426)
Những ngày cuối cùng của năm 2017, tại gallery Imperial (8 Hùng Vương, TP. Huế) đã diễn ra một sinh hoạt mỹ thuật đặc sắc: triển lãm 132 tác phẩm trúc chỉ, thành quả từ hai khóa học và thực hành ngắn hạn (workshop) được tổ chức trước đó trong khuôn khổ của dự án “Hành trình trúc chỉ (lần I, tháng 12-2017)”.

Trước đó không lâu, triển lãm “Trúc chỉ: lời của sông – phiên bản 2017”(*) tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Đà Nẵng đã trở thành một sự kiện văn hóa đáng nhớ ở thành phố bên sông Hàn.

                                                                          Họa sĩ Phan Hải Bằng

Sinh năm 1971 tại Quảng Bình, họa sĩ Phan Hải Bằng hiện là giảng viên bộ môn Đồ họa của Trường Đại học Nghệ thuật Huế và là người khai sáng nghệ thuật trúc chỉ, người điều hành dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam.

Người khai sinh nghệ thuật trúc chỉ là họa sĩ Phan Hải Bằng của xứ Huế. Đã gần mười năm từ khi anh nhận được học bổng sang Đại học Mỹ thuật Chiang Mai (Thái Lan) nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy vốn là mối quan tâm, cũng là nỗi trăn trở của anh trước sự thiếu thốn vật liệu sáng tác đồ họa, bộ môn mà anh đã giảng dạy nhiều năm tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Chính ở đất nước bạn, Phan Hải Bằng đã tìm được cách tạo tác một loại giấy mới, tựa như cách làm giấy thủ công cổ truyền ở các làng nghề tại Việt Nam, nhưng bề mặt loại giấy mới này có thể được chạm nổi nhiều tầng, nhiều lớp bằng kỹ thuật tương tự như kỹ thuật khắc bằng axit lên kim loại (etching: cho axit ăn mòn bề mặt kim loại để có được những chi tiết mà họa sĩ muốn chạm khắc) và kỹ thuật in lụa hay in lưới (silk screen) của đồ họa.

Trở về nước, Phan Hải Bằng lại tiếp tục đến Bắc Ninh nhiều ngày để nghiên cứu về nghề làm giấy dó cũng như nguyên liệu chế tác loại giấy được dùng để vẽ tranh này. Và anh nhận biết được chính cây tre là loại nguyên liệu thích hợp nhất, dễ tìm nhất để làm loại giấy mới của anh. Nếu tờ giấy dó là thành phẩm cuối cùng của quy trình làm giấy truyền thống tại Bắc Ninh và các làng nghề làm giấy khác tại Bắc bộ, thì với Hải Bằng tờ giấy chỉ mới là khâu đầu tiên của sáng tạo nghệ thuật, là cái nền để người nghệ sĩ thực hiện tác phẩm hoàn toàn bằng… giấy, không cần sử dụng bất kỳ vật liệu, dụng cụ hội họa nào khác như màu, cọ…, cũng không cần đến các kỹ thuật in lên giấy.

Có thể tóm tắt cách thực hiện một tác phẩm trúc chỉ như sau: bột giấy (được làm từ tre hay có thể bất kỳ nguyên liệu nào khác: rơm, bã mía, lá chuối, dâu, bèo, cỏ…) thả vào bể chứa nước, sau đó được “xeo” lên khung thành tờ giấy, chính lúc đó người nghệ sĩ sẽ can thiệp vào bề mặt giấy còn ướt bằng một vòi phun nước, lực tác động của nước có thể trở thành “cọ” nhằm tạo những sắc độ, những tầng lớp khác nhau trên bề mặt giấy.

Và để tạo hoa văn, hình ảnh, người nghệ sĩ đặt những hình đã cắt, trổ lên bề mặt giấy ướt, tiếp tục phun nước để tạo ăn mòn như khắc axit trên mặt kim loại. Tất nhiên công đoạn tạo hình này hết sức công phu, đồng thời đòi hỏi trình độ tay nghề của người nghệ sĩ. Khi tờ giấy khô, được gỡ khỏi khung thì tác phẩm trúc chỉ đã hoàn thành.


Một tác phẩm trúc chỉ trong triển lãm “Trúc chỉ: lời của sông” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

                               Bộ tranh trúc chỉ được trang trí tại một ngôi chùa miền Bắc

Tại sao lại gọi sáng tạo trên giấy này là “trúc chỉ”? Tên gọi “trúc chỉ” được nhà văn – dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4-2012, hàm ý thông qua tinh thần của cây tre để đề cao giá trị Việt. Với ý nghĩa đó, trúc chỉ được hiểu là một loại hình nghệ thuật – giấy của người Việt, do người Việt tạo ra.

Cũng từ đó, đã hình thành một thuật ngữ mới “đồ họa trúc chỉ/ trucchigraphy” đã được công nhận và sử dụng bởi giới chuyên môn trong nước cũng như đồng nghiệp ở các nước khác, đồng thời lĩnh vực đồ họa tại Việt Nam có thêm một loại hình mới. Nói cách khác, nghệ thuật trúc chỉ đã có đóng góp đáng kể vào nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật thị giác Việt Nam đương đại. Công lao đó trước tiên thuộc về họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự của anh, những người đã không chỉ nuôi dưỡng một giấc mơ mà còn hiện thực hóa giấc mơ đó vào đời sống.

Quạt trúc chỉ

Kỹ thuật đồ họa trúc chỉ còn được ứng dụng để làm mới, nâng tầm các sản phẩm thủ công vốn đã có từ lâu nay, chẳng hạn như với chiếc nón bài thơ của xứ Huế. Thay vì là những tàu lá buông hiền lành được trổ những hình ảnh, hoa văn cũ kỹ, chiếc nón được chế tác bằng trúc chỉ đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Tiếp đó là những cây đèn ngủ, cây quạt tay, chiếc dù che nắng… rồi hộp đựng đồ trang điểm, xách tay và ví dành cho phụ nữ và nhiều đồ dùng thân thuộc hằng ngày của người Việt. Để trang trí nội thất gia đình, có một bộ sưu tập các tác phẩm dành cho phòng thờ, phòng thiền, phòng thư giãn, phòng khách, phòng làm việc, hay một bộ đèn trang trí trúc chỉ cho các không gian chức năng của ngôi nhà Việt…

Khi Nhật hoàng sang thăm Việt Nam và tham quan xứ Huế vào tháng 3.2017, Ủy ban Nhân dân TP. Huế đã đặt một tác phẩm trúc chỉ làm quà tặng cho vị khách quý. Tập đoàn Viettel cũng đã chọn trúc chỉ để làm quà tặng cho khách hàng nước ngoài. Gần đây, một ngôi chùa ở miền Bắc đã trang trí bằng các tác phẩm trúc chỉ với các hình ảnh đậm chất thiền…

Dù vậy, trúc chỉ cả về mặt tác phẩm nghệ thuật cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa có được sự tôn vinh đúng mức. Ngay cả tại Huế vẫn có rất nhiều người chưa biết đến những nỗ lực không mệt mỏi của họa sĩ Phan Hải Bằng và đội ngũ cộng sự trẻ tuổi của anh. Chính vì vậy, “Hành trình trúc chỉ (lần 1)” mới đây tại Huế là cách để trúc chỉ đến gần hơn nữa với giới sáng tác mỹ thuật Huế và công chúng rộng rãi.

Đây cũng là dịp công bố một tác phẩm trúc chỉ giành được giải thưởng Thiết kế đồ họa Hoa Kỳ (GDUSA) 2017 mà tác giả là Đặng Thị Bích Ngọc, cựu sinh viên khoa Thiết kế đồ họa, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Tác phẩm đoạt giải là cụm poster tuồng San hậu, được thể hiện bằng nghệ thuật trúc chỉ. Cần nói thêm: GDUSA là giải thưởng của tạp chí Graphic Design USA dành cho cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp, có uy tín trong giới chuyên môn.


                 Bộ poster San hậu đoạt giải thưởng GDUSA 2017

_________________

(*) Phiên bản mới của triển lãm “Trúc chỉ – Lời của sông” năm 2016 tại Viện Goethe, Hà Nội. “Lời của sông” lấy cảm hứng từ câu “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” của nhà triết học cổ đại Hy Lạp Heraclitus, qua đó thể hiện đời sống và sự sáng tạo luôn vận động, trôi chảy không ngừng nghỉ – một tiếp biến tất yếu. Trúc chỉ cũng vậy: một sự nối tiếp truyền thống xưa cũ để hình thành những sáng tạo mới, hiện đại.

                                                                               Theo: nguoidothi.net.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.519.150
Tổng truy cập: