Tin tức nổi bật
Một thú chơi tao nhã
(Ngày đăng: 29/12/2017   Lượt xem: 591)

Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường với khóm thủy tiên của mình.

Ðón Tết "Tây" cũng là lúc những người chơi hoa thủy tiên bắt đầu cho "vụ chơi" mới. Những củ hoa thủy tiên được chăm sóc, tỉa gọt công phu để phục vụ Tết Nguyên đán. Có được bát hoa đẹp là cả một cuộc chinh phục gian nan. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường là người tìm lại được những bí quyết gọt hoa thủy tiên của người Hà Nội xưa.

Cứ vào khoảng cuối tháng 12 (dương lịch), nghệ nhân Nguyễn Phú Cường (tập thể Thành Công, quận Ba Ðình) lại tìm đến các chợ hoa, những đầu mối quen thuộc để chọn củ thủy tiên. Giống là một yếu tố quan trọng để có một bát thủy tiên đẹp. Củ già khoảng ba năm, khi gọt rễ thủy tiên mới giàu sức sống. Ông hay đùa: Muốn chơi thủy tiên thì phải là người có nhiều "vàng". Không có "vàng" dễ hỏng lắm". "Vàng" ở đây là thời gian. Chỉ gọt vài chục bát thủy tiên để chơi, để tặng bạn bè, nhưng cứ vào cữ tháng Chạp (âm lịch) là ông hạn chế tiếp khách, dành thời gian cho "đứa con tinh thần" của mình. Sơ suất một chút là củ thủy tiên bị thối ngay, hoặc không lên được những giỏ hoa như ý.

Hoa thủy tiên vốn là thú chơi tao nhã của người Hà Nội khi Tết đến, xuân về. Mầu hoa trắng tinh khiết, nhụy hoa vàng ở giữa, được ví như "chén vàng trên mâm bạc". Hương hoa rất thanh nhã. Có một bát hoa thủy tiên trên bàn tiếp khách những dịp đầu năm mới luôn là niềm tự hào của gia chủ. Ông ngoại nghệ nhân Nguyễn Phú Cường thuộc dòng họ Phạm Gia danh tiếng ở Ðông Ngạc. Khi mới tập đi, cậu bé Nguyễn Phú Cường sống cùng ông ngoại ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, quận Ðống Ða). Cứ gần Tết, cậu thấy ông suốt ngày loay hoay với mấy "củ hành" bên bể nước. Mãi đến Tết, "củ hành" bung ra những nụ hoa thanh khiết, cậu mới biết đó là hoa thủy tiên.

Mỗi dịp Tết đến, ông Cường lại bồi hồi nhớ bát thủy tiên xưa. Ông nghe ngóng mọi thông tin, đọc báo, rồi đi đến những chợ hoa tìm củ thủy tiên. Cứ cuối năm, ông lại đi tìm mua củ thủy tiên và cùng cô con gái gọt tỉa. Cha con cứ mày mò, hồi hộp chờ mong. Rồi những cái mầm cũng hé ra. Giò hoa vươn lên. Ngày Tết, ông bày bát thủy tiên trên bàn với cả niềm tự hào.

Tuy nhiên có một điều mà cha con nghệ nhân Nguyễn Phú Cường băn khoăn đó là những bát thủy tiên giờ... khác xưa. Cả lá lẫn hoa cứ thẳng đuỗn, cao ngẳng lên, không có dáng thế đẹp mắt. Mỗi năm chỉ có một dịp gọt thủy tiên rồi lại đợi đến năm sau. Ròng rã, sáu bảy năm như thế, năm nào ông cũng mua, cũng cắt tỉa, cũng gọt. Năm nào cũng khấp khởi chờ đợi rồi thất vọng. Tìm gặp một số người được xem là "cao thủ" gọt thủy tiên, cũng chẳng ai khá hơn.

Tình cờ có dịp làm quen với một Việt kiều ở Mỹ biết gọt thủy tiên về Việt Nam, cha con ông Cường đến tận khách sạn xin gặp. Hôm đó là ngày 28 tháng Chạp. Vị Việt kiều già bảo: "Bố con ông tìm cho tôi một củ thủy tiên". Sát Tết, tìm mãi không được. May sao, có một hiệu hoa còn mấy củ chỏng chơ. Vị Việt kiều già bảo bố con ông Cường gọt thử. Gọt xong, vị Việt kiều cười xòa bảo: "Cha con ông gọt thế chẳng có tác dụng gì". Sau khi được chỉ dẫn, ông Cường mới vỡ lẽ. Thời xưa, lá của bình thủy tiên chiếc xoăn, chiếc cong, tạo những hình thế đẹp mắt. Những giò hoa đẹp, độ cao vừa phải, được tạo dáng. Sự kết hợp hài hòa ấy tạo ra những bát thủy tiên đẹp.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường chia sẻ: "Thủy tiên thuộc họ hành. Giống như củ hành tây. Gọt thủy tiên là tách những phần bên ngoài, để lộ ra cái mầm hoa, mầm lá bên trong. Khi tác động vào phần mầm hoa, mầm lá, chúng sẽ không mọc lên một cách tự nhiên nữa, mà cong hoặc xoăn tạo thành những dáng thế. Tùy theo cách tạo dáng của người chơi mà hoa, lá sẽ cong theo những hình thế khác nhau". Nói thì dễ, nhưng thực hành mới khó. Càng bóc những lớp vỏ ra, thì màng bọc mầm lá, hoa càng mỏng. Chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể làm xước lớp màng này. Nếu màng bị xước, hoa sẽ bị thối.

Nhờ bảy năm kinh nghiệm trước đó, cho nên sau khi học được bí quyết, ông Nguyễn Phú Cường và con gái đã thành công. Tuy nhiên, do loài cây này "khó tính", nên để có một bát thủy tiên đẹp vẫn là thách thức. Càng chơi, ông Cường càng nghiệm ra vì sao ngày xưa các cụ mê thủy tiên. Bởi hiếm có loài hoa nào hội tụ đủ các vẻ đẹp như thế. Thủy tiên đẹp từ rễ. Thủy tiên thường bày trong bình, bát thủy tinh, bộ rễ trắng muốt như những lớp sóng, như bộ râu mới đẹp. Muốn thế phải "chải", phải vệ sinh thường xuyên. Thủy tiên đẹp ở lá, ở hoa, ở dáng. Nhưng chưa hết, thủy tiên còn đẹp ở mùi hương thanh nhã.

Nhiều người tìm đến nghệ nhân Nguyễn Phú Cường để học hỏi. Ông luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm mình có được khi chăm sóc loài hoa thanh tao này.

                                                                             Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.519.469
Tổng truy cập: