Tin tức nổi bật
Nghề rèn dao của người Nùng ở Phúc Sen
(Ngày đăng: 03/10/2017   Lượt xem: 608)

Phúc Sen là một xã thuộc huyện Quảng Uyên, cách TP Cao Bằng khoảng 30km về phía đông. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phong cảnh non nước hữu tình, nằm trong khu vực Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng An. Cho tới nay, ở Phúc Sen vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đáng quý. Và tiêu biểu nhất trong số đó, chính là nghề rèn dao của đồng bào nơi đây.

Ai ơi hãy đến Phúc Sen

Từ xa đã vọng koong keeng làng nghề.

Dọc theo Quốc lộ 3, từ TP Cao Bằng vào các huyện miền đông của tỉnh Cao Bằng, chỉ mới đặt chân tới Phúc Sen, chúng tôi đã có thể nghe thấy tiếng quai búa vang lên khắp bản làng. Theo những người có thâm niên trong làng nghề kể lại, nghề rèn dao đã xuất hiện ở Phúc Sen từ rất lâu đời. Và thật bất ngờ, trải qua hàng trăm năm nhưng nghề rèn truyền thống của đồng bào Nùng An nơi đây không bị mai một như nhiều làng nghề truyền thống khác, mà còn phát triển từng ngày.

Ở Phúc Sen có 10 xóm thì sáu xóm có nghề rèn với 157 hộ làm nghề, 358 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ. Chúng tôi tới thăm lò rèn của gia đình ông Long Văn Minh, nằm ven đường Quốc lộ 3, để tìm hiểu về nghề rèn cũng như bí kíp làm ra những sản phẩm dao trứ danh đến thế.

Ông Long Văn Minh giải thích: Để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Điều đặc biệt chính là nước để tôi dao ở đây bao gồm rất nhiều thành phần và đó chính là bí quyết thành công của làng nghề nơi đây. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

Ở một lò rèn dao, bao giờ cũng có thợ chính và thợ phụ. Và ở Phúc Sen, hình ảnh những người phụ nữ làm thợ phụ cho chồng ở lò rèn dao cũng rất quen thuộc. Không chỉ chăm lo đồng áng, các chị còn ra lò rèn cùng quai búa để kiếm thêm thu nhập. Có lẽ, ít nơi mà người phụ nữ dẻo dai và khỏe mạnh như ở Phúc Sen. Tưởng chừng những công việc này chỉ dành riêng cho đấng mày râu, nhưng những người phụ nữ ở đây vẫn rất uyển chuyển, chắc chắn trong từng quai búa. Công việc nặng nhọc là vậy, nhưng với các chị, được phụ giúp chồng con ở lò rèn và được làm nghề truyền thống của quê hương mình, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Đã có một thời gian, các làng nghề rèn ở Phúc Sen chao đảo trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái-lan với mẫu mã đẹp, mầu trắng sáng, giá rẻ hơn. Thị trường tiêu thụ không ổn định cũng đang là nỗi trăn trở lớn của người làm nghề. Thế nhưng, với người Nùng An ở Phúc Sen, họ chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề mà cha ông đã truyền lại.

Chẳng thế mà nghề rèn đã đưa những người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo, học tập được nhiều công nghệ và tri thức mới. Lẫn trong những nếp nhà truyền thống, đâu đó ở Phúc Sen, đã mọc lên những ngôi nhà xây, kiên cố chắc chắn.

Ông Nông Văn Thắng, cán bộ văn hóa xã Phúc Sen cho biết: “làng nghề rèn dao Phúc Sen được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, cha truyền con nối tồn tại từ rất lâu đời, tuy nhiên về quảng bá hình ảnh sản phẩm thì hiện nay vẫn còn hạn chế. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những phương hướng cụ thể để khắc phục, trước hết là tuyên truyền cho bà con để nâng cao chất lượng sản phẩm, thứ hai là đưa sản phẩm dao Phúc Sen tới các hội chợ của các tỉnh khác và giới thiệu rộng rãi trên cả nước. Đồng thời đưa vào quảng bá trong kế hoạch làng du lịch cộng đồng để khách du lịch có thể được trải nghiệm và để khách biết tới nghề rèn truyền thống của Phúc Sen”.

Người Nùng An ở Phúc Sen có câu: "Mầy lếch sạu mầy than/Rạu tú ràn má tăng" (Có sắt và có than/Mình mới cùng nhau rèn), để thấy, đối với đồng bào nơi đây, nghề rèn đã là một phần gắn bó không thể thiếu trong đời sống của họ.

Duy trì nghề truyền thống không chỉ để giữ gìn bản sắc, mà còn giúp người Nùng An ở Phúc Sen nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

Về hình thức, dao Phúc Sen có thể không được đẹp và bóng bảy. Nhưng về chất lượng lại luôn vượt trội về độ sắc bén và bền chắc. Bởi cái chất đôn hậu, chất phác của những người thợ có lẽ đã được thổi hồn vào từng sản phẩm. Để rồi nhắc tới Phúc Sen, ai cũng sẽ luôn nhớ về sắc áo chàm duyên dáng lẫn trong ánh lửa của bễ lò rèn bập bùng cùng tiếng quai búa nhịp nhàng vang vọng núi non nơi miền biên viễn của Tổ quốc.

                                                                                           Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.520.620
Tổng truy cập: