Tin tức nổi bật
Khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô
(Ngày đăng: 04/09/2017   Lượt xem: 533)

Biểu diễn văn nghệ dân gian tại chợ đêm phố cổ đã trở thành sinh hoạt văn hóa đặc trưng vào các tối cuối tuần ở Hà Nội.

Bài 2: Cần những giải pháp quyết liệt, cụ thể

Bên cạnh lợi ích kinh tế, công nghiệp văn hóa, còn xây dựng và quảng bá hình ảnh Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung một cách hiệu quả. Các giải pháp đề ra sẽ chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể, sự phối hợp của chính quyền TP Hà Nội với các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Dễ nói, khó làm?

Theo kế hoạch, ngành điện ảnh của Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu phim, đến năm 2020 có từ 0,8 đến 1,2 triệu lượt người xem phim/năm, sản xuất từ ba đến năm phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất từ bốn đến sáu phim/năm. Nếu so tổng số phim trên cả nước, số lượng này khá khiêm tốn. Tuy nhiên, không ít người làm điện ảnh Thủ đô e ngại rằng, với tình hình hiện tại, con số này có phần quá “lạc quan”.

Đại diện Hội Điện ảnh Hà Nội phân tích: Đáng lẽ, Hà Nội phải có một đời sống văn hóa điện ảnh sôi động, hiện đại; có nền công nghiệp điện ảnh dẫn đầu đất nước và khu vực, có nhiều hãng phim lớn có sức cạnh tranh. Thế nhưng đến giờ, những điều ấy mới chỉ là mơ ước. Trên thực tế, hoạt động sản xuất phim truyện nhựa của Hà Nội gần như bị bỏ ngỏ. Hiện chỉ có Hãng phim Sao Khuê duy trì hoạt động nhưng chủ yếu là làm phim tài liệu và phim truyền hình. Đối với phim truyện chiếu rạp, khối làm phim tư nhân ở Hà Nội tham gia thưa thớt. Nghệ sĩ Nhân dân Hà Bắc, một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phim hoạt hình thẳng thắn cho rằng, chỉ tiêu sản xuất bốn đến sáu phim hoạt hình mỗi năm giai đoạn 2016-2020 và là phim chất lượng cao, thu hút khán giả mua vé vào rạp, đối với Hà Nội rất khó thành hiện thực.

Vấn đề chính không hẳn là do thiếu nhân lực. Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội Đan Thiết Thụ cho biết, hội có 250 hội viên, mỗi năm ít nhất cũng có đến cả chục kịch bản phim được đánh giá cao. Nhưng để làm phim thì cần kinh phí, trong khi tổ chức, quy trình duyệt kinh phí hỗ trợ theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước còn chồng chéo, rắc rối. Phim phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố mới được đặt hàng, nhưng thời điểm giải ngân thường muộn, khó kịp tiến độ. Còn nếu theo hình thức xã hội hóa, đương nhiên các nhà đầu tư sản xuất phim thương mại sẽ chọn kịch bản theo tiêu chí câu khách… Đó là cái vòng luẩn quẩn mà điện ảnh Hà Nội không tránh khỏi. Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh, người đã có nhiều kịch bản phim về đề tài Hà Nội, chia sẻ, ông phải tự đưa kịch bản đi các nơi để tìm nhà sản xuất, cho dù những kịch bản này được trao nhiều giải thưởng chuyên môn. Các trại sáng tác vẫn được tổ chức, các cuộc thi viết vẫn được phát động, nhưng phần lớn kịch bản không được làm thành phim vì thiếu kinh phí. Chẳng hạn như 30 tập phim truyền hình “Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm” (tác giả: Đan Thiết Thụ - Minh Quỳnh), được chuẩn bị trong vòng sáu năm với nhiều tư liệu quý, khai thác hai hình tượng chính là Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Theo dự định của Hội Điện ảnh Hà Nội, bộ phim là công trình nghệ thuật kỷ niệm 600 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (năm 2018). Phim được sản xuất với sự hợp tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa cùng dòng tộc họ Lê Việt Nam; kinh phí sản xuất theo quy chế đặt hàng của UBND thành phố Hà Nội và xã hội hóa. Thế nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được duyệt.

Du lịch văn hóa, được xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, cũng chưa có những bước tiến xứng với tiềm năng. Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hiện thành phố có hơn 5.900 di tích, trong đó có bốn di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới; nhiều món ăn hấp dẫn, nhiều nghệ sĩ tên tuổi gắn với những bộ phim, bài hát, dòng tranh… có thể tạo nên vị thế trung tâm du lịch của miền bắc. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 1.300 làng nghề truyền thống. Thế nhưng, trong hơn 10 năm qua, danh sách điểm đến và hoạt động trong tua tham quan Thủ đô gần như không thay đổi. Nhiều làng nghề truyền thống dần bị mai một, sản phẩm cũ kỹ, thiếu sáng tạo, chưa thể hiện được đặc trưng văn hóa bản địa. Giữa du lịch và di sản vẫn chỉ là những cái bắt tay hờ hững. Còn việc xây dựng các sản phẩm du lịch khác, thí dụ như các điểm vui chơi, mua sắm, ẩm thực có quy mô lớn, các không gian sáng tạo nghệ thuật đương đại… hầu như chưa có.

Huy động sức mạnh của toàn xã hội

Trong nhiều diễn đàn, tọa đàm về điện ảnh Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, hầu hết các nhà phát hành phim lớn nhất hiện nay đều cho rằng, thị trường điện ảnh Việt Nam đang có những lợi thế rất lớn. Theo dự tính, năm 2017, doanh thu điện ảnh có khả năng cán mốc khoảng 155 triệu USD với khoảng 45 triệu lượt khách xem phim. Có thể nói, mục tiêu đặt ra của Hà Nội về việc đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các rạp chiếu phim hay tăng số lượt người xem phim là có thể thực hiện được. Nỗi băn khoăn, trăn trở chủ yếu ở mục tiêu sản xuất phim. Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, những người làm điện ảnh nên nghiên cứu kỹ nhu cầu xem phim, thị hiếu của người Hà Nội, từ đó phân tích, khơi mở, tập trung sản xuất những bộ phim phù hợp với khán giả. Nghệ sĩ Nhân dân Hà Bắc đánh giá cao thế hệ trẻ với những góc nhìn mới và khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến, nếu tạo điều kiện để họ sáng tạo thì đây là một cách thúc đẩy điện ảnh tiến lên. Những mục tiêu đặt ra cho điện ảnh trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không chỉ để phát huy các tiềm năng của Hà Nội, mà còn là mong muốn của những người làm chuyên môn. Nhưng để biến những con số khô khan thành kết quả, thành phố cần có lộ trình bài bản với từng kế hoạch cụ thể hơn; có cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của hoạt động sản xuất, phát hành phim hiện nay, bảo đảm kiểm soát các đề án, dự án phim được thành phố đầu tư sản xuất một cách hiệu quả.

Phó Viện trưởng nghiên cứu và phát triển du lịch Phạm Trung Lương cho rằng, việc Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020, du lịch văn hóa sẽ chiếm 10 đến 15% trong tổng số 5,263 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch là hoàn toàn có cơ sở, thậm chí còn có thể cao hơn. Tuy nhiên, cần kiên quyết loại bỏ tư duy “ăn xổi” như hiện nay. Nếu coi du lịch văn hóa là thế mạnh, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng từ dịch vụ đón tiếp cho đến khâu thuyết minh, giới thiệu, trải nghiệm ăn nghỉ, mua sắm lưu niệm… Cùng với đó, để phát triển du lịch văn hóa một cách bền vững, cũng cần thu hút sự tham gia của cộng đồng và bảo đảm quyền lợi cho họ. Đơn cử như phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, một “di sản” gần như nổi bật nhất của Hà Nội đã được quảng bá rộng rãi. Sau nhiều năm lộn xộn, bế tắc trong khâu quản lý, thời gian gần đây, khu vực này dần trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa dành cho khách du lịch và người dân địa phương. Trên tinh thần vừa triển khai vừa học hỏi và điều chỉnh, ngành văn hóa và các cơ quan hữu quan đã có một số sáng kiến, hành động thiết thực để tăng tính hấp dẫn cho phố cổ, phố đi bộ, như: thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống theo chủ đề, khuyến khích sự thể hiện của giới trẻ, tạo điểm nhấn về ẩm thực Hà thành… Có thể thấy, cùng với lợi ích kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn là cách xây dựng và quảng bá hình ảnh Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung, một cách hiệu quả. Các giải pháp như: hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế… sẽ vẫn chỉ “nằm trên giấy” nếu không có những hành động quyết liệt, cụ thể, cũng như sự phối hợp của chính quyền thành phố với cộng đồng dân cư.

                                                                                                 Theo: nhandan.com.vn

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2-9-2017.


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.520.439
Tổng truy cập: