Tin tức nổi bật
Ông 'vua dép lốp' và hành trình xây dựng thương hiệu đôi dép Bác Hồ
(Ngày đăng: 18/08/2017   Lượt xem: 727)
Ông Phạm Quang Xuân ở phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình (Hà Nội) năm nay gần 80 tuổi. Ông đã có hơn 50 năm theo nghề làm dép cao su, đôi dép có tên gọi thân thuộc là dép Bác Hồ.

Tình yêu âm ỉ cháy...

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của "ông vua dép lốp" Phạm Quang Xuân (SN 1942) trên phố Nguyễn Biểu vào một buổi sáng Hà Nội mưa rắc lất phất.

"Xưởng dép cao su" của ông Xuân ở bên hành lang và diện tích chưa đầy 10 m2.

Sinh ra trên phố Nguyễn Biểu, ông Xuân phụ bố làm dép cao su từ năm 12, 13 tuổi. Đôi dép cao su cùng ông lớn lên và gắn bó với ông như máu thịt. Đến năm 1965 ông làm việc tại xí nghiệp Bách Hóa cấp 2, 45 Hàng Bồ, Hà Nội. Ở đó sản xuất dép lốp làm theo dây chuyền: tổ phá lốp, tổ khoanh dép, tổ làm quai, tổ rút quai... Mỗi người chỉ chuyên một công đoạn. 

Ông kể: “Nghề này cũng lắm thăng trầm. Đến năm 1975, khi những đôi dép lốp không còn được ưa chuộng, xí nghiệp giải thể, tôi phải chuyển sang làm nhiều việc khác để mưu sinh như khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất, cơ khí...” 

Mặc dù vậy, tình yêu của ông với nghề, với đôi dép cao su luôn âm ỉ cháy.

Bộ đồ nghề ông phải "thửa" riêng với nhiều hình dáng giống như đồ nghề thợ mộc. Tất cả được ông sắp xếp gọn gàng trong khu xưởng chật chội.

Đến năm 1999, ông Xuân trở lại với nghề. Ban đầu ông chỉ làm vài đôi cho vơi bớt nỗi nhớ nghề và tặng bạn bè người thân làm kỷ niệm. Nhưng rồi người này truyền tai người kia, ngày càng nhiều người nghe tiếng và tìm đến ông để đặt mua. Từ đó, hằng ngày ông cặm cụi sản xuất những đôi dép lốp cho đến nay.

Ở Hà Nội, ông Xuân là người duy nhất mở xưởng làm dép cao su tại nhà.

Dù đã 80 tuổi nhưng đôi mắt còn tinh tường, tay còn khỏe và khéo, cứ thoăn thoắt xén những viền, rãnh trên đế dép cao su.

1 trong 5 người tham gia làm dép bác Hồ

Không làm theo một kiểu mẫu có sẵn, ông Xuân thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào những miếng cao su và đáp ứng những yêu cầu của từng khách hàng. Đặc biệt ông đặt tên cho hai mẫu dép là dép Bác Hồ và dép Bác Giáp. Chúng được mô phỏng theo đôi dép mà Bác Hồ và Bác Giáp từng sử dụng.

Đôi dép Bác Hồ là một đôi dép lốp cũ được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong hơn 20 năm, từ năm 1947 đến khi qua đời. Những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ và êm, chịu nước, bảo vệ bàn chân kể cả khi dẫm lên mảnh chai, thép gai, lửa đỏ. Đôi dép này được xem như là một trong những biểu tượng về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông tâm sự: “Với tôi, làm dép như cuộc sống, nó giống như thú vui hằng ngày, không bỏ được”.

Ông Xuân đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kỹ càng hình mẫu đôi dép Bác Hồ cùng với những kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm trong nghề để có thể mô phỏng chính xác đôi dép ấy. Năm 1970, ông là một trong 5 người tham gia làm 10 đôi dép Bác Hồ theo đặt hàng của bảo tàng Hồ Chí Minh, để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Hiện những đôi dép này đang được trưng bày tại Phủ Chủ tịch và bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông kể cho chúng tôi về đôi dép huyền thoại mang tên dép Bác Hồ và dép bác Giáp: “Loại dép đó được làm mô phỏng theo dép con hổ ngày xưa. Nhắc đến nó, chắc thế hệ các cháu không biết”.

Kể về công đoạn làm đôi dép Bác Hồ cho bảo tàng Hồ Chí Minh: “Khó nhất là làm sao cho nó giống, nó cũ. Tôi đã mất rất nhiều ngày nghiên cứu làm mòn, làm sao phải giống được đến 95%. Gần đây nhất, bên bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục tìm đến tôi và đặt làm đôi dép Bác Hồ”.

Ông Xuân đang đánh dấu để đục lỗ xỏ quai dép.

Con rể nghệ nhân Phạm Quang Xuân là ông Nguyễn Tiến Cường đã rời vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phó Giám đốc một công ty phần mềm kế toán để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi và phát triển nghề gia đình.

Để làm nên chiếc dép bền và đẹp, ông đã phải cất công lặn lội đi chọn mua lốp, chủ yếu là từ lốp máy bay và xe tải hạng nặng ở mỏ mới có đủ độ dày cần thiết. Theo ông Xuân, đôi dép cao su là vốn đặc trưng của người Việt, phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ.

Dù đã gần 80 tuổi, nhưng đôi tay ông Xuân vẫn rất mềm mại, khéo léo khiến những miếng cao su cứng đầu trở nên thuần phục, ngoan ngoãn. Con dao sắc bén chạy theo những đường cong đã được vẽ trước, cắt ngọt tấm cao su thành hình đế dép, rồi lại thoăn thoắt đục những rãnh thoát nước, đục lỗ xỏ quai.

Trong khu xưởng làm dép vỏn vẹn 10m2, tất cả đồ nghề đều được ông xếp đặt một cách gọn gàng. Dao cắt sắc nhọn được chế tạo từ loại thép tốt mới mang lại độ “ngọt” khi làm. Không chỉ vậy, búa đục cũng có 5, 6 kích cỡ khác nhau.

Nét mặt chăm chú của người nghệ nhân cho thấy ông dồn cả tâm huyết và tình yêu vào từng đôi dép cao su.

Nếu làm việc liên tục thì khoảng hai tiếng là ông Xuân hoàn thành một đôi dép.

Từng động tác của ông như một nghệ sĩ xiếc đang biểu diễn. Theo ông chia sẻ, lên quai là công đoạn khó nhất khi làm những đôi dép cao su. Quai dép phải đủ độ cong, trơn, nhẵn, ôm chân. Khi làm quai dép, ông liên tục ướm thử vào chân, đến khi cảm thấy êm ái vừa vặn là đạt yêu cầu. Nếu không phải là một người thợ có nghề thì quai dép sẽ bị xộc xệch, lỏng lẻo.

Dép cao su do ông Xuân làm có giá từ 200 đến 500 nghìn đồng mỗi đôi.

Khoảng hai tiếng đồng hồ miệt mài là ông Xuân có thể cho ra lò một đôi dép Bác Hồ hoàn thiện. Nhìn cách ông cầm sản phẩm trên tay, ngắm nghía mới thấy tình yêu và tâm huyết được người nghệ nhân gửi gắm cả vào đây.

Ông Xuân chia sẻ: “Bình thường, ông hay chia các công đoạn theo từng ngày, ngày hôm nay làm đế, ngày mai lên quai… như vậy sẽ nhanh hơn”.

Nghệ nhân Nguyễn Quang Xuân đưa chủ quyền biển đảo vào đôi dép Bác Hồ.

Những người cựu chiến binh tìm đến nhà ông Xuân mua đôi dép Bác Hồ để nhớ lại những năm tháng gian khổ thời chiến tranh. Còn du khách nước ngoài thì muốn đem về một vật kỷ niệm mang biểu tượng của đất nước Việt Nam.

                                                                                 Theo: anninhthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.469.433
Tổng truy cập: