Tin tức nổi bật
Tượng cổng làng của người Xơ Đăng
(Ngày đăng: 05/07/2017   Lượt xem: 623)
 

Tượng cổng làng không còn chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi, nó đánh thức sức sống của đồng bào Xơ Đăng mà còn tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng về một cuộc sống an lành và hạnh phúc đã gắn bó với người Xơ Đăng Trà My (Quảng Nam) từ bao đời.

Năm 2005, lần đầu tiên đặt chân đến làng Măng Tó (thôn 2), xã Trà Cang, H. Nam Trà My (Quảng Nam), khi vừa bước đến cổng làng chúng tôi đã rất bất ngờ khi đón chúng tôi là hai pho tượng được tạc rất đơn sơ dáng hình nộm người vẻ như đe dọa. Tượng được làm từ một thân cây rừng mọc rất nhiều ở vùng người Xơ Đăng, thể hiện một nhân vật không có chân, đôi tay được làm bằng tre gắn vào thân cây dớn. Gương mặt những pho tượng khá dữ tợn, mắt trợn tròn, miệng nhe răng, những chiếc răng được lấy từ bộ răng của con chó gắn vào miệng nhân vật lởm chởm, một tay cầm gươm, một tay cầm chiếc khiên tre gây ấn tượng mạnh, đó là những tác phẩm nghệ thuật do chính tay người dân trong làng thể hiện.

Tò mò về sự có mặt của loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo này ở vùng Xơ Đăng, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Hồ Văn Thập, 53 tuổi - một già làng còn rất trẻ ở làng Măng Tó, ông không chỉ là nghệ nhân tài hoa về chế tác các nhạc cụ truyền thống mà còn giỏi về điêu khắc thể hiện những tượng cổng làng độc đáo của người Xơ Đăng và hai tượng cổng làng mà chúng tôi gặp là do chính ông Thập tạo nên. Chỉ bằng con dao nhọn và chiếc mác, những thân cây dớn (thuộc họ dương xỉ) đã được tự tay ông Thập vào rừng chặt đem về rồi đẽo gọt thành hai tác phẩm nghệ thuật (hiện hai tượng cổng làng này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam). Với những nhát gọt chính xác, dứt khoát, không chi tiết cầu kỳ làm cho tượng cổng làng mang tính biểu tượng cao.

Hai biểu tượng cổng làng của người Xơ Đăng đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.

Theo ông Thập, tượng cổng làng được xem như một vị thần bảo vệ làng, chống lại các thế lực tà ma quấy nhiễu dân làng mà còn biểu tượng cho sức mạnh của làng. Người làng khác khi đến làng Xơ Đăng thấy làng có tượng cổng làng họ rất kính nể và mến phục. Hằng năm, vào mùa xuân người Xơ Đăng có tục sửa chữa và làm lễ cúng máng nước, cùng thời gian này mỗi làng Xơ Đăng giết một con chó lấy máu đổ vào nguồn nước tại bến nước của làng để lấy nước đó đem về chế biến làm mâm lễ cúng thần làng. Người Xơ Đăng quan niệm: con chó là con vật gắn bó và giúp người Xơ Đăng trong việc bảo vệ nhà, báo hiệu có sự xâm nhập từ bên ngoài vào làng nên trong khi thực hiện nghi lễ cúng thần làng, máu của con chó được già làng lấy bôi vào tượng cổng làng. Riêng bộ răng của con chó, sau khi thực hiện xong nghi lễ cũng được họ cắm xuống đất ngay chỗ đặt tượng cổng làng.

Tượng cổng làng luôn mãi là hình ảnh in đậm dấu ấn và trường tồn trong tâm thức của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng nơi đây. Người Xơ Đăng quan niệm, cây gạo là hình ảnh tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xơ Đăng, nên khi lập làng mới họ thường mang cây gạo để trồng. Người Xơ Đăng tin rằng, ở nơi họ sống luôn có thần linh trú ngụ, một cây gạo tượng trưng cho sự trường sinh bất tử, cột lễ đâm trâu của họ lại thường là cây gạo. Ngày nay, chúng ta có dịp đến làng của người Xơ Đăng, nếu nhìn thấy có nhiều cây gạo to thì tin chắc rằng tổ tiên, ông cha người Xơ Đăng đã cư trú lâu đời. Phía ngoài làng là những kho thóc của từng gia đình và luôn được bảo vệ bằng hàng rào khép kín từ cây lồ ô, cây gỗ có lối ra vào. Trước cổng làng của người Xơ Đăng bao giờ cũng được đặt một cặp tượng cổng làng dáng hình nộm người (theo tiếng Xơ Đăng họ gọi là tiên lây).

Ông Hồ Văn Reo, 68 tuổi, dân tộc Xơ Đăng hiện ở làng Lùng Lãi (thôn 2), xã Trà Nam, H. Nam Trà My-nguyên Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Nam cho biết: Người Xơ Đăng từ bao đời nay luôn tin vào các đấng siêu nhiên, thần linh để cầu mong có sự phù hộ và chở che cho cuộc sống của họ luôn được yên lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Tượng cổng làng như để xua đuổi những ma xấu về làng gây nhũng nhiễu cho người dân và đến nay người Xơ Đăng luôn xem tượng cổng làng là một biểu tượng thiêng liêng và nó đã ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của bao thế hệ người Xơ Đăng.

                                                                                          Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.816
Tổng truy cập: