Tin tức nổi bật
Nghề rèn Ða Sĩ
(Ngày đăng: 04/07/2017   Lượt xem: 820)

Người dân làng Ða Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông (Hà Nội) với công việc hằng ngày bên lò rèn.

Làng cổ Ða Sĩ thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông (TP Hà Nội). Ða Sĩ không chỉ nổi tiếng là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ, trạng nguyên lừng lẫy, trong đó có Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh làm quan qua bốn triều vua, Lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú mà còn được nhiều người biết đến bởi có nghề rèn truyền thống vang danh khắp cả nước.
Suốt 400 năm qua làng chưa một ngày tắt lửa...

Vang danh khắp cả nước

Theo nhiều tài liệu, nghề rèn ở Ða Sĩ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Thuở đó, người dân trong làng đã làm ra các vũ khí như giáo mác, gậy sắt, đao, kiếm và các nông cụ như cuốc, xẻng, dao, liềm… ở dạng thô sơ. Ðến thời nhà Trần, khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa ra truyền dạy bí quyết cho người dân, Ða Sĩ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp.

Mặt hàng chính được sản xuất trong làng hiện nay là dao, kéo các loại. Những sản phẩm này luôn được thị trường trong nước ưa chuộng, gần đây lại được người tiêu dùng các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia biết đến và tin dùng. Thậm chí còn có những đơn hàng đến từ châu Âu, dù số lượng chưa nhiều và các hợp đồng không được thường xuyên. Khi cầm trên tay những con dao, cái kéo đủ kích cỡ, chủng loại dành riêng cho từng mục đích sử dụng, ít người biết được rằng chỉ với nguyên liệu phổ biến là thép và gỗ (để làm cán), những người thợ rèn Ða Sĩ đã phải thực hiện nhiều công đoạn gia công, vận dụng sức khỏe, kinh nghiệm và sự khéo léo để tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo. Ðầu tiên là cắt phôi, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000oC, thời gian nung tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và độ dày mỏng của sản phẩm. Phôi thép nung đến khi chuyển sang mầu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai; việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác. Tiếp đó, đến công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại và “tôi” qua nước muối hoặc dầu hỏa để lấy mầu. Cầu kỳ nhất là gọt cánh, người thợ phải gọt khéo, đều tay xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, tạo được độ sắc. Cuối cùng là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, như: mài nước, gạt mầu, đánh phớt bóng, tra cán... thường được phụ nữ, người cao tuổi và các em nhỏ đảm nhận. Nhìn vào toàn bộ quá trình làm ra một sản phẩm, có thể thấy gần như tất cả “nhân lực” trong gia đình đều được huy động và phân công rất phù hợp với sức khỏe, tuổi tác. Có lẽ vì vậy mà người dân Ða Sĩ gắn bó với nghề rèn ngay từ khi còn nhỏ đến tận lúc không còn đủ sức làm việc. “Nghề rèn không cao sang nhưng đem đến cho người dân cuộc sống ổn định, no đủ; đổi lại là sự vất vả, cực nhọc” - nghệ nhân Hoàng Văn Chinh nói.

Từng có một thời gian làng rèn thưa vắng ánh lửa của bễ lò, tiếng búa tôi thép. Ông Ðinh Công Ðoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Ða Sĩ nhớ mãi khoảng trước năm 2000, bắt đầu có máy móc nông nghiệp thay thế sức lao động của con người, cho nên nhiều loại nông cụ như liềm, cuốc, lưỡi hái, lưỡi cày, răng bừa... khó tiêu thụ; nhiều lò rèn ở Ða Sĩ phải đóng cửa, các nghệ nhân, thợ rèn bỏ làng đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Nghề truyền thống vang danh khắp nước đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền nếu không đổi mới kỹ thuật cũng như tạo ra sự phong phú của sản phẩm. Nỗi đau đáu gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng thôi thúc mỗi người dân. Kết quả là năm 1997, Hiệp hội làng nghề Ða Sĩ được thành lập và nhanh chóng xúc tiến nhiều hoạt động nhằm khôi phục nghề rèn, như: tổ chức các lớp truyền nghề, thi thợ giỏi, cử nghệ nhân tham dự các cuộc thi làng nghề truyền thống trên toàn quốc... Hiệp hội đưa ra nhiều sáng kiến, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế sức người bằng máy móc ở những công việc nặng nhọc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh để mở rộng thị trường...

Người thợ làng Ða Sĩ vẫn miệt mài rèn ra những con dao, cái kéo. Ảnh: CÔNG PHƯƠNG

Cần một môi trường làm nghề tốt

Nếu trước đây người thợ phải mất rất nhiều công sức, thời gian để làm ra được một sản phẩm thì từ khi các thiết bị máy móc thay cho bàn tay con người, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên nhiều lần. Búa máy, mô-tơ, máy sạt lưỡi... đã góp phần làm giảm sức người ở nhiều công đoạn, giúp cho nhiều gia đình ở Ða Sĩ mở rộng quy mô sản xuất. Một người thợ giỏi nghề phải làm ra được tất cả các loại sản phẩm từ nhỏ nhất như dao tỉa rau củ, kéo cắt chỉ, nạo mướp… cho đến dao chặt, dao phay, dao quắm, kéo cắt cây chè... Thế nhưng mỗi gia đình trong làng Ða Sĩ lại chỉ chuyên về một mặt hàng nào đó, chẳng hạn xưởng Ðoàn Ðoán làm dao phay, dao thái; xưởng Tưởng làm dao chặt, xưởng Chính làm dao nhỏ, dao nhọn; nhà ông Lương Khanh chuyên đan kẹp chả; có nhiều gia đình chỉ chuyên làm cán dao (bằng gỗ hoặc nhựa)...

Khôi phục và phát triển được nghề rèn, đời sống của người dân Ða Sĩ đang ngày càng sung túc; trong làng hầu như rất ít nhà cấp bốn, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư cho con cái đi du học ở nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề khoảng chục năm trở lại đây đã trở nên quá tải khi bị bó hẹp trong ngôi làng cổ. Khắp làng vang tiếng búa, tiếng máy cưa, máy mài ồn ã từ sáng sớm đến đêm, bụi và khói than phủ mờ không khí, những dòng nước thải đen sì đọng lại ở cống rãnh... khiến người dân có lúc phải kêu than về sự “tức thở”. Nếu tính trong một gia đình “cha truyền con nối” có ít nhất hai người làm nghề, nhân lên với con số hơn 900 hộ thì hiện nay trong làng ngày nào cũng có đến cả nghìn bếp than rừng rực cháy đỏ. Một đòi hỏi cấp bách là cần một khu sản xuất riêng cho làng nghề, tách biệt với khu vực nhà ở và sinh hoạt hằng ngày để bảo đảm an toàn cho cả con người lẫn môi trường sống. Tất cả những người dân làng Ða Sĩ đều có chung mong muốn là được quy hoạch mặt bằng để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Nguyễn Văn Thanh (con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc) có hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ: “Nhà tôi làm búa máy, cần diện tích rộng, nhưng hiện nay chỉ tận dụng được mặt tiền của ngôi nhà để làm xưởng, không đủ chỗ để thuê thêm thợ về làm. Tôi mong sớm được thuê chỗ trong điểm công nghiệp làng nghề để yên tâm sản xuất; người già, trẻ con trong nhà không phải chịu cảnh sống chung với bụi bặm, ồn ào của máy móc, cái nóng nực của lò than”.

Nhiều người dân trong làng cho biết, dự án quy hoạch khu công nghiệp làng nghề Ða Sĩ đã được đề xuất từ năm 2006 và thông qua từ năm 2008, nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa được thực hiện, mặc dù chính các hộ dân đã chủ động hỗ trợ chính quyền giải tỏa mặt bằng và đồng ý thuê mặt bằng sản xuất theo quy định. Ðầu tháng 6-2017, sau cuộc họp đầu tiên tại UBND phường Kiến Hưng, ông Hoàng Quốc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Ða Sĩ, cho biết: “Phòng Kinh tế UBND quận Hà Ðông và UBND phường Kiến Hưng đang phối hợp Hiệp hội làng nghề tổ chức rà soát lại hồ sơ để giải quyết vấn đề thuê đất cho các hộ dân làng nghề, cũng như dự án quy hoạch khu sản xuất tập trung 13,2 ha. Chúng tôi đang bàn thảo kỹ để mở rộng thành phần người làm nghề trong văn bản, chẳng hạn những hộ cung cấp sắt thép, than đá, đá mài... cho các lò rèn cũng phải được tính là đang phục vụ sản xuất, phải được ưu tiên cho thuê mặt bằng để tập kết nguyên liệu”. Ông Chính cũng không giấu được sự sốt ruột, bởi chính trong gia đình mình, ông đang phải phân chia giờ làm việc trong ngày với các con để bảo đảm ai cũng có việc làm và thu nhập.

Bằng lòng yêu nghề và sự cần cù chịu khó, hàng trăm năm qua, người dân Ða Sĩ đã gìn giữ được truyền thống của làng nghề xưa; cùng với sự tiến bộ về kỹ thuật và tinh thần học hỏi, cầu thị, từng bước đưa nghề rèn phát triển mạnh trong thời kỳ hiện đại. Việc cải thiện mặt bằng sản xuất làng nghề với quy mô lớn, bảo đảm an toàn trong lao động và đời sống sinh hoạt cho người dân nơi đây là đòi hỏi chính đáng và cấp bách; để Ða Sĩ tiếp tục được vinh danh làng cổ với nghề truyền thống độc đáo; trở thành điểm đến của nhiều bạn hàng, du khách trong và ngoài nước.

                                                                                       Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.753
Tổng truy cập: