Tin tức nổi bật
Quất Động anh đã có nghề-Thêu gà, thêu vịt, thêu huê trên cành
(Ngày đăng: 15/06/2017   Lượt xem: 825)
Từ xa xưa, các nghệ nhân đã dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để thêu lên những tinh túy của hồn dân tộc và tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động tô đẹp cho đời.. Hình thành lên nghề thêu, đây cũng là nghề có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nhưng đến nay nghề thêu đang bị mai một dần, bởi các thế hệ trẻ không còn đam mê theo đuổi nghề thêu của ông cha để lại như trước nữa.
 
Tranh do các nghệ nhân thêu xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật.
Tranh do các nghệ nhân thêu xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật. Ảnh minh hoa.
 
Ngày trước Mảnh đất Hà Tây xưa mà nay thuộc về Hà Nội đã từng đi vào ca dao, hò vè nổi tiếng là một xứ sở nghìn nghề. Ở đây có tới 1.160 làng nghề, với hơn 200 làng nghề truyền thống lừng danh cả nước bởi những sản phẩm đa dạng, bền, đẹp, đậm màu dân dã. Đặc biệt phải kể đến ở đây là nghề thêu tay ở làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, một làng cổ nằm ven quốc lộ 1A, cách trung tâm thủ đô hơn 20 kilômét về hướng nam. Từ thế kỷ 17 nơi đây đã có nghề thêu.
 
Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Chỉ bằng cây kim, sợi chỉ, miếng vải, những người thợ thêu tay đã biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt và đầy mầu sắc. Trên nền vải, các họa tiết được thể hiện thường là những cây cỏ, con vật đẹp, quý hiếm như tùng, trúc, cúc, mai, ong, bướm... cùng cảnh dân dã như đàn gà, vịt, lợn, bò; người làm đồng, đánh cá, dệt vải; cây đa, bến nước, con thuyền, danh lam thắng cảnh đất nước... Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính dân gian, nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem sản phẩm tình yêu đối với non sông gấm vóc.
 
Theo tài liệu,ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của ba miền bắc trung nam là tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14), tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam nay thuộc Thường Tín, Hà Nội. Cuối đời Trần, ông lên đường dự thi vừa lúc quân Minh sang xâm lược nên khoa thi bị hủy. Ông ẩn náu trong rừng rồi theo Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Cuộc bình Ngô thành công, ông được Lê Thái Tổ trọng dụng.Đến đời Lê Thái Tông (1423-1442), Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ. Vua nhà Minh muốn thử tài sứ giả nước Việt bèn cho dựng một lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Rồi rút thang để ông không thể leo xuống và lệnh trong một tháng nếu ông không tiếp đất an toàn sẽ bị giam cầm mãi mãi ở Trung Quốc. Đây là một gian thờ Phật, không để một thứ thức ăn gì ngoại trừ một vại nước uống cầm chừng. Với niềm tin ở hiền gặp lành, ngày ngày ông cũng ngồi thiền niệm Phật dưới ban thờ và nghĩ cách leo xuống. Một hôm, ông thấy một đàn ong bay lượn phía sau mấy tán lọng che tượng Phật. Lại gần tìm hiểu thì thấy trên cánh tay của tượng có một vết rạn, và một con ong đang chui vào đấy. Biết rằng ong chỉ tập trung ở đâu khi nơi ấy có mật ngọt, ông liền bẻ một mảng mà nếm, thì thấy vị ngọt đậm. Thật ra bức tượng làm bằng chè lam ông ăn dần nhờ thế sống sót. Ngắm mấy cái lọng đẹp, hoa văn khác lạ, ông nảy ra ý học lại cách thêu của người Trung Quốc, ông vừa tháo vừa thêu lại những hoa văn đó. Ngày cuối cùng của tháng giam hãm, ông kẹp hai cái lọng vào nách và nhảy xuống đất không hề bị một vết thương tích. Vua tôi nhà Minh quá kinh ngạc và thán phục.
 
Khi về nước, ông đã đem cách thêu lọng Trung Quốc dạy cho người dân quê hương. Nhờ công lao ấy, ông được phong danh Kim tử vinh lộc đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh lương hầu và được đổi sang họ vua. Hàng chục làng trong vùng được Lê Công Hành truyền nghề trực tiếp, theo địa danh thời Nguyễn là các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai. Năm xã này dựng chung một đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã. Giỗ ông vào ngày 12 thánh Sáu âm lịch. Cảm ân đức tiến sĩ, nhiều vùng bao gồm cả Hà Nội đều lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ tổ nghề thêu.

 

Dưới đôi bàn tay của người thợ thêu, cây kim thêu trở nên rất linh hoạt đang dệt lên những hoa văn rực rỡ.Ảnh minh họa.
Dưới đôi bàn tay của người thợ thêu, cây kim thêu trở nên rất linh hoạt đang dệt lên những hoa văn rực rỡ.Ảnh minh họa.
 
Người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình có tới dăm, bảy đời làm nghề này. Từ nhỏ, các bé gái đã được cha mẹ cho những chiếc khung thêu hình tròn xinh xắn, mấy cái đê, kim khâu, vải vụn và kéo con để tỷ mẩn học thêu. Lớn lên, nhiều người đã trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tầm cỡ. Ngoài kinh doanh hộ gia đình, ở Quất Động cũng có hợp tác xã thêu, với nhiều xưởng thợ, xưởng to, xưởng nhỏ...Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách… trên sản phẩm thêu.
Khi xem các nghệ nhân Quất Động thêu, nhiều người phải thán phục nghề thêu Quất Động là một nghệ thuật tuyệt vời, và chỉ bằng một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt.
 
Ai cũng có thể đến với nghề thêu nếu yêu thêu và trân trọng nghề thêu. Để thêu, cần phải có ít nhất một bộ khung thêu bằng tre hoặc gỗ hình chữ nhật, với hai thanh dọc cố định cỡ vải và hai thanh ngang điều chỉnh khổ vải bằng chốt. Một số tấm vải bông hoặc lụa để căng trên khung thêu và buộc mép vào thành khung, vải căng phải phẳng mặt nếu không khi thêu các mũi chỉ sẽ không đều. Chỉ thêu là sợi tơ tằm nhuộm màu. Với một số đồ thờ cúng dùng thêm chỉ kim tuyến màu vàng và ngân tuyến ánh bạc.
 
Đầu tiên, phải vẽ phác thảo trên vải bằng bút chì nhằm định hướng sau này sẽ thêu cái gì, nhưng trong quá trình thêu có thể tùy ý ngẫu tác theo cảm hứng và ngoại cảnh.
 
Tùy  vào đề tài, chủng loại mà sản phẩm thêu sẽ có ít hay nhiều màu sắc. Những đồ dân dụng hàng ngày như chăn, màn, gối, nệm, khăn, áo cô dâu thường dùng chỉ trắng. Tranh thủy mạc hay chủ đề đơn giản dùng màu đơn sắc như xanh lơ, hồng nhạt… Đa số tranh dân gian do cần phản ánh sự sinh động, đa dạng nên màu sắc rực rỡ hơn và nhiều khi hội đủ năm màu dương, lam, đỏ, tím, vàng.
 
Họa tiết thường là những cây cỏ, con vật đẹp, quý hiếm như tùng, trúc, cúc, mai, lan, đào, hải đường, mẫu đơn, ong, bướm, rồng phượng, hổ báo, rùa hạc, oanh, yến… cùng cảnh dân dã như đàn gà vịt, lợn, bò; người làm đồng, cấy cày, sàng sảy, đánh cá, dệt vải; cây đa, bến nước, con thuyền, danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, quần thể kiến trúc Cố đô Huế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vịnh Hạ Long,… và cảnh tây phương như rừng bạch dương, lá thu, hồ thiên nga…
 
Có điều đáng buồn là giời đây đến với làng Quất Động người ta không còn bắt gặp cảnh nhà nhà thêu, người người thêu như trước nữa. Và đặc biệt là lượng tiêu thụ các sản phẩm thêu tại một trong số ít cửa hàng còn khá khiêm tốn. 
 
Anh Lê Hữu Thuần (nghệ nhân làng Quất Động) cho biết "trước kia, anh nổi tiếng với kỹ thuật thêu cả hai mặt. Từ những năm 90 thế kỷ trước, anh và vợ thêu không biết bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu. Có dạo trong nhà có hơn chục khung thêu, chục tay thợ làm liên tục. Anh tâm sự: "Hồi đấy một tháng cũng phải 7-8 triệu. Bây giờ có làm thu nhập chỉ khoảng 3-4 triệu. Vừa bị tư thương ép giá, bọn trẻ bây giờ cũng không còn đam mê và hứng thú với việc ngồi miệt mài bên khung thêu như trước nữa, lại buồn vì người ta cứ lẫn lộn hàng xấu hàng đẹp, chẳng muốn làm nữa". Giờ anh gác khung lại, làm thợ sửa chữa điện, thu nhập nhì nhằng nhưng thoải mái. Vợ anh cũng làm trong khu công nghiệp, lương hơn cả thợ thêu lành nghề. Quanh khu nhà anh tầm hai cây số đổ lại, không còn ai thêu nữa. "
 
Dù biết xã hội ngày càng phát triển, con người đang cuốn theo cơn lốc của thị trường, đó là vấn đề “cơm áo, gạo tiền”. Nhưng không lẽ vì vậy mà nghề thêu với giá trị truyền thống mang bản sắc riêng của dân tộc lại đi vào quên lãng. Mong rằng Đảng và Nhà nước nhanh chóng có những chính sách nhằm khôi phục và phát triển làng nghề này.
                                                                                             Theo: baobaovephapluat.vn            
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.495.545
Tổng truy cập: