Tin tức nổi bật
Làm giàu từ văn hóa làng
(Ngày đăng: 14/06/2017   Lượt xem: 667)
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề (HHLN) Việt Nam, cả nước hiện có 1.939 làng nghề và làng có nghề; trong đó có 490 làng nghề truyền thống; sản phẩm của làng nghề đã “vươn cao, bay xa” đi khắp các châu lục trên thế giới. Để có được sự thành công đó, bí quyết của nhiều làng nghề chính là khai thác văn hóa làng!

Dựa vào vốn cổ là… chưa đủ!

Cuối tháng 5 vừa qua, HHLN tổ chức một cuộc hội thảo về hỗ trợ phát triển thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 nghệ nhân, trưởng làng, đại diện cấp ủy, chính quyền của 13 làng nghề khu vực phía Bắc. Tại hội thảo, bức tranh chung của nhiều làng nghề đã được phác họa, trong đó việc tận dụng vốn cổ cha ông truyền lại là một trong những “bí quyết” tạo nên sự khác biệt.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đến từ làng nghề Mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, làng đã làm nghề mây tre đan 400 năm. Đầu thế kỷ 18 là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng với việc nhiều sản phẩm được triều đình Huế sử dụng. Đến nay, có thể nói sản phẩm của Phú Vinh đã đi khắp cả nước, ngoài ra còn xuất khẩu đi 14 nước khác, nhưng kiểu dáng, mẫu mã đa phần vẫn dựa vào "vốn cổ". Ông Trung nói: “Hiện làng có khoảng 740 loại sản phẩm khác nhau, từ đơn giản cho đến tinh vi, phức tạp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong từng giai đoạn song tất cả vẫn dựa vào mẫu mã, lề lối truyền thống cha ông để lại”.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu cho các cháu thiếu niên nét hay, nét đẹp của tranh dân gian Đông Hồ. 
Dựa vào truyền thống, có cái hay là thợ thủ công đã quen mắt, quen tay, mẫu mã, kích thước được chỉnh trang một tí, nhưng vẫn dựa vào công thức cũ, hoa văn cũ. Mỗi làng lại có một nét hoa văn khác nhau khiến các sản phẩm sẽ dễ phân biệt. Tuy vậy, cái dở của việc làm này là hạn chế những sáng tạo mang tính đột phá. Cũng phải nói thêm rằng, công nghệ ngâm tẩm, xử lý mây tre mấy chục năm trở lại đây đã có những thay đổi rất lớn. Chính vì thế mà đến với cuộc hội thảo này, người dân làng Phú Vinh cùng kỳ vọng tìm ra hướng đi mới.

Giống với hoàn cảnh của làng Phú Vinh, nhiều làng nghề gỗ, gốm, đúc đồng, sơn mài, lụa… đều đang rơi vào tình trạng tương tự. Nghĩa là vốn cổ thì giàu có, nhưng lại thiếu đi sự bạo dạn cách tân. Đổi mới có ý nghĩa sống còn đối với làng nghề, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng cộng đồng, từng doanh nghiệp. Nhu cầu đổi mới là rất cấp thiết. Đáp ứng nhu cầu đó, HHLN có sáng kiến đưa trường đại học về làng nghề. Theo đó, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã có biên bản ghi nhớ về việc tổ chức các hình thức đào tạo chuyên môn ngay tại các làng nghề. Như vậy, trong tương lai gần, lớp đào tạo bậc đại học sẽ được tổ chức ngay trong làng nghề. Tiến sĩ Đặng Mai Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho rằng, làm như vậy ta sẽ thiết kế được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có các tiêu chí: Thật về vật liệu, đơn giản về hình thức, giàu họa tiết thiên nhiên và yếu tố bản địa. Quả là lợi cả đôi đường!

Văn hóa làng nghề thời @

Trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, rõ ràng các làng nghề cũng phải bắt nhịp xu hướng thời cuộc. Bằng không, sự lạc hậu về công nghệ sẽ khiến thu nhập giảm ngay tức khắc. Anh Tuấn Hoàng, một nhà đầu tư kinh doanh các sản phẩm từ cây chè kể với tôi rằng, cách đây ba năm anh có gửi thư điện tử (email) cho một công ty sản xuất chè ở tỉnh Lạng Sơn, đến hôm vừa rồi mới nhận được phúc đáp. Trong thư người đại diện công ty nọ nói do không biết sử dụng hộp thư nên đến bây giờ mới trả lời được. Lẽ dĩ nhiên, cả anh Hoàng lẫn công ty kia đã bỏ phí một cơ hội làm ăn, hay chí ít là một cơ hội quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

Đến nay, không ít chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề đã được cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin. Hơn thế, người dân ở nhiều làng nghề đã nhận thức ra tác động tích cực của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Có thể lấy ví dụ ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Ông Hà Văn Lâm, Phó trưởng ban đại diện làng nghề gốm Bát Tràng, nói: “Làng Bát Tràng đã sớm nhận ra tầm quan trọng của công nghệ hiện đại. Nay công nghệ nung gốm bằng khí ga không chỉ tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp cho làng, mà còn tạo ra được những sản phẩm có chất lượng đẹp hơn, ít lỗi hơn. Làng chúng tôi đã biết sử dụng thương mại điện tử, xây dựng website, fanpage từ rất lâu rồi”.

Công nghệ thông tin cũng làm giàu cho văn hóa làng nghề, đó là việc quảng bá hình ảnh truyền thống văn hóa làng thông qua các kênh mạng xã hội. Hình ảnh địa phương được giới thiệu trên các trang web, các tua du lịch ảo trên internet đôi khi lại tạo ra những hiệu ứng bất ngờ, ví như làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam) đã chào hàng và bán được những nồi cá kho đi khắp cả nước.

 Dễ thấy, khi người dân biết kết hợp khoa học kỹ thuật tiên tiến cùng với vốn quý của truyền thống cha ông, văn hóa làng nghề sẽ trở thành "kho vàng" theo đúng nghĩa.

                                                                                          Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.495.719
Tổng truy cập: