Tin tức nổi bật
Gốm Chu Đậu - hành trình tiếp nối tinh hoa văn hóa Việt
(Ngày đăng: 13/06/2017   Lượt xem: 651)


Sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ trước khi đưa ra thị trường.

Từng phát triển rực rỡ trong khoảng từ thế kỷ XIV-XVII, gốm Chu Đậu bỗng lụi tàn và chìm vào quên lãng. Sau hơn ba thế kỷ vắng bóng, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học, các cấp chính quyền và sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, gốm Chu Đậu đã được hồi sinh và dần chinh phục các thị trường cả trong và ngoài nước với nét đặc trưng và danh tiếng vốn có của mình.

Vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ trước, ít ai có thể ngờ rằng vùng đất Chu Đậu, một làng quê thuần nông yên ả thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, lại có một bề dày lịch sử về gốm sứ đến thế. Hầu như người dân đồng bằng Bắc Bộ và ngay cả hậu duệ của những người thợ tài hoa trên chính mảnh đất này cũng không thể ngờ rằng ông cha họ từng tạo nên một vùng gốm tinh xảo, tuyệt mỹ, đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật bậc nhất trên thế giới thời bấy giờ.

Những di vật tìm được ở Thăng Long, ở thương cảng cổ thuộc vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hay những hiện vật còn được lưu giữ ở các bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới là minh chứng rõ nét cho sự phồn thịnh của gốm Chu Đậu trong lịch sử. Ngoài ra, từ những năm 1980, khai quật khảo cổ học tại Chu Đậu với số lượng đồ sộ những hiện vật cổ có liên quan đến nghề làm gốm thu thập được một lần nữa khẳng định, Chu Đậu đã là trung tâm chuyên sản xuất gốm có chất lượng cao với loại hình và kiểu dáng đa dạng trong khoảng thế kỷ XIV-XVII.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, gốm Chu Đậu bị thất truyền hàng trăm năm. Kể từ năm 2001, với mong muốn khôi phục một dòng gốm trứ danh, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng thời mở các lớp đào tạo, đầu tư nghiên cứu men cổ, kỹ thuật sản xuất và mời các nghệ nhân truyền nghề cho các lao động địa phương.


Không chỉ hội tụ tinh hoa của nghệ thuật gốm, gốm Chu Đậu còn mang trong mình những nét thuần Việt riêng biêt của văn hóa truyền thống. Có lẽ chính vì vậy, sự hồi sinh của gốm cổ Chu Đậu nói không ngoa cũng chính là sự hồi sinh một chương trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Những nét đặc sắc của dòng gốm cổ đã sống dậy từ quá khứ. Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... tất cả đều toát lên bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt, rất đỗi gần gũi nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt từ ngàn xưa. Gốm Chu Đậu còn được coi là dòng gốm đạo, gốm bác học cũng chính vì lẽ đó.

Những hình ảnh thanh bình, yên ả gắn với thiên nhiên và cuộc sống lao động thường nhật của cư dân châu thổ sông Hồng, như cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, mái nhà tranh, cỏ cây, hoa lá, chim, thú… được thể hiện bằng những nét vẽ phóng khoáng, thanh thoát trên gốm.

Nguyên liệu để làm gốm là đất sét trắng được lấy từ vùng đất thiêng Chí Linh, nơi giao nhau của sáu dòng sông đã tạo nên lớp trầm tích quý giá được lắng đọng qua hàng trăm năm nhờ sự bồi đắp của Lục Đầu Giang.

Sau khi trải qua quá trình lắng, lọc, ủ công phu để loại bỏ tạp chất và đạt độ dẻo, mịn cần thiết, nguyên liệu gốm này sẽ được người thợ chuốt nặn trên bàn xoay để tạo nên những bình, lọ… đa dạng đủ kích cỡ.

Những khuôn gốm để tạo dáng cho các sản phẩm gốm cỡ lớn tại Chu Đậu.

Những người thợ thủ công dày dạn kinh nghiệm với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đang tiếp tục công cuộc hồi sinh của một trong những dòng gốm cổ nhất Việt Nam.

Cách tạo khắc hoa văn cũng làm nên nét đặc trưng riêng cho gốm Chu Đậu. Các họa tiết, hoa văn của dòng gốm trứ danh này đều được thực hiện theo phương pháp vẽ dưới men, tức là hoa văn được vẽ trên gốm thô trước rồi sản phẩm sẽ được tráng men và nung sau.

Hệ thống lò nung gas hiện đại được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cho sản phẩm gốm.

Không chỉ với hoa văn tinh xảo, kiểu dáng thanh thoát, một đặc trưng nữa cũng làm nên danh tiếng cho gốm Chu Đậu đó là các lớp men đa dạng, từ men trắng trong, men ngọc, men hoa lam, men lục, xanh nâu, đến men tam thái (được vẽ bằng ba màu men là xanh lục, đỏ và vàng), men rạn, men xoáy…

Trong số đó, men rạn là nổi tiếng hơn cả. Điểm đặc biệt của dòng men cổ này ở chỗ màu vàng ngà của men được làm từ vật liệu tự nhiên rất sẵn có là vỏ trấu thóc nếp. Quá trình nung ở nhiệt độ cao đã hình thành nên các đường chỉ như những vết rạn nhỏ chạy trong lớp men.

Ngày nay, tuy các kỹ thuật và màu men cổ của Chu Đậu vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu và phục hồi, những sản phẩm đa dạng của làng nghề Chu Đậu với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng đã chinh phục được các khách hàng cả trong và ngoài nước.

Từ các mẫu gốm giả cổ đến các loại chậu, bình hoa, sản phẩm quà tặng, bát đĩa, tượng mỹ nghệ, sản phẩm gốm tâm linh, đồ thờ cúng…đều được người yêu gốm trong nước và khách hàng nước ngoài đón nhận và đánh giá cao.

Những tinh hoa của gốm Chu Đậu cổ được kết tinh trong sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đại.

Sau hàng trăm năm mai một, gốm Chu Đậu đã được hồi sinh, kế thừa và phát triển để trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau hàng trăm năm mai một, gốm Chu Đậu đã được hồi sinh, kế thừa và phát triển để trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.

             Theo: nhandan.com.vn

Xem thêm: >> Bà Bùi Thị Hý – Tổ nghề gốm sứ Chu Đậu tài hoa
>>Bí ẩn bà tổ làng gốm Chu Đậu – Bùi Thị Hý
>>Ngày 30/9/2012 TW HHLN Việt Nam cùng với Hội sử học Hải Dương sẽ phong tặng danh hiệu “ Tổ nghề Gốm Chu Đậu” cho bà Bùi Thị Hý
>>Tưởng nhớ ! Tổ nghề gốm Chu Đậu - bà Bùi Thị Hý
>>Ký sự thăm Công ty Gốm Chu Đậu

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.495.839
Tổng truy cập: