Tin tức nổi bật
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ: Bánh quê có thể 'lên ngôi'?
(Ngày đăng: 08/06/2017   Lượt xem: 1082)
Nhiều loại bánh dân gian Việt Nam có khả năng bị mai một trước xu thế sản xuất bánh công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những nghệ nhân đang quyết tâm “đổi đời” bằng nghề truyền thống này, thông qua kết hợp với làm du lịch.

Trong nỗ lực duy trì nghề làm bánh dân gian, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức hàng năm ở Cần Thơ mới đây đã trình bày tập trung hàng trăm món bánh, xôi, chè truyền thống của Nam Bộ. Sự kiện này còn là tạo ra sân chơi tập hợp hàng trăm nghệ nhân, làng nghề 13 tỉnh thành giao lưu, cùng nhau chia sẻ cách làm, cách thưởng thức bánh và tìm kiếm cơ hội “đổi đời” từ các món bánh quê.

Thiếu người kế tục

Chị Neang Pương, 52 tuổi, nghệ nhân duy nhất bảo tồn bánh kà tum (trái lựu) của dân tộc Khmer ở Tri Tôn, An Giang nói: “Bánh này khó làm, ai nóng tính không làm được. Phải kỳ công, khéo léo và kiên nhẫn thắt từng mối”. Hỏi có tính lập doanh nghiệp không, chị Pương cười ngất: “Mỗi chiếc bánh bán trong dịp lễ Chol Chonam thmay, OkOmbok chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng, dân trong phum sóc mua về cúng tổ tiên, sức của tui và đứa con gái làm chừng vài trăm chiếc là đừ người rồi”.

Le hoi Banh dan gian Nam Bo: Banh que co the 'len ngoi'?

Chị bảo, dù chẳng giấu nghề, dù cũng đã dạy cho nhiều người trong sóc làm bánh kà tum, cũng không ít người từ Trà Vinh, Sóc Trăng tới học, nhưng bỏ lâu ngày là lại quên mối thắt. Bây giờ truyền nhân duy nhất của chị là cô con gái 16 tuổi. “Nó thắt còn đẹp hơn tui nữa”, chị Pương “đắc chí” nói. Không chỉ bánh kà tum, hàng ngày hai mẹ con chị vẫn túc tắc làm các loại bánh dân gian bán ra chợ. Cuộc đời người làm bánh không bao giờ đói, nhưng khó thể làm giàu. Hiểu vậy, lại cũng không có vốn liếng rủng rỉnh nên chị Pương cũng không mơ ước gì cao xa.

Thế rồi ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Giám đốc Dự án Du lịch nông nghiệp An Giang phát hiện ra chị, mời tham gia chương trình “biểu diễn” món ngon kỳ thú. Chị đã lên Sài Gòn biểu diễn 2 lần, tham dự lễ hội bánh ở Cần Thơ 3 lần. Năm nay món bánh kà tum của chị đạt Huy chương Vàng. Nhưng rồi làm gì nữa thì chị… chưa nghĩ ra.

Không khác chị Pương, bà Chín Chiều (Trương Thị Chiều), một người làm bánh đã 40 năm ở quận Bình Thủy (Cần Thơ) mừng lắm khi thấy người ta trưng bày bánh mình làm tại khách sạn Mường Thanh để đãi quan khách.

“Bánh của tui xưa nay chỉ bán dạo. Quảy gánh bánh bèo, bánh chuối, bánh da lợn tới khi “lên” được chiếc xe đẩy là một sự thay đổi lớn rồi”, bà Chín chia sẻ.

Riết tới khi ông Đỗ Khuê, đạo diễn truyền hình và bà chủ quán Nhi ở Ô Môn nhận ra trong số 13 loại bánh ngon của cô Chín có một loại sắp thất truyền là “bánh con sùng se tay”. Ông Đỗ Khuê đã nhanh chóng làm phim “Cần Thơ phố” giới thiệu trên sóng truyền hình và bà Nhi đã đưa loại bánh này tới cuộc thi Chiếc thìa vàng. Từ đó, bánh con sùng bắt đầu được nhiều người chú ý.

“Làm bánh phải tự xay bột, lại làm nhiều loại nên công cán cực lắm, nhưng thấy khách ăn ngon lành, tui không đành lòng lên giá. Thời may, tui có một đứa con dâu theo học nghề. Chỉ mong sao tụi nhỏ có cách làm tốt hơn, chứ cực quá e tụi nó bỏ nghề mất”, bà Chín tâm sự.

Nỗi lo thiếu người kế tục của bà Chín, chị Pương là rất phổ biến. Ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tư lự: “Những chiếc bánh dân gian đang đứng trước nhiều nguy cơ: sự phai nhạt các giá trị gốc; sự lấn lướt của các loại nguyên, phụ liệu ngoại nhập, kể cả hóa chất, phẩm màu. Song song đó là sự lấn sân mạnh mẽ của các loại bánh công nghiệp. Thế nên, các lò bánh dân gian dần thu hẹp; số thợ bánh giải nghệ ngày càng nhiều thêm”.

Số ít “truyền nhân”táo bạo

Anh Trần Thiện Cảnh, cùng nghệ nhân làm bánh hỏi mặt võng Út Dzách, người học từ mẹ chồng nhiều món ngon: cháo Tương yêu, bánh hỏi mặt võng - thịt nướng và nhiều món ngon cổ truyền để đãi khách. Món bánh hỏi của bà từng đạt Huy chương Vàng ở lễ hội bánh, nhưng cuộc mưu sinh “bỏ mối” không thể cải thiện sinh kế. Anh Cảnh quyết định sửa lại khu vườn làm điểm du lịch miệt vườn cho thực khách thân quen và phương xa tìm tới.

Lúc bắt đầu chuyển hướng làm du lịch, cán bộ chuyên trách đi kiểm tra, các thủ tục pháp lý khiến anh mệt mỏi, thậm chí nản lòng. Bây giờ, sau lễ hội anh về nhà làm bánh, đón du khách tới khu vườn nho nhỏ và bắt đầu cảm thấy tự tin hơn về cách duy trì làm bánh kết hợp làm du lịch của mình.

Tương tự, người từng đóng góp 20 loại bánh tại phiên chợ đặc sản, bánh ngon ở Phú Mỹ Hưng trước đây, cô Lâm Thị Khuya, cũng xây dựng vườn trái cây Chín Hồng, để thu hút khách. Vốn liếng của cô là khu vườn có sẵn và những món bánh gia truyền đặc sắc. Cô Khuya khoe, năm nay món bánh ít trần nhân thịt vịt xiêm làm không đủ bán: “Mừng lắm, khách ăn mà khen ngon là tui làm không biết mệt. Bây giờ phải nghĩ ra cách để khách mang về Sài Gòn hay đi xa hơn”.

Ông Đoàn Hữu Đức, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (VCG) nhận xét: "Bánh dân gian của các sắc dân sinh sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vô cùng phong phú, sáng tạo và đa dạng”.

Ông Đức đã cùng các thân hữu ra mắt ấn phẩm Hương vị miền Tây, nhằm ghi lại hàng trăm công thức, cách biến tấu của các đặc sản địa phương và những câu chuyện từ ký ức của nhóm tác giả đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông, những buổi tổ chức biểu diễn, trò chuyện và trưng bày bánh cần được nhân rộng để phổ biến nghề truyền thống…

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ. Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: liệu có thể thương mại hóa sản phẩm bánh dân gian? Các nghệ nhân sẽ làm gì sau khi lễ hội kết thúc? Câu hỏi này sẽ cần nhiều người chung sức giải đáp. Biết đâu, một ngày nào đó, các món bánh quê kiểng vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ lấp lánh trên bản đồ ẩm thực thế giới như bánh mochi của Nhật, bánh hẹ của Trung Quốc. Sao lại không?

                                                                                                Theo: tinmientay.net
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.516.306
Tổng truy cập: