Tin tức nổi bật
Những người thợ rèn xa xứ
(Ngày đăng: 15/04/2015   Lượt xem: 766)
Vốn xuất thân từ những người thợ rèn ở làng nghề truyền thống thôn Sơn, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), nhưng vì miếng cơm manh áo họ đã phải rời bỏ quê nhà để sinh sống và phát triển nghề ở một huyện biên giới xa xôi của tỉnh Nghệ An. Cứ thế, thời gian bẵng trôi hơn 20 năm, cuộc sống của 6 hộ gia đình làm nghề rèn ở huyện Kỳ Sơn cứ nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ.



Anh Hùng đang cẩn trọng mài những con dao sắc bén, chuẩn bị xuất sang Lào

Ra đi để giữ nghề

Buổi sáng sớm, trong cái ồn ào, náo nhiệt của tiếng nói cười, tiếng đồng bào đi chợ Mường, tiếng thương lái giao hàng, tiếng xe cộ qua lại ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn còn có thêm một thứ tiếng âm thanh pha lẫn, đó là tiếng búa đập, tiếng máy mài, tiếng dao kéo… xuất phát từ những hộ làm rèn đã làm cho không khí buổi sáng nơi đây tất bật.

Trên con đường quốc lộ 7 huyết mạch nối Kỳ Sơn lên với cửa khẩu Nậm Cắn, nơi biên giới miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi vào thăm hộ gia đình anh Trịnh Hùng (37 tuổi) và chị Lê Thị Lan (25 tuổi) ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ. Lúc này, anh chị đang rất bận rộn bởi công việc tập kết hàng cho đơn xuất sang Lào. Năm 1993, gia đình anh Hùng lúc đó gồm 5 người, bố mẹ, vợ chồng và người em trai vượt hơn 400km từ đất Thanh Hóa vào sinh sống tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An). Sống và làm việc ở Tam Thái được 17 năm, gia đình nhận thấy nếu chuyển lên sống ở Kỳ Sơn sẽ phát triển nghề hơn, bởi tại đây có quốc lộ 7, có chợ Mường Xén, có cửa khẩu Nậm Cắn Việt – Lào rất thuận tiện cho việc giao thương, đến năm 2010, cả gia đình lại dắt díu nhau lên thuê nhà tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn để sinh sống.

Tại nơi ở mới, nghề rèn của anh chị được phát huy. Với nhiều đơn đặt hàng từ các thương lái xuất sang nước láng giềng, cộng với việc bán lẻ, một ngày trung bình 4 người làm được 20 sản phẩm, 1 năm tương đương 5.000 sản phẩm, thu lãi  50-60 triệu đồng. Anh Hùng cho biết: "Hiện nay, các sản phẩm dụng cụ bằng sắt đều được chế tạo bằng máy móc hiện đại, nhưng với gia đình chúng tôi hoàn toàn làm bằng tay, gọt dũa, đục đẽo mà nên. Từ nguyên, vật liệu sắt, than đá mua từ quê nhà, về đến Tà Cạ, chúng tôi bắt đầu biến những cục sắt thành những con dao, cái kéo, lưỡi cuốc, lưỡi xẻng… sắc bén.”

Cạnh nhà anh Hùng là nhà vợ chồng bà Phan Thị Liên và ông Lê Ngọc Tuấn, cũng là hộ làm nghề rèn có tiếng. Năm 2000, nhà bà Liên gồm vợ chồng và hai con nhỏ gói đồ đạc bắt xe từ Thanh Hóa lên Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn để sinh sống. "Nghĩ lại thời khó khăn đó, vợ chồng tôi đúng là liều thật. Rời quê cha đất tổ để lên sống ở một huyện miền núi được xem là nghèo nhất cả nước, không anh em, họ hàng thân thích, vốn liếng xuất ra làm nghề cũng không đáng là bao, ấy vậy mà vượt qua bao khổ cực, từ một con dao, hai con dao… đến nay là hàng nghìn con dao được xuất ra đã nuôi sống cả gia đình. Đó là cả một quá trình, là động lực để gia đình tôi chăm chỉ lao động, giữ nghề và phát triển nghề”, bà Liên chia sẻ. 

Bản lĩnh nơi đất khách

Việc phát triển nghề rèn của gia đình anh Hùng, bà Liên cũng giống như 4 hộ gia đình người làng thôn Sơn còn lại đang sinh sống ở Tà Cạ. Họ là những hộ chế tạo và buôn bán hàng rèn có tiếng nơi vùng biên giới. Giống như trong lời tâm sự của bà Liên: "Người thôn Sơn đi đâu cũng thể hiện tài năng và gốc gác làng nghề của mình. Dù cuộc sống có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, nhưng một khi đã bắt tay vào làm việc, người thợ rèn luôn muốn giới thiệu và quảng bá thương hiệu truyền thống của quê mình, bằng cách thể hiện tính cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo qua từng công đoạn chế tạo sản phẩm. Tránh bất kỳ một sơ suất nào ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề. Bởi theo bà Liên, đó là bản lĩnh của người thợ rèn thôn Sơn, dù đi xa lập nghiệp, gây dựng lại nghề truyền thống, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ở đâu cũng thể hiện được cái tài, độ sắc sảo trong từng tiếng búa, tôi sắt…

Nhắc đến cái lợi và cái hại của nghề, anh Hùng chia sẻ "Mụn sắt, bụi than, khói…hàng ngày bủa vây nhưng vì cuộc sống, vì nghề chúng tôi cũng phải làm, phải mưu sinh. Vẫn biết hiểm nguy là như vậy, nhưng trong sâu thẳm của các hộ gia đình làng rèn Tà Cạ nơi đây vẫn đau đáu nỗi nhớ về làng rèn quê hương nhằm khôi phục lại làng rèn thôn Sơn vang bóng một thời”.
                                                                  Theo : daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
72.472.923
Tổng truy cập: